MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà thầu Trung Quốc làm vỡ ống dẫn hoá chất Alumin Nhân Cơ

Nguyên nhân sự cố vỡ đường ống dẫn xút của Nhà máy Alumin Nhân Cơ được xác định trong giai đoạn nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) đang tiến hành các bước để chạy thử liên động toàn nhà máy.

“Đúng quy trình” vẫn xảy ra sự cố

Tại báo cáo về sự cố vỡ cổ bơm xảy ra tại Nhà máy Alumin thuộc dự án Nhà máy sản xuất Alumin Nhân Cơ gửi Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng, Cục Giám định Nhà nước, Cơ quan thường trực Hội đồng, Ban quản lý dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ thừa nhận rằng, đây là sự cố bất khả kháng, chưa từng xảy ra ở bất kỳ nhà máy nào.

Trước đó, vào ngày 23/7, trong quá trình nhập kiềm tại khu vực chứa kiềm lỏng Nhà máy Alumin để phục vụ chạy thử nhà máy đã xảy ra vỡ cổ ống đẩy của máy bơm kiềm dẫn đến kiềm bị chảy ra ngoài.

Theo đó, 9,58m3 hóa chất kiềm tràn ra bên ngoài, một phần kiềm thẩm thấu xuống lòng đất trong phạm vi 600m2, phần còn lại chảy theo đường ống đổ về suối Đắk Dao. Nước thải chảy ra suối Đắk Dao làm cá chết hàng loạt. Nhiều người dân đã lội xuống dòng suối này vớt cá về ăn, da bị ngứa ngáy, phỏng rộp như bỏng nước sôi.

Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV (DNA) đã báo cáo Bộ Tài nguyên Môi trường, Sở Tài nguyên môi trường, các cơ quan chính quyền địa phương và Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam về diễn biến sự cố, công tác khắc phục sự cố. DNA cũng thành lập đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân, kiểm tra các khu vực có thể bị ảnh hưởng.

Theo Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV, nhà thầu Công ty TNHH công trình Quốc tế Nhôm Trung Quốc (Chalieco) triển khai thi công, lắp đặt theo đúng hồ sơ thiết kế được duyệt và đã chạy thử thiết bị đúng quy trình.

“Nhà thầu đã vận hành bơm để tiếp nhận kiềm trong thời gian hơn 1 tháng trước khi xảy ra sự cố. Ban Quản lý dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ – Vinacomin đã làm việc với nhà thầu về thiết kế, vận hành, các bên cũng đã rà soát các giai đoạn thực hiện từ thiết kế cho đến vận hành để xác định nguyên nhân xảy ra. Việc xảy ra sự cố trên là nguyên nhân bất khả kháng chưa từng xảy ra ở bất kỳ nhà máy nào”, báo cáo nêu rõ.

Cuộc làm việc giữa Ban quản lý dự án và nhà thầu Trung Quốc đã kéo dài khoảng 2 giờ cùng ngày diễn ra sự cố.

Về giải pháp lâu dài, được biết, Ban quản lý dự án đã làm việc và thống nhất với nhà thầu Trung Quốc sẽ kiểm tra, rà soát tổng thể đối với thiết kế liên quan đến hoá chất nhằm đưa ra các giải pháp điều chỉnh, bổ sung thiết kế, thực hiện thi công nhằm đảm bảo an toàn cho quá trình vận hành của nhà máy.

Phía Ban quản lý dự án cũng làm việc với Chalieco để xem xét bổ sung phương án chặn các cửa xả nhằm không cho hoá chất chảy ra môi trường khi xảy ra sự cố, sau khi kiểm soát được các thông số kỹ thuật nằm trong tiêu chuẩn cho phép theo quy định về môi trường mới mở cửa xả để thải ra môi trường.

Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ được khởi công xây dựng từ tháng 2/2010 và thời điểm để tính tiến độ thi công là tháng 10/2010, theo cam kết sau 24 tháng nhà máy sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động tuy nhiên, nhiều năm qua, mục tiêu nêu trên đã liên tục “trễ hẹn”.

Ngoài nhà thầu chính Chalieco và 10 nhà thầu phụ Trung Quốc có 5 nhà thầu Việt Nam, đến thời điểm tháng 2/2016, nhà thầu đã vận chuyển được 99% khối lượng thiết bị về đến công trường và lắp đặt được 92% khối lượng thiết bị. Nhà thầu cũng đã đóng điện 2 trạm biến áp 110kV của nhà máy vào lưới điện quốc gia.

Từng xảy ra sự cố nổ lò hơi

Tại dự án này, sự cố vỡ đường ống dẫn xút không phải là sự cố đầu tiên liên quan đến nhà thầu Trung Quốc.

Thông tin trên báo Đắk Nông, lãnh đạo Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV từng cho biết, việc chưa đạt được kế hoạch đặt ra xuất phát từ nhiều nguyên nhân như thời tiết tại Đắk Nông không thuận lợi, mưa nhiều khiến tiến độ thi công bị chậm; giai đoạn đầu thi công dự án tình trạng mất điện cũng thường xuyên xảy ra.

Ngoài ra, Chính phủ từng yêu cầu tạm giãn để đánh giá lại một lần nữa về hiệu quả kinh tế cũng khiến thời gian thi công dự án bị ảnh hưởng.

Đặc biệt, vị này nhấn mạnh, sự cố ở nhà máy nhiệt điện cũng khiến kế hoạch bị đổ vỡ, trễ hẹn liên tục.

Cụ thể, vào tháng 11/2015, trong quá trình sấy khô vật liệu xây dựng, 2 lò hơi ở Nhà máy nhiệt điện đã bị nổ. Nguyên nhân chính do phía nhà thầu đưa vật liệu từ Trung Quốc qua không đảm bảo. Khi tiến hành sấy khô bê tông ở nhiệt độ 35 độ C vật liệu đã bị vữa, dẫn đến sự cố. Vấn đề này, nhà thầu Trung Quốc đã chịu trách nhiệm hoàn toàn.

Giải thích sự cố ở 2 lò hơi liên quan đến vấn đề công nghệ hay không, ông Ngô Tố Ninh, Phó giám đốc Công ty Nhôm Đắk Nông – TKV khẳng định rằng, sự cố ở lò hơi không liên quan đến công nghệ, theo hợp đồng toàn bộ dây chuyền máy móc do nhà thầu Trung Quốc cung cấp nhưng các thiết bị máy móc này đều được sản xuất từ năm 2011 đến nay và mang thương hiệu của thế giới.

Theo Nguyễn Thảo

BizLIVE

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên