Nhà thầu xây dựng Việt ở thế “con kiến leo cành đa”
Quy định theo kiểu con gà - quả trứng đã và đang đẩy nhà thầu xây dựng vào thế "con kiến leo cành đa"...
Theo quy định hiện hành, điều kiện để doanh nghiệp xây dựng tham gia đấu thầu là đã từng thực hiện ít nhất 2 dự án (hợp đồng) tương tự.
Tuy nhiên, nếu không được đấu thầu, không trúng thầu thì doanh nghiệp không thể kinh qua dự án thứ nhất, chứ nói gì đến hai dự án? Quy định theo kiểu con gà - quả trứng đã và đang đẩy nhà thầu xây dựng vào thế "con kiến leo cành đa".
Trong 2019, doanh thu của các doanh nghiệp xây dựng giảm mạnh, nhiều nhà thầu xây dựng lâm vào tình trạng khó khăn. Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam, nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng này, ngoài do giảm sút nguồn cung dự án bất động sản còn do những bất cập của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến xây dựng đang "bó chân" doanh nghiệp.
Bất cập của hệ thống pháp luật "bó chân" doanh nghiệp xây dựng
Như ông đã nói, khó khăn của các doanh nghiệp xây dựng hiện nay phần lớn bắt nguồn từ các quy định hiện hành. Xin ông chỉ rõ những bất cập trong hệ thống pháp luật liên quan đến lĩnh vực xây dựng?
Tính tổng thể, hiện nay ngành xây dựng đóng góp khoảng 12% GDP cả nước. Hầu hết các công trình lớn ở tất cả các lĩnh vực, từ xây dựng cơ sở hạ tầng đến công trình làm thay mặt bộ đô thị đều do các công ty xây dựng đảm nhiệm thi công. Do đó, việc làm cho các công ty yên tâm hoạt động, nâng cao năng lực, hiệu quả xây dựng là rất quan trọng.
Tuy nhiên, thực tế còn nhiều vướng mắc trong việc thực hiện các quy định pháp luật hiện hành. Có quá nhiều luật cùng tham gia điều chỉnh về một vấn đề dẫn đến tình trạng chồng chéo, mâu thuẫn giữa các luật.
Ví như Luật Đầu tư công thì đối tượng điều tiết là các dự án đầu tư công, nhưng Luật xây dựng lại điều chỉnh các dự án đầu tư sử dụng vốn nhà nước và vốn nhà nước ngoài ngân sách; Liên quan đến xây dựng, có cả luật Nhà ở, Luật xây dựng, Luật đầu tư, Luật đất đai... Quy định Hợp đồng xây dựng thì cả Luật xây dựng và Luật đấu thầu cùng hướng dẫn.
Chính mình khóa chân mình lại do những quy định pháp lý.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp
Đặc biệt, những vấn đề liên quan đến dự án đầu tư, gồm trình tự đầu tư xây dựng, lập thẩm định quyết định đầu tư… thì nhiều luật cùng quy định, không có đơn vị cầm trịch, không phân đoạn rõ ràng, gây lúng túng trong việc thực hiện.
Hiệp hội Nhà thầu đã có động thái gì nhằm gỡ vướng cho doanh nghiệp, thưa ông?
Chúng tôi đã có văn bản gửi Quốc hội, Chính phủ, kiến nghị là cần sửa đổi, khắc phục sự chồng chéo giữa các luật. Yêu cầu quan trọng nhất trong vấn đề chỉnh sửa luật là cố gắng đạt được sự đồng bộ giữa các luật, muốn thế cần phải đặt ra ranh giới, phạm vi điều chỉnh của mỗi luật thật phân minh, cụ thể.
Ví như giai đoạn đang thực hiện thủ tục đầu tư thì Luật Đầu tư kiểm soát; những gì liên quan về xây dựng từ thẩm định thiết kế, cấp phép xây dựng, thực hiện xây dựng đến giai đoạn đưa vào sử dụng thì do Luật Xây dựng quản lý... Luật Xây dựng làm sao phải đồng bộ với các luật có liên quan khác, đặc biệt như là Luật Đầu tư, Luật đầu tư công, Luật đấu thầu, Luật nhà ở, Luật đất đai… và chỉ nên điều tiết các nội dung có liên quan tới quá trình thực hiện dự án.
Trong Luật Xây dựng nhiều năm qua vẫn chạy theo quan điểm: công trình xây dựng đều là vốn ngân sách, xây dựng cho Nhà nước mà Nhà nước bao giờ cũng có tiền nên không cần bảo đảm thanh toán gì cả.
Do đó, việc bảo lãnh thanh toán, từ bảo lãnh đấu thầu, bảo lãnh tạm ứng, thực hiện hợp đồng..., nhà thầu đều phải làm hết, trong khi chủ đầu tư không có bất cứ bảo lãnh nào về trách nhiệm thanh toán của mình. Cụ thể, khi hợp đồng kinh tế hoàn thành khoảng 70%, phần còn lại phải được chủ đầu tư đảm bảo thanh toán qua bảo lãnh ngân hàng.
Hiện nay 60% vốn đầu tư xây dựng là vốn ngoài ngân sách, kể cả vốn ngân sách thì điều kiện bảo lãnh thanh toán cũng nên đưa vào Luật Xây dựng, đặc biệt là đưa vào quy chế hợp đồng để đảm bảo công bằng giữa 2 chủ thể ký hợp đồng với nhau, dự án đã thực hiện đủ 70% phải được bảo lãnh thanh toán.
Dù dùng ngân sách thì cũng phải đảm bảo đủ nguồn vốn mới cho thực hiện dự án để khắc phục tình trạng nợ đọng xây dựng cơ bản. Chứ như hiện nay, có những dự án 5-7 năm chưa thanh toán hết, có dự án thì được thanh toán 75 – 80% là dừng lại, nhất là những dự án lớn, gây thiệt hại cho nhà thầu.
Ngoài ra, trong những bước thực hiện thẩm định, đơn giá dự toán cũng nên rút gọn lại chứ thực hiện nhiều bước, nhiều khâu, mỗi một bước lại do một cơ quan thẩm định khiến cho cả doanh nghiệp lẫn cơ quan hành pháp đều rất vất vả. Thẩm định phòng cháy chữa cháy, môi trường... nên tập trung một đầu mối, thẩm định 1 lần cho các bước đơn giản đi.
Rối loạn vì thanh, kiểm tra quá nhiều...
Các cơ quan từ cấp xã, phường đến các sở ban, ngành... đều có thể đến thanh tra, mà doanh nghiệp không thể từ chối, có tháng phải tiếp thanh tra 5-7 lần, chồng chéo, phức tạp, doanh nghiệp không có thời gian làm việc khác
Ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam
Nhiều doanh nghiệp còn phản ánh, ngoài các quy định của pháp luật thì việc thực hiện pháp luật của các cơ quan chức năng cũng gây khó khăn cho các nhà thầu, ông nghĩ sao về điều này?
Nói thật là, ngoài các quy định của pháp luật thì công tác thanh tra, kiểm tra liên tục của các cơ quan chức năng cũng gây không ít phiền hà cho doanh nghiệp. Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần chỉ đạo về việc tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc như tại Chỉ thị số 10/CI-TTg ngày 22/4/2019, hay Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 17/7/2017 về việc chấn chỉnh hoạt động thanh tra, kiểm tra đối với doanh nghiệp khẳng định ngành thanh tra "không để xảy ra tình trạng thanh tra, kiểm tra quá 01 lần/năm đối với doanh nghiệp".
Thế nhưng tình trạng trong một năm, hoặc cùng một thời điểm nhiều đoàn thanh, kiểm tra cùng đến doanh nghiệp, chồng chéo lên nhau về cùng một nội dung khá phổ biến. Các cơ quan từ cấp xã, phường đến các sở ban, ngành... đều có thể đến thanh tra, mà doanh nghiệp không thể từ chối, có tháng phải tiếp thanh tra 5-7 lần, chồng chéo, phức tạp, doanh nghiệp không có thời gian làm việc khác.
Do đó, chúng tôi kiến nghị nên xây dựng cơ chế giao cho Thanh tra Chính phủ làm đầu mối thống nhất và phê duyệt kế hoạch thanh tra hàng năm để doanh nghiệp biết được họ phải tiếp bao nhiêu đoàn thanh tra (trừ thanh tra đột xuất, thanh tra vụ việc), có chế tài công nhận kết quả thanh tra để tránh tình trạng cùng một nội dung nhưng nhiều đoàn thanh tra cùng làm.
Thống kê cho thấy, thời gian gần đây, doanh thu của các doanh nghiệp xây dựng, trong đó có cả những doanh nghiệp lớn đang giảm mạnh. Nguyên nhân chủ yếu có bắt nguồn từ những bất cập về cơ chế chính sách kể trên không, thưa ông?
Ngoài những bất cập từ cơ chế, chính sách thì trong thời gian gần đây, số lượng dự án bất động sản giảm sút đã làm các nhà thầu ít việc hơn. Hầu hết các doanh nghiệp xây dựng đều giảm mạnh về doanh thu do thiếu dự án mới. Điều này cũng có nguyên nhân từ việc sửa luật, trong đó có đặt vấn đề hồi tố.
Với sự ra đời của những văn bản yêu cầu rà soát lại những dự án sử dụng đất, có liên quan đến đất Nhà nước khiến các dự án phải dừng hết lại. Từ đó, tạo ra nút thắt, làm đình trệ hoạt động kinh tế. Khúc thắt này do chính chúng ta tạo ra bằng văn bản hành chính.
Hiệp hội đồng ý việc rà soát là cần thiết làm thanh lọc thị trường bất động sản vì quá khứ có nhiều cái sai, có thể chấn chỉnh quy định, luật pháp nhưng cũng cần có những giải pháp hợp lý để tránh tạo ra những bước hụt về nền kinh tế cũng như phức tạp trong xã hội.
Ví như có những dự án đã cấp phép xây dựng, cấp sổ đỏ rồi, giờ thanh tra, rà soát lại, bảo sai thì đuổi dân ra à? Điều này gây ra mâu thuẫn, phức tạp, ảnh hưởng đến đời sống kinh tế xã hội.
Trình độ cao vẫn "thua trên sân nhà"
Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng tình trạng "thiếu việc làm" của các nhà thầu xây dựng Việt Nam còn do yếu sức cạnh tranh. Ông nghĩ sao?
Thời gian gần đây, lực lượng thi công xây dựng của tư đã có tiến bộ rất xa, đã vươn lên top đầu khu vực khi xây được công trình thuộc top cao nhất thế giới như Landmark 81 cao 81 tầng.
Chúng ta cần cần động viên doanh nghiệp ngành xây dựng bởi họ góp phần làm thay đổi bộ mặt đô thị, thúc đẩy phát triển kinh tế. Hiệp hội Nhà thầu đã xin ý kiến Thủ tướng, Bộ Xây dựng cũng đã có văn bản thống nhất ủng hộ đề nghị của Hiệp hội về việc vinh danh các nhà thầu xây dựng uy tín (có cả nhà thầu nước ngoài) trong lúc chờ đánh giá, xếp hạng nhà thầu xây dựng.
Trình độ đã đạt đến tầm cao mới nhưng sao nhà thầu xây dựng Việt Nam vẫn thua trên sân nhà khi tham gia đấu thầu những dự án trọng điểm quốc gia?
Điều này lại quay về vấn đề pháp lý. Chính mình khóa chân mình lại do những quy định pháp lý. Ví như với dự án Landmark 81, chủ đầu tư là Vingroup – một doanh nghiệp tư nhân dù đã tổ chức đấu thầu quốc tế, nhưng cuối cùng lại tin tưởng, giao cho nhà thầu Việt là Coteccons thực hiện.
Trong khi đó, nếu dự án này do Nhà nước làn chủ đầu tư thì Coteccons không thể được chọn bởi theo quy định của Luật Đấu thầu, điều kiện để doanh nghiệp tham gia đấu thầu là đã từng thực hiện ít nhất 2 dự án (hợp đồng) tương tự. Trong khi đó Coteccons chưa làm dự án nào 60 -70 tầng. Nhưng không làm cái đầu tiên thì làm sao có cái thứ 2?
Thực tế, việc Coteccons thực hiện thành công dự án này cho thấy quy định trên rất phi thực tế.
Vneconomy