Nhà sư được trao danh xưng "Người hạnh phúc nhất thế giới": Sách của Đức Đạt Lai Lạt Ma đã truyền cảm hứng cho tôi
Thầy Matthieu Ricard là một tăng sĩ Phật giáo Tây Tạng gốc Pháp, sống ở một tu viện tại Nepal. Các nhà khoa học tại Trường ĐH Wisconsin (Mỹ) đã trao danh xưng: Người hạnh phúc nhất thế giới cho nhà sư sau khi ông tham gia một nghiên cứu não kéo dài 12 năm.
- 20-03-2017Ngày quốc tế hạnh phúc, nghe mẹ con "cậu bé xếp dép" kể về 15 ngày kì diệu mà họ vừa trải qua...
- 20-03-2017Tiền không, hy vọng cũng không nhưng tôi vẫn nghĩ mình là người hạnh phúc nhất thế gian
"Bất kì ai cũng có thể tìm thấy hạnh phúc, nếu chúng ta tìm nó ở đúng chỗ, thay vì cứ nuối tiếc quá khứ", thầy Matthieu Ricard chia sẻ, trong một cuộc phỏng vấn với tờ báo New York Daily News. Tuy nhiên, nói bao giờ cũng dễ hơn làm.
Dưới đây là cuộc trò chuyện của thầy Matthieu Ricard với trang Daily News:
- Trước tiên, làm cách nào để xác định được hạnh phúc là gì, thưa thầy?
- Hạnh phúc không phải là không ngừng tìm kiếm những trải nghiệm thú vị, điều này có vẻ giống việc cố gắng làm mình kiệt sức hơn. Hạnh phúc là con đường nuôi dưỡng tâm trí bằng sự nhân ái, cân bằng tình cảm, cảm giác tự tại, yên bình và trí tuệ. Bạn có thể rèn luyện tâm trí để nâng cao những kĩ năng, phẩm chất này.
- Ngày nay, hạnh phúc thật khó tìm, làm thế nào để chúng ta giữ được hạnh phúc?
- Tâm trí của chúng ta hoạt động từ sáng đến tối. Nó có thể là bạn thân, cũng có thể là kẻ thù tồi tệ nhất của chúng ta. Chúng ta nên làm mọi thứ có thể để cải thiện cuộc sống khách quan như sự nghèo khó, bất bình đẳng, những mâu thuẫn... Đồng thời, chúng ta vẫn phải cố gắng hết sức để cân bằng tâm trí, vững tâm để đối phó với những thăng trầm của cuộc sống.
- Thầy làm cách nào để vượt qua những lúc tâm trạng tồi tệ?
- Tôi thường không có tâm trạng xấu, bởi nó không giúp ích gì và khiến tôi không sáng suốt. Nhưng tôi chắc chắn có thể nhận thức khi một điều sai lầm khủng khiếp đã diễn ra. Chúng ta cần phải hiểu được lí do của những tâm trạng tồi tệ và hướng tới việc xây dựng những điều kiện mới để chúng mang đến những điều tốt đẹp hơn.
- Cuốn sách hay bài báo nào viết hay nhất về hạnh phúc?
- Những cuốn sách đã truyền cảm hứng cho tôi là "The Art of Happiness" (Nghệ thuật hạnh phúc) của Đức Đại Lai Lạt Ma và Howard Cutle, "The Joy of Living" (Niềm vui cuộc sống) của Yonger Mingyur Rinpoche và “The Book of Joy: Lasting Happiness in a Changing World", (Cuốn sách của niềm vui: Hạnh phúc dài lâu trong cuộc sống nhiều biến đổi) của Đức Đại Lai Lạt Ma và Desmond Tutu.
- Âm nhạc nói với chúng ta "đừng lo lắng, hãy hạnh phúc nhé", nhưng chúng ta có thể vừa lo lắng, sắp xếp cuộc sống và vừa hạnh phúc không? Ông đã cân bằng cuộc sống bằng cách nào?
- Khi đối mặt với những tình huống bất lợi, nếu bạn có thể làm điều gì đó, hãy làm và đừng lo lắng. Nếu bạn không thể làm gì, thì cũng đừng lo lắng. Trong cả 2 trường hợp, lo lắng chính là thứ khiến bạn đau khổ hơn. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng ta nên bỏ qua, không lo lắng những chuyện bất công và các hành vi gây đau khổ cho người khác.
- Liệu có phải càng lớn tuổi chúng ta càng dễ hạnh phúc?
- Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng, người cao tuổi có thể dễ dàng cân bằng cuộc sống và hạnh phúc hơn người trẻ tuổi. Điều này là đúng nếu: Khi già đi chúng ta cũng học được cách để trở nên rộng lượng, vị tha và tìm được sự bình yên trong tâm hồn.