Nhà sáng lập WikiLeaks bị bắt ở London
WikiLeaks và Julian Assange trở nên nổi tiếng vào năm 2010, khi trang web này đăng tải hàng loạt tài liệu mật bị rò rỉ của Chính phủ Mỹ...
Nhà sáng lập WikiLeaks, ông Julian Assange, đã bị trục xuất khỏi nơi ẩn náu trong đại sứ quán Ecuador ở London vào ngày 11/4 và bị cảnh sát London ngay lập tức bắt giữ dựa trên những cáo buộc của Mỹ đối với nhân vật này.
Theo tin từ Bloomberg, vụ bắt giữ diễn ra sau khi Tổng thống Ecuador Lenin Moreno tuyên bố trên mạng xã hội Twitter rằng nước này đã rút lại quyền tị nạn đã cấp cho ông Assange. Một đoạn băng video cho thấy ông Assange bị cảnh sát còng tay, dẫn giải khỏi đại sứ quán Ecuador và đưa vào một xe cảnh sát.
Đề nghị của Mỹ đối với nhà chức trách Anh về bắt ông Assange được đưa ra trên cơ sở cáo buộc rằng ông này có sự thông đồng với nhà phân tích tình báo người Mỹ Chelsea Manning vào đầu năm 2010. Một cáo trạng do Mỹ công bố ngày 11/4 nói ông Assange đã cấu kết với bà Manning để tấn công mạng nhằm đánh cắp mật khẩu hệ thống máy tính lưu trữ nhiều tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Mỹ.
Ông Assange, 47 tuổi, đã tị nạn trong đại sứ quán Ecuador ở London kể từ năm 2012, khi ông chạy trốn để tránh bị thẩm vấn về một vụ tấn công tình dục ở Thụy Điển. Những cáo buộc trong vụ này đã được xóa bỏ vào năm 2017, nhưng Assange vẫn tiếp tục tị nạn để trốn cảnh sát Anh và cơ quan công tố Mỹ.
Việc ông Assange bị bắt đã chấm dứt thế bế tắc kéo dài gần 7 năm giữa ông với chính quyền Anh. Sau vụ bắt giữ, Assange bắt đầu phải chống trả lại những nỗ lực của Mỹ nhằm dẫn độ ông.
Theo dự kiến, ông sẽ ra đối chất trước tòa án Anh vào ngày 2/5. Luật sư bảo vệ cho Assange nói rằng thân chủ của họ sẽ không có được sự đối chất công bằng ở Anh, trong khi quan tòa Anh bác bỏ cáo buộc này.
Lệnh bắt của Mỹ đối với ông Assange được đưa ra vào tháng 12/2017, luật sư của ông cho biết.
Tổng thống Donald Trump từng đưa ra những ý kiến trái chiều về WikiLeaks - trang web mà Assange sáng lập chuyên đăng tải những tài liệu nhạy cảm bị rò rỉ.
Trong thời gian tranh cử Tổng thống Mỹ 2016, ông Trump kêu gọi WikiLeaks tiết lộ những bức email bị rò rỉ của ứng cử viên Dân chủ Hillary Clinton. Tuy nhiên, sau khi ông Trump đắc cử, chính quyền của ông lại gọi WikiLeaks là một "dịch vụ tình báo thù nghịch".
Mối quan hệ giữa Assange với Ecuador đã xấu đi theo thời gian. Ông từng tranh chấp với Ecuador về truy cập Internet và thậm chí đối mặt với cáo buộc hình sự về xâm nhập vào hệ thống máy tính của đại sứ quán nước này. Hôm thứ Tư, đại diện của WikiLeaks tổ chức một cuộc họp báo cáo buộc Ecuador nghe lén Assange.
Trong một dòng trạng thái Twitter sau khi Assange bị bắt, WikiLeaks nói rằng việc Ecuador cắt quyền tị nạn của ông Assange là "vi phạm pháp luật".
Cơ quan công bố Mỹ đã bác bỏ khả năng đưa ra mức án tử hình đối với Assange, nói rằng hình phạt cao nhất đối với ông có thể là 5 năm tù giam.
WikiLeaks và Assange trở nên nổi tiếng vào năm 2010, khi trang web này đăng tài hàng loạt tài liệu mật của Chính phủ Mỹ do bà Manning cung cấp. Gần đây hơn, vào năm 2016, WikiLeaks một lần nữa gây chú ý khi đăng những bức email bị rò rỉ từ chiến dịch tranh cử Tổng thống của bà Hilarry Clinton.
VnEconomy