Nhà ở xã hội chìm trong biển lửa hé lộ phân hóa giàu nghèo trong lòng London
Chỉ vài bước chân từ tòa nhà chung cư 24 tầng vừa bị lửa thiêu rụi là khu phố của những người giàu nhất nước Anh, với những căn biệt thự tráng lệ trị giá nhiều triệu bảng.
- 15-06-2017Người mẹ ôm 6 con nhảy từ tầng 21 xuống đất, 4 con thoát chết trong vụ cháy tại London
- 15-06-2017Vì sao đám cháy nhỏ có thể nhấn chìm chung cư 600 dân trong biển lửa?
- 15-06-2017Không một ai ở 3 tầng trên cùng sống sót: Những thi thể đầu tiên được đưa ra khỏi tòa tháp 27 tầng sau vụ cháy
Tháp Grenfell, chung cư xã hội dành cho người thu nhập thấp vừa bị thiêu rụi, nằm trong khu vực dành cho những người nghèo khó. Nó cách không xa hai khu phố nhà giàu Kensington và Chelsea, nơi ở của những ngôi sao điện ảnh, âm nhạc hay nhân viên ngân hàng…. Vụ cháy kinh hoàng, với ít nhất 17 thi thể được tìm thấy, một lần nữa cho thấy sự phân hóa giàu nghèo nghiêm trọng ở thủ đô nước Anh.
Cơn thịnh nộ của người nghèo
Vụ hỏa hoạn rạng sáng 14/6 thiêu rụi hoàn toàn tòa chung cư 24 tầng, nơi ở của 600 người dân. Lớp nhựa bọc bên ngoài công trình được cho là nguyên nhân khiến vụ cháy trở nên kinh hoàng sau khi lửa bùng lên từ tầng 2 tòa nhà. Nhà chức trách lo ngại khoảng 100 người có thể đã chết trong vụ hỏa hoạn nghiêm trọng dù người ta mới chỉ tìm thấy 17 thi thể.
Với những người còn sống, họ đã mất tất cả, từ tài sản tới nơi ở. Nhiều người trong số họ còn mất đi những người thân trong gia đình. Tuy nhiên, vụ cháy cũng làm bùng lên lòng trắc ẩn của người dân London khi chăn, ga gối đệm và các vật dụng khác đã được quyên góp để giúp đỡ những người dân vừa mất nhà cửa. Dẫu vậy, lòng thương xót cũng không xoa dịu được sự căm phẫn của những nạn nhân.
Trên những tuyến phố xung quanh xác ngôi nhà cháy đen, sự căm phẫn bao trùm. Những người tập trung xung quanh hiện trường vụ cháy thảm khốc đổ lỗi cho chính quyền địa phương đã bỏ mặc an toàn của người nghèo và chỉ chăm lo cho các chính sách ưu đãi người giàu.
Alia Al-Ghabbani, một nhân viên lễ tân sống tại tòa nhà vừa bị thiêu rụi, là một trong số những người giận dữ đang tập trung trong khu vực. Điều khiến Al-Ghabbani cảm thấy khó chịu nhất là việc chính quyền cho phép tân trang lại công trình với một lớp vỏ bọc dễ cháy – nguyên nhân khiến ngọn lửa lan nhanh và không thể kiểm soát.
“Thật khó chịu khi người ta khoác cái thứ phù phiếm ấy lên tòa tháp. Người ta làm việc ấy không phải vì muốn tô điểm cho công trình mà vì nó quá chướng mắt những người giàu có sống trong những ngôi nhà đắt tiền gần đây”, Al-Ghabbani cáo buộc.
Pilgrim Tucker, nhà hoạt động cộng đồng địa phương, làm việc chắt chẽ với người dân Tháp Grenfell trong giai đoạn tân trang lại công trình. Theo Tucker, vụ cháy kinh hoàng là hậu quả bi thảm của việc các tòa nhà xã hội bị bỏ bê trong một thời gian dài.
“Những người sống ở đây, trong những ngôi nhà xã hội, biết rằng họ bị bỏ quên. Nếu chính phủ làm tốt công việc của họ, điều kinh khủng này đã không xảy ra”, Tucker nhấn mạnh. Bản thân Tucker và những người khác cũng cho rằng tiếng nói quan ngại về nguy cơ xảy ra hỏa hoạn của người dân đã bị bỏ ngoài tai đồng thời cảnh báo cục diện chính trị sẽ có những thay đổi.
Chính quyền bị đổ trách nhiệm
Trong khi đó, sở cứu hỏa London cho rằng còn quá sớm để kết luận nguyên nhân vụ hỏa hoạn trong khi chính quyền địa phương giải thích việc tân trang lại công trình nhằm mục đích nâng cao chất lượng sống của người dân trong tòa nhà. Tuy nhiên, lời biện minh đó không làm hài lòng bất cứ ai.
Trong cuộc bầu cử Nghị viện tuần trước, đảng Bảo thủ của Thủ tướng Theresa May đã phải nhận thất bại cay đắng khi không thể giành đủ số ghế. Họ là những người quan tâm nhiều đến tài chính, thuế và việc thúc đẩy kinh doanh hơn là các dịch vụ công cộng như đảng Lao động đối lập vẫn theo đuổi. Thậm chí, ngay ở khu nhà giàu Kensington, đảng Lao động cũng đã giành chiến thắng đầu tiên trong lịch sử.
Ngay sau khi vụ cháy xảy ra, chính nghị sĩ đảng Lao động Emma Dent Coad, người mới dành chiến thắng ở Kensington, cũng đã lên tiếng chỉ trích hội đồng thành phố vì những thất bại trong việc ngăn chặn thảm kịch vừa xảy ra. Trong khi đó, dù Thủ tướng May tới thăm tòa tháp bị cháy nhưng vẫn bị chỉ trích vì chỉ gặp lính cứu hỏa mà không đả động gì tới người dân.
Hai thế giới trong một khu phố
Ngược lại, lãnh đạo đảng Lao động Jeremy Corbyn lại được ca tụng sau khi tới thăm một nhà thờ lớn nằm gần đó, nơi những người dân gặp nạn đang tá túc sau thảm họa. Chính bản thân ông Corbyn cũng thừa nhận thực trạng được gọi là “hai thành phố” tồn tại trong lòng Kensington, với khu phía nam là những người giàu nhất đất nước và khu phía bắc là những người nghèo nhất.
Khu vực nằm quanh Tháp Grenfell được biết đến với cái tên Notting Dale, bao gồm nhiều thành phần xã hội. Công trình bị cháy được xây dựng năm 1974, nằm không xa những con đường xinh xắn được tô điểm bằng những ngôi biệt thự đắt tiền của giới nhà giàu ở khu Holland Park. Tuy nhiên, hai khu biệt lập với nhau dù chỉ cách vài phút đi bộ.
Tuy nhiên, bất chấp sự căm phẫn, ngọn lửa đã tạo ra được một sự gắn kết khó tưởng tượng ở Kensington. Nhiều người sống ở khu vực giàu có mở cửa nhà, đón tiếp những người đang chạy thoát thân khỏi tòa tháp bị cháy. Trong lúc hoạn nạn, sự phân hóa giàu nghèo đã không còn ý nghĩa.
Anabel Donald, một bà nội trợ sống trong khu vực, đã cho 6 người gặp nạn ở nhờ tầng trệt của ngôi nhà. Vào đêm vụ cháy xảy ra, Donald vội vã đến nhà thờ địa phương trong bộ quần áo ngủ. Bà giúp đỡ những người gặp nạn bằng việc trông coi trẻ em, dọn dẹp hay mang nước cho những người thực sự cần.
Dù sống ở khu người giàu nhưng Donald vẫn bày tỏ sự căm phẫn với cách hành xử của chính quyền. Theo bà, chính quyền địa phương đã quản lý thuế một cách không hiệu quả khi họ có thể tăng chi cho các công trình xã hội và những dịch vụ công khác để ngăn chặn thảm họa như vụ cháy kinh hoàng. Bản thân bà cũng khẳng định sẽ vui lòng nộp thêm thuế cho những việc như thế.
Hiện trường vụ cháy cao ốc 27 tầng ở London