MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà thầu xây dựng Việt Nam chưa hết điêu đứng, biên lợi nhuận chỉ 2% thậm chí càng làm càng lỗ

22-03-2024 - 15:05 PM | Bất động sản

Nhà thầu xây dựng Việt Nam chưa hết điêu đứng, biên lợi nhuận chỉ 2% thậm chí càng làm càng lỗ

Đây là phát biểu của ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) tại Hội nghị Ban chấp hành mở rộng bàn triển khai chương trình hoạt động năm 2024.

Phát biểu tại Hội nghị, ông Nguyễn Bá Dương, Chủ tịch Nhà thầu xây dựng Newtecons, cho biết những năm sau dịch Covid-19, thị trường bất động sản gặp khó khăn ở khâu cấp phép, đây chính là nguyên nhân khiến nhiều nhà thầu không có việc.

"Giờ không ai dám ký...để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cần khai thông nguồn công việc từ Nhà nước, tức là ở khâu cấp giấy phép", ông Dương cho biết.

Số lượng dự án mới khan hiếm, theo ông Dương nhà thầu có việc mà lãi được 2% cũng là cao rồi. Nhưng nếu không biết quản lý là không còn, và nếu chủ đầu tư trả tiền chậm, hoặc không thanh toán còn “chết” nữa. 

Một ví dụ ông Dương nêu ra là việc xin giấy phép xây dựng hỗ trợ đối tác của tỷ phú người Đức nhưng địa phương không ký mà phải lên tận Quốc hội giải quyết. Người ta mang cả nhà máy từ Trung Quốc qua Việt Nam nhưng địa phương có thông báo thiếu điện nên không cấp. Mất hơn 1 năm mới giúp được chủ đầu tư xin được giấy phép gây ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kéo dài tiến độ đầu tư, xây dựng rất nhiều.

Cũng tại hội nghị, một vấn đề nữa được các đại biểu đưa ra là kinh tế phát triển chưa như mong muốn, tiền vẫn nằm trong ngân hàng, không giải ngân được. “Các doanh nghiệp đang khó khăn trong xoay sở nguồn vốn, trong khi ngân hàng lại thừa tiền, chủ yếu do lượng cung tiền cho các dự án bất động sản giảm đi rất nhiều”, ông Lê Viết Hải, Chủ tịch tập đoàn Xây dựng Hoà Bình nhận định.

Theo ông Hải: "Chúng ta đang triển khai đề án 1 triệu căn nhà ở xã hội (10 năm), đến giờ là năm thứ tư nhưng mới chỉ có 1% con số đó được đưa vào khai thác, còn lại vẫn nằm trên giấy (mới được phê duyệt hoặc đang chờ xem xét, phê duyệt). Như vậy, trong 2024, số dự án được triển khai vẫn hạn chế nên vấn đề công ăn việc làm cho nhà thầu xây dựng vẫn còn nan giải".

Một vấn đề nữa được Chủ tịch Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình đưa ra là vấn đề cạnh tranh khi bỏ thầu, đây là cơ chế thị trường, dù có thiệt thòi nhưng là cách ứng xử linh hoạt và văn minh giữa các nhà thầu xây dựng. Chiến lược Xây dựng Việt Nam cần vươn ra quy mô đại dương xanh, chiếc bánh quy mô ngành xây dựng thế giới lên đến 400 tỷ USD, gấp 8 lần quy mô ngành xây dựng trong nước. 

"Nhiệm vụ của nhà thầu Xây dựng Việt cần bảo vệ chính thị trường nội địa, từ làm thầu phụ các công trình quốc tế, rồi quay về làm chủ và chiếm lĩnh thị trường trong nước, giảm bớt áp lực cạnh tranh trong nước, mang lại hiệu quả kinh tế chung của đất nước. Mục tiêu có thể chiếm được 1% gói thầu quốc tế, xuất khẩu xây dựng ra thế giới cũng nâng cao năng lực nhà thầu trong nước là hành động có cơ hội thành công", ông Hải nêu thông tin.

Bàn về vấn đề cạnh tranh giữa các nhà thầu, ông Cao Tùng Lâm - Chủ tịch Nhà thầu Xây dựng Phục Hưng Holdings hiến kế, các dự án trên 1.000 tỷ có thể các nhà thầu lớn nên báo cáo Hiệp hội để bàn thảo trước khi đấu thầu, ngồi với nhau ở các dự án lớn, chuẩn bị về nguồn vốn, năng lực, thế mạnh từng bên để tránh cạnh tranh bất lợi, tránh mâu thuẫn. Chính phủ cần có cơ chế phân chia nhà thầu theo năng lực, nhà thầu cần hợp tác chia sẻ, chúng tôi sẵn sàng hợp tác trong vấn đề này.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Khắc Hải - Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Vinaconex phân tích: Hiện có 46/63 tỉnh thành có công trình giao thông, sân bay, cao tốc, bến cảng... Năm 2024 có gần 500 ngàn tỷ cho hạ tầng, giá trị cho giao thông càng lớn, đây là nguồn dự án quan trọng cho các nhà thầu có công ăn việc làm.

Chính phủ không trực tiếp can thiệp việc chia nhóm, làm manh mún, doanh nghiệp đối xử khó đối với nhau. Nhà thầu cần tự làm việc với nhau trong bài toán phải tạo nhà thầu nhỏ có công ăn việc làm, tăng tỷ lệ thầu phụ. Đây không được coi là bán thầu, dẫn đến rủi ro, nhưng phải áp dụng pháp luật, giải thích được cơ chế, nghị định và loại bỏ rủi ro pháp luật, phản biện, bảo vệ quyền lợi nhà thầu xây dựng.

Phản hồi các ý kiến tại hội nghị, ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch VACC, thông tin: "Nhà thầu Xây dựng trong nhiều năm nay liên tục gặp nhiều khó khăn từ sự đóng băng của thị trường xây dựng và các dự án bất động sản bị bế tắc về pháp lý. Tuy nhiên, nhìn về thị trường xây dựng trong thời gian tới, vẫn còn nhiều cơ hội và tiềm năng".

Đầu tiên là các Luật mới đã được thông qua như: Luật Nhà ở, Luật kinh doanh Bất động sản, Luật Đầu tư, Luật đất đai, hướng dẫn Luật Đấu thầu... sẽ tháo gỡ nhiều vướng mắc cho các dự án bất động sản. Tiếp đó là ngành Xây dựng Việt Nam đang có xu hướng chuyển dịch sang xây dựng công trình ngầm trong 5-10 năm tới. Đầu tư công đón nguồn ngân sách trong năm 2024 lên đến 220 ngàn tỷ và vẫn có sẵn 500 ngàn tỷ trong kế hoạch đang giải ngân thực hiện.

Đặc biệt, Quốc hội đã cho phép Chính phủ xây dựng Đề án trình Quốc hội ban hành Nghị quyết về thí điểm thực hiện dự án nhà ở thương mại thông qua thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất hoặc đang có quyền sử dụng đất đối với đất khác sẽ cho phép nhà đầu tư “được thỏa thuận về nhận quyền sử dụng đất đối với đất ở và đất khác hoặc đất khác không phải là đất ở”, sẽ tháo gỡ được vướng mắc đối với các trường hợp nhà đầu tư “đang có quyền sử dụng đất khác không phải là đất ở” phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch xây dựng để thực hiện dự án nhà ở thương mại.

Ông Hiệp tính hiện có khoảng 700 dự án vướng mắc về điều này, khi được tháo gỡ, không chỉ giúp tăng nguồn cung bất động sản, mà còn tạo nhiều công ăn việc làm cho các nhà thầu xây dựng. Tuy nhiên, có một vấn đề là ngành xây dựng đang gặp phải là tình trạng thiếu lao động có tay nghề. 

“Cần phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, năng lực nhà thầu để có thể tham gia sâu hơn, hàm lượng chất xám và công nghệ cao hơn trong các gói thầu đòi hỏi công nghệ cao trong tương lai. Nếu không, có đẩy mạnh đầu tư công, triển khai nhiều dự án lớn thì cũng chủ yếu là tạo công ăn việc làm cho nhà thầu nước ngoài”, ông Hiệp nói.

Nam Anh

Đời sống Pháp luật

Trở lên trên