Nhà ở xã hội, đừng để người thu nhập thấp phải mua trên báo, tivi
Đầu tháng 4 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Trước đó, TP.HCM cũng đặt ra mục tiêu phát triển khoảng 93.000 căn nhà ở xã hội giai đoạn 2020-2025 để giải quyết nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị. Đây đều là những mục tiêu được xem là cần thiết để đáp ứng nhu cầu an cư của người dân. Tuy vậy trên thực tế việc triển khai các dự án này gặp không ít khó khăn, gây ảnh hưởng không nhỏ đến mục tiêu chung.
"Nhà ở xã hội không nhiều và giá tương đối cao, nhiều chỗ không rẻ hơn nhà ở thương mại là bao nhiêu.Bây giờ chỉ có thể tiếp cận được ngân hàng chính sách, nhưng các thủ tục cực kỳ chặt chẽ và khó khăn. cơ hội mua được nhà của chúng tôi gần như quá xa vời".
"Bây giờ các ngân hàng thương mại không cho người thu nhập thấp được hưởng ưu đãi, chúng tôi khi muốn vay lại phải chấp nhận lãi suất rất cao. Như thế rất khó khăn để tiếp cận nguồn vốn để mua nhà xã hội".
"Hiện mức lương hiện tại là 8 triệu/tháng, không có tăng ca, đơn hàng ít hơn, doanh nghiệp khó khăn hơn đồng nghĩa là công nhân cũng rất khó khăn, giá cả cũng leo thang. Nếu muốn mua một căn hộ hay nhà ở xã hội, thủ tục vay rất khó đối với người lao động khi tiếp cận điều kiện, nguồn vay, khó lắm. Thế nên chúng tôi mong muốn sao sẽ có một căn hộ, nơi ở thì công việc ổn định hơn".
Đây là những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của một số người dân tại Hà Nội và TP.HCM về câu chuyện nhà ở xã hội. Có thể thấy, mong ước có 1 chỗ ở ổn định phù hợp với khả năng tài chính của gia đình là câu chuyện hết sức phổ biến của hàng triệu gia đình tại các đô thị nước ta.
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, đến nay cả nước mới chỉ có 275 dự án nhà ở xã hội với quy mô khoảng 147.000 căn hộ được hoàn thành cùng với gần 400 dự án với quy mô khoảng 375.000 căn hộ đang được triển khai. Riêng TP.HCM mới chỉ có 32 dự án nhà ở xã hội với 19.102 căn hộ, 18 dự án nhà lưu trú công nhân với tổng cộng 5514 phòng đã hoàn thành, ngoài ra còn có 9 dự án đang thi công với quy mô 6383 căn hộ.
Theo nhận định của PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - giảng viên cao cấp Học viện Tài chính thì sự lệch pha quá lớn giữa cung và cầu đã khiến kết quả phát triển nhà ở xã hội trong thời gian qua của nước ta chưa đạt được kỳ vọng: "Nhiều tỉnh thành phía Nam như TP.HCM, Bình Dương gần như không có nhà ở xã hội trong những năm vừa qua. Ở Hà Nội thì cũng phải đến 2-3 năm nay mới có 1 dự án. Cầu lớn và cung ít nên xếp hàng để mua là đương nhiên. Thêm nữa quy định về hồ sơ mua tương đối chặt chẽ và vì thế để đáp ứng được các yêu cầu thì người dân phải chuẩn bị trước và mất nhiều thời gian".
Nắm bắt được nhu cầu ấy, vào ngày 3/4/2023 vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”.
Còn tại TP.HCM, lãnh đạo thành phố này đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có khoảng 93.000 nhà ở giá rẻ sẽ đến được người dân có nhu cầu.
Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng chủ trương này là cần thiết và nhận được sự quan tâm của nhều doanh nghiệp: "Riêng TP.HCM có khoảng 15 tập đoàn và doanh nghiệp tham gia nhà ở xã hội bằng tiền của mình, tự mua đất, tự vay tiền, tự đầu tư. Không thể ép doanh nghiệp làm nhà giá rẻ, nhưng thực sự có rất nhiều doanh nghiệp có ý thức và mong muốn tham gia đóng góp. Chúng tôi đang khuyến khích các doanh nghiệp làm".
Từ góc độ 1 doanh nghiệp chuyên phát triển các dự án nhà ở xã hội, ông Lê Hữu Nghĩa - Giám đốc Công ty bất động sản Lê Thành cho rằng dù Chính phủ và địa phương đã có chủ trương phát triển nhà ở xã hội, song trên thực tế thì việc triển khai dự án vẫn rất khó khăn vì các thủ tục phê duyệt, điều chỉnh dự án cũng như áp lực lãi suất ngân hàng còn khá cao: "Chờ các sở ngành trả lời văn bản rất lâu, có nhiều khi 6 tháng không thấy Sở, ngành nào trả lời, thành ra vướng mắc nhiều khi cả năm. Vậy chúng ta phải đột phá chỗ này, làm sao khi sở này có văn bản thì 15 ngày sau phải trả lời, anh không trả lời xem như chấp thuận để dự án tiếp tục chạy, Đây là khâu vướng mắc nhất hiện nay nên tôi mong chúng ta đột phá ở khâu này".
Để kịp thời hỗ trợ tín dụng cho mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030, Chính Phủ và Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận phê duyệt gói tín dụng trị giá 120.000 tỷ đồng để cho vay đối với chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất 8,2% cho người vay mua và 8,7% đối với chủ đầu tư.
Theo TS. Sử Ngọc Khương – Phó viện trưởng Viện nghiên cứu tin học và kinh tế ứng dụng cho rằng việc có gói tín dụng với lãi suất hỗ trợ là cần thiết song vẫn là chưa đủ để kích thích việc phát triển nhà ở xã hội: "Vì sao chúng ta không dùng các công cụ khác ngoài vấn đề lãi suất? Tại sao chúng ta không đẩy nhanh tiến độ phê duyệt, triển khai các dự án để tối ưu chi phí, giúp cho giá nhà rẻ hơn. Hiện nay chúng ta đang quy tất cả về cho ngân hàng và tôi nghĩ rằng công cụ này chưa đủ. Chúng ta cần dùng nhiều công cụ khác nhau của các bên liên quan để cùng giải quyết chứ nếu cứ dùng các công cụ riêng lẻ thì rất khó để hoàn thành mục tiêu 1 triệu căn hộ đến năm 2030".
Chính những vướng mắc về trình tự phê duyệt, thẩm định dự án, điều chỉnh quy hoạch… đã phần nào khiến cho nhiều dự án nhà ở xã hội tại TPHCM nói riêng và cả nước nói chung bị chậm tiến độ hoặc dậm chân tại chỗ dù đã làm lễ khởi công, động thổ hoành tráng trước đó.
Về vấn đề này TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia phân tích thêm: "Cái thứ nhất vô cùng quan trọng, đó là chưa nhất quán về quan điểm, về cách hiểu và cách tiếp cận. Nhiều người cho rằng nhà ở xã hội hiện này là cái gì đó có vẻ như là từ thiện, có cũng như không. Vướng mắc lớn thứ hai là cơ chế, chính sách, quy trình thủ tục và khâu thực thi. Vướng mắc thứ 3 là quy hoạch và quỹ đất, đền bù và giải phóng mặt bằng luôn là vấn đề cực kỳ khó khăn. Với các khó khăn này thì rõ ràng là không dễ để đạt được chỉ tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội đến 2030 được mà Thủ tướng đã giao".
Đừng để phải mua trên báo, trên tivi
Việc Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương cụ thể hoá chương trình hành động về nhà ở trong ngắn và trung hạn căn cứ theo đề án “đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030” của Chính phủ là một tín hiệu hết sức khả quan không chỉ với lĩnh vực xây dựng, bất động sản mà còn đối hơn hết là với hàng triệu người dân thu nhập thấp đô thị.
Tuy nhiên với những gì đang diễn ra trên thực tế như tiến độ triển khai dự án còn chậm, không có nhiều dự án mới được công bố, chưa có hướng dẫn cụ thể để tiếp cận gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, giá nhà và lãi suất cho vay còn cao so với khả năng chi trả của người dân…đủ cho thấy giấc mơ an cư vẫn còn quá xa vời.
Chủ trương đã có, nguồn vốn cũng bắt đầu được khơi thông song vướng mắc lớn nhất là pháp lý vẫn là thứ khiến mọi thứ dường như chưa thể “vào guồng” như mong đợi. Đáng tiếc rằng những khung pháp lý quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn đến việc phát triển nhà cho người thu nhập thấp như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật các tổ chức tín dụng (sửa đổi) … vẫn mới chỉ dừng ở việc cho ý kiến lần 2 mà chưa thể được thông qua tại kỳ họp Quốc hội lần này.
Như nhiều nhận định chuyên môn thì không dễ để hoàn thành mục tiêu “1 triệu căn nhà cho người thu nhập thấp” đến năm 2030. Tuy vậy, khó mấy cũng phải làm, bởi giải quyết tốt nhu cầu an cư của người dân là một trong những trụ cột quan trọng để duy trì sự ổn định, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương của đất nước.
Để hiện thực hoá chủ trương của Chính phủ, đáp ứng được nhu cầu an cư lạc nghiệp của người dân thì các Bộ ngành, Chính quyền các địa phương cần tích cực hơn trong việc hoàn thiện thể chế, pháp luật về nhà ở cho người thu nhập thấp. Có chính sách kêu gọi, thu hút thêm nhiều chủ đầu tư tham gia phát triển nhà ở xã hội.
Cụ thể và minh bạch hoá quy trình phê duyệt dự án, tích cực phối hợp với các chủ đầu tư để tháo gỡ vướng mắc liên quan đến quy hoạch, chỉ tiêu sử dụng đất; công khai các điều kiện xét duyệt cũng như đề xuất mức lãi suất phù hợp với thu nhập của người mua…
Người lao động nói chung, người thu nhập thấp đô thị nói riêng đã và đang đóng góp rất lớn cho sự phát triển của các đô thị. Do vậy, giấc mơ an cư của họ cần phải được trân trọng, quan tâm giải quyết thích đáng chứ không chỉ dừng lại ở việc hô hào, khẩu hiệu trên tivi hay báo chí./.
Vov.vn