Nhà sáng lập hiếm khi xuất hiện phải đích thân công du, phát biểu hăng say: Gã khổng lồ xe điện Trung Quốc đặt cược lớn vào ‘cửa ngõ vươn ra toàn cầu’
Khi được hỏi tại sao BYD lại đầu tư vào Nhật Bản, Liu Xueliang, tổng giám đốc BYD khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết công ty sẽ “áp dụng những gì đã học được ở Nhật Bản, nhân rộng nó ra khắp châu Á và phần còn lại của thế giới”.
- 18-12-2023Đối phó với dự định cắt giảm lãi suất của FED, Phố Wall đổ xô vào nợ ngắn hạn
- 18-12-2023Bỏ việc ở Amazon, khởi nghiệp thất bại với 20 công ty, người đàn ông 37 tuổi trở thành tỷ phú sau khi nảy ra ý tưởng từ một lần mở tủ lạnh
- 18-12-2023Làng người lùn bí ẩn ở Trung Quốc: Thế giới cổ tích ẩn trong rừng núi đời thực
Đối với BYD, nhà sản xuất xe điện hàng đầu Trung Quốc, Nhật Bản là điểm đến có thể cho thấy khả năng thâm nhập thị trường nước ngoài của thương hiệu này . Nếu có thể thành công mở rộng tại thị trường nổi tiếng nhập khẩu nghiêm ngặt, BYD có thể thành công ở bất cứ đâu, theo Nikkei Asia.
Cam kết của BYD trong việc chinh phục thị trường Nhật Bản đã được thể hiện hồi tháng 10, khi họ mời các đại lý ô tô từ khắp nơi trên đất nước tham dự hội nghị tại một khách sạn ở Tokyo. Theo một người tham dự, Wang Chuanfu, người sáng lập hãng xe BYD đã bất ngờ xuất hiện tại sự kiện này, gây xôn xao dư luận.
Ông Wang hiếm khi có bài phát biểu bên ngoài Trung Quốc. Nhưng ngày hôm đó, “ông ấy đã say sưa nói về chiến lược của mình đối với thị trường ô tô Nhật Bản trong hơn một giờ đồng hồ”, người tham dự cho biết.
BYD đã bán được 2,08 triệu xe trong ba quý đầu năm. Trong quý 3, hãng cũng chỉ còn kém khoảng 3.400 chiếc là có thể đánh bại công ty xe điện dẫn đầu thế giới Tesla. Hiện BYD đang tăng cường xuất khẩu, đặc biệt chú ý đến các loại xe con tại thị trường Nhật Bản.
Theo nhiều đại lý, sau khi gia nhập thị trường vào tháng 1, mục tiêu hiện nay của BYD là vào 2025, hãng sẽ bán được 30.000 xe điện/năm tại Nhật Bản. Thương hiệu đến từ Trung Quốc cũng có kế hoạch xây dựng mạng lưới 100 đại lý vào năm đó, nghĩa là mỗi đại lý sẽ bán được 300 chiếc. Mục tiêu này được đánh giá là đầy tham vọng, vì ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản coi các đại lý bán được 200 xe mỗi năm là cao hơn nhiều so với mức trung bình.
Theo Nikkei, Nhật Bản là thị trường ô tô lớn thứ tư thế giới, và các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản nắm giữ thị phần hơn 90%. Xe hybrid và xe kei đang có nhu cầu mạnh mẽ.
Các thương hiệu Trung Quốc chưa có độ phủ quá mạnh mẽ tại thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, BYD đã gia tăng đáng kể mục tiêu bán hàng của mình so với mục tiêu trước đó.
Trước khi tuyên bố chính thức gia nhập thị trường Nhật Bản, Atsuki Tofukuji của BYD Nhật Bản đã vạch ra một kế hoạch chủ yếu xoay quanh bán hàng qua phương tiện kỹ thuật số, giống như Tesla. Mục tiêu hàng năm là bán được khoảng 300 chiếc Atto 3, cùng với khoảng 500 chiếc Dolphin.
Những mục tiêu ban đầu này chưa đạt tới mức quy mô mà BYD mong muốn. Liu Xueliang, tổng giám đốc BYD khu vực châu Á - Thái Bình Dương và chủ tịch BYD Nhật Bản cho biết chiến lược này đã chuyển từ bán hàng trực tuyến sang các đại lý.
Liu cho biết vì BYD đang ở Nhật Bản, một thị trường mới với hãng nên họ cần khiến khách hàng tiếp cận với xe và các đại lý bán hàng. “Người tiêu dùng Nhật Bản rất nhạy cảm với ô tô và sẽ khó nắm bắt được họ nếu chỉ dùng các kênh trực tuyến”.
BYD bán xe tại hơn 70 quốc gia, nhưng hầu hết doanh số bán hàng được xử lý thông qua các nhà phân phối thuộc sở hữu địa phương. Tại Nhật Bản, BYD sẽ tự xây dựng mạng lưới đại lý bán hàng.
Thương hiệu Trung Quốc cũng đang ký hợp đồng với các đại lý lâu đời và những người bán hàng hóa và phụ kiện ô tô lớn. Công ty hiện có khoảng 50 địa điểm từ Hokkaido đến Okinawa.
Dolphin, được bán vào tháng 9, có giá khởi điểm 3,63 triệu yên (25.000 USD) và chạy được 400km cho mỗi lần sạc. Điều đó làm cho chiếc xe có giá cả phải chăng hơn khoảng 10% so với Nissan Leaf, loại xe có kích thước tương tự, mặc dù phạm vi di chuyển dài hơn 20%. Dolphin cũng được trang bị các tính năng an toàn giúp ngăn chặn những chuyển động ngoài ý muốn nếu người lái đạp nhầm bàn đạp.
Một doanh nhân ở độ tuổi 80 đã mua một chiếc Dolphin cho biết: “Tôi cảm thấy bị cuốn hút bởi phạm vi lái xe và các tính năng an toàn. Sẽ khá đắt nếu đó là xe Nhật.”
BYD đã hợp tác với Meiji Sangyo, một công ty phụ tùng ô tô có trụ sở tại Tokyo, để đào tạo thợ sửa xe điện, công việc có lực lượng nhân sự còn nhiều hạn chế tại Nhật Bản.
Khi được hỏi tại sao BYD lại đầu tư vào Nhật Bản, Liu cho biết công ty sẽ “áp dụng những gì đã học được ở Nhật Bản và nhân rộng nó ra khắp châu Á và phần còn lại của thế giới”.
Takeshi Miyao, nhà phân tích tại công ty nghiên cứu ngành công nghiệp ô tô Carnorama cho biết: “Nếu BYD có thể bán hàng tại Nhật Bản, một thị trường ô tô tiên tiến, thì họ có thể nhận được nhiều hỗ trợ từ đó mở rộng ra thế giới. Điều này cho thấy Nhật Bản ‘là cửa ngõ dẫn đến thành công’”.
Trung Quốc đã xuất khẩu 610.000 xe điện vào năm ngoái, gấp 8 lần khối lượng vào năm 2020. BYD cũng đang “tấn công” vào Đông Nam Á và Ấn Độ, nơi các thương hiệu Nhật Bản phát triển rất mạnh. Được biết, vào mùa thu này tại Nhật Bản, BYD đã tiết lộ một chiếc xe điện khác có giá hơn 20 triệu yên. "Chúng tôi đang mở rộng những dòng xe phù hợp”, Tofukuji cho biết.
Tham khảo Nikkei Asia
Nhịp sống thị trường