Nhà thầu thi công "vẩy rồng" trên tòa IFC One Saigon: Doanh nghiệp do ông Nguyễn Bá Dương sáng lập, thu cả nghìn tỷ mỗi năm chỉ từ nhôm kính
BM Windows làm hàng nghìn "vẩy rồng" tạo vẻ đẹp độc đáo cho IFC One SaiGon - tòa nhà đang là tâm điểm cảu sự chú ý. Công ty này cũng làm bề mặt cho các dự án lớn như The Nexus, The Opera Residences, Fairmont Hotel Hanoi... Doanh thu năm 2021 lên đến 2.000 tỷ.
- 21-08-2022Tòa nhà chọc trời ‘làm xấu bộ mặt' TP.HCM hơn 10 năm có chủ mới, đổi tên thành IFC One Saigon
- 25-01-2022Không lâu sau khi quyết hồi sinh Saigon One Tower, công ty BĐS "bí ẩn" tiếp tục chi 550 triệu USD mua lại toà văn phòng hạng A lớn nhất Hà Nội
- 02-12-2021Tái sinh “cao ốc chết” Saigon One Tower: Chủ mới tuyên bố đang quản lý khối tài sản 5 tỷ USD với các dự án đắc địa quy mô 800ha đất sắp được triển khai
Nằm ở vị trí đắc địa bậc nhất TP.HCM tại giao lộ Tôn Đức Thắng – Hàm Nghi (Quận 1, Tp.HCM), dự án Saigon One Tower được khởi công từ năm 2007 và được xem là dự án sang trọng hàng đầu TP.HCM tại thời điểm công bố. Tuy vậy, dự án này bất ngờ ngưng trệ kể từ năm 2011. Đến cuối năm 2021, Saigon One Tower được đổi tên thành IFC One Saigon.
Đáng chú ý, IFC One Saigon lộ diện thiết kế mới với công trình cao 185m, lấy cảm hứng từ con rồng trong truyền thuyết trong văn hóa dân gian Việt Nam nên có thiết kế façade hình tam giác khổ lớn, từng lớp kính pha trộn màu sắc ghép lại tạo hiệu ứng vẩy rồng. Từ công trình "làm xấu bộ mặt thành phố", IFC One Saigon đang trở thành cảm hứng của các nhiếp ảnh gia Việt Nam.
Nhà thầu thi công mặt ngoài cho IFC One Saigon là Công ty BM Windows, công ty đã hoàn thiện lắp đặt panel giai đoạn 1 với tổng thời gian lắp đặt 45 ngày, nhanh hơn 50 ngày so với tổng thời gian dự kiến triển khai là hơn 100 ngày.
Theo BM Windows, về kĩ thuật, IFC One Saigon là dự án đầu tiên sử dụng hệ façade 2 lớp với các panel tam giác lắp bên ngoài hệ vách kính Unitized. Kích thước panel tam giác lớn nhất tại dự án là 3450x4800 mm cùng khối lượng lên đến 500 kg. Thêm vào đó, điều kiện thời tiết khắc nghiệt và áp lực gió lớn từ khu vực eo sông đòi hỏi nhiều giải pháp thi công mới đáp ứng tiến độ.
Để thích ứng với mặt dựng cong của dự án, 20 phương án panel tam giác được BM Windows thiết kế và sản xuất với góc biến thiên khác nhau. Sau khi hệ khung định hình được tổ hợp, các tấm nhôm và kính được lắp vào khung.
Khác biệt hoàn toàn với phương pháp bắn keo façade thông thường, ở IFC One Saigon, các tấm kính lớn được đặt dưới hệ khung đỡ. Các panel sau khi được sản xuất hoàn toàn tại nhà máy sẽ được BM Windows vận chuyển tới công trường bằng xe siêu trường, siêu trọng.
BM Windows là thương hiệu do ông Nguyễn Bá Dương (cựu Chủ tịch HĐQT của CTCP Coteccons) sáng lập, được thành lập vào tháng 7/2016 với vốn điều lệ ban đầu 100 tỉ đồng. Các cổ đông sáng lập của BM Windows gồm bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc – vợ ông Nguyễn Bá Dương góp 60% và ông Nguyễn Xuân Đạo – em trai ông Dương góp 10%, ông Huỳnh Nhật Minh – em vợ ông Dương góp 10%, ngoài ra còn có ông Nguyễn Ngọc Tùng góp 10% và ông Ngô Thanh Phong góp 10%.
Tuy nhiên, sau khi thành lập được 1 năm, ba cổ đông liên quan đến ông Dương gồm bà Huỳnh Thị Tuyết Ngọc, ông Nguyễn Xuân Đạo và ông Huỳnh Nhật Minh đồng thời rút vốn khỏi BM Windows.
Khi mới thành lập, ông Huỳnh Nhật Minh là tổng giám đốc kiêm người đại diện theo pháp luật của BM Windows sau đó chức vụ này được chuyển giao cho ông Trần Văn Tiến còn ông Huỳnh Nhật Minh làm chủ tịch HĐQT đến nay.
Theo dữ liệu chúng tôi có được, kể từ năm 2016 đến nay, vốn điều lệ của công ty đã tăng từ 100 tỷ lên 305 tỷ đồng. Cùng với việc tăng vốn, BM Windows đã vươn lên mức doanh thu nghìn tỷ và đạt đỉnh cao trên 2.000 tỷ đồng vào năm 2019 - 2020.
Năm 2021, doanh thu của công ty giảm 42% còn 1.170 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế cũng giảm mạnh 77% còn 23 tỷ đồng. Đây là năm khó khăn của ngành xây dựng khi đại dịch Covid bùng lên ở Việt Nam, các chính sách giãn cách xã hội được áp dụng nghiêm ngặt đi cùng với việc giá nguyên vật liệu xây dựng tăng phi mã.
Tại thời điểm cuối năm 2021, tổng tài sản của BM Windows đạt 1.577 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu 773 tỷ đồng.
Hiện nay, theo thông tin trên website, BM Windows sở hữu hai nhà máy công suất cao tại Hà Nội, Bình Dương với tổng diện tích gần 40.000m², cung cấp ra thị trường gần 2.000.000m² façade, nhôm kính hàng năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, BM Windows cũng tham gia vào hàng loạt các dự án lớn như The Nexus (do Công ty Cổ phần Phát triển Tài trợ Địa ốc RC (Refico) làm chủ đầu tư), The Opera Residences (chủ đầu tư Quốc Lộc Phát), Fairmont Hotel Hanoi (chủ đầu tư Gelex Group)…
Đây đều là những công trình ở phân khúc siêu sang, nằm trên các khu đất vàng với quy mô hàng nghìn m2.
Trong đó, Fairmont Hotel Hanoi là dự án khách sạn 6 sao đầu tiên tại Hà Nội, do Gelex Group chủ đầu tư. Fairmont Hotel Hanoi có diện tích 10.200m2, nằm ở vị trí tiếp giáp hai mặt đường Lý Thái Tổ và Trần Nguyên Hãn, cách hồ Hoàn Kiếm và phố cổ 10 phút đi bộ, gần nhiều tòa nhà chính phủ và doanh nghiệp quan trọng nhất thành phố. Nhà thầu chính của dự án này là Central Cons. BM Windows thực hiện giải pháp nhôm kính mặt dựng cho công trình.
The Nexus là dự án tổ hợp đa chức năng hạng sang trên mặt tiền huyết mạch Tôn Đức Thắng, Quận 1 do chủ đầu tư Refico phát triển, nhà thầu chính là Ricons, tổng diện tích dự án 8.635 m2, gồm 1 tháp 36 tầng và 1 tháp 35 tầng. BM Windows thi công hạng mục façade Tòa tháp 2 - Parcel A cao 35 tầng.
Dự án The Opera Residence là dự án toà nhà phức hợp cao cấp, thuộc giai đoạn 3 của dự án The Metropole Thủ Thiêm, nằm ở khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2, thành phố Thủ Đức, do Quốc Lộc Phát làm chủ đầu tư. Đây là phân khu đẹp nhất của The Metropole Thủ Thiêm, với diện tích dự án 11.370 m2.
Nhịp sống thị trường