Nhà vệ sinh bệnh viện bẩn thỉu, giám đốc chịu trách nhiệm
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh điều này tại hội nghị do ngành y tế tổ chức ngày 12-8.
- 27-07-2016Bà Nguyễn Thị Kim Tiến tiếp tục được đề cử làm Bộ trưởng Bộ Y tế
- 15-04-2016Sẽ là một nhiệm kỳ không dễ dàng cho Bộ trưởng Bộ Y tế!
- 04-01-2016Bộ trưởng Bộ Y tế: Từng bàn thay văcxin Quinvaxem, nhưng...
- 12-04-2015Bộ trưởng Bộ Y tế: Cố gắng không để bệnh nhân nằm ghép
Tại hội nghị do ngành y tế tổ chức ngày 12-8 để chấn chỉnh những dịch vụ ngoài chuyên môn, đang được ngành y tế thuê bên ngoài cung cấp như bảo vệ, xe cấp cứu, taxi, trông xe, giặt ủi..., Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã nhấn mạnh nếu bệnh viện không xanh, sạch, nhà vệ sinh bẩn thỉu... thì giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm.
Nói về thực tế hiện nay, bà Tiến cho biết ngay khi vào một số bệnh viện, kể cả tuyến tỉnh và trung ương, người bệnh như lọt vào ma trận do thiếu hệ thống bảng chỉ dẫn, người bệnh không biết đi hướng nào.
Ngoài ra, nhân viên bảo vệ cũng quát tháo được người bệnh, người nhà; còn cán bộ y tế thì đã quen với việc người bệnh đến “nhờ” chữa bệnh, chứ không nghĩ mình là người cung cấp dịch vụ.
“Nguyên nhân các tồn tại này đã rõ rồi, cần đấu thầu công khai để cung cấp dịch vụ cho người bệnh. Bệnh viện phải xanh, sạch, đẹp, văn minh, các nước xung quanh làm được điều đó từ lâu rồi vì sao chúng ta không làm được” - bà Tiến nói.
Theo tổng hợp của Bộ Y tế, các dịch vụ thuê ngoài được bệnh viện sử dụng nhiều nhất là trông giữ xe, căngtin, bảo vệ, bán sách báo, nhà thuốc, taxi, vệ sinh công nghiệp, ăn uống và xe cứu thương.
Trung bình mỗi bệnh viện lớn thuê trên 100 nhân viên bảo vệ, như Bệnh viện Việt Đức thuê ngoài 154 nhân viên bảo vệ, mức lương trên 5 triệu đồng/người, trong khi bảo vệ là người của bệnh viện hưởng lương hơn gấp đôi mức này nhưng hiệu quả công việc thấp hơn.
Các vị trí hộ lý, đẩy bệnh nhân thuê bên ngoài cũng hiệu quả hơn...
Tuổi trẻ