Nhà xã hội đón "làn gió mới"
Ngay sau đợt giãn cách xã hội do Covid-19, nhà ở xã hội đang trở thành điểm sáng thu hút khi liên tục đón các thông tin tích cực từ phía chủ đầu tư cũng như Chính phủ thông qua nghị quyết 41/NQ-CP ban hành ngày 9/4/2020 vừa qua.
Hàng loạt thông tin tích cực từ chính sách
Trước diễn biến nền kinh tế bị tác động do dịch bệnh Covid- 19 gây ra, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 41 tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2020. Theo Nghị quyết, để thúc đẩy nhà ở xã hội, Bộ Kế hoạch và Đầu tư được Chính phủ giao cân đối thêm 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Đồng thời, bổ sung 2.000 tỷ đồng để cấp bù lãi suất cho 4 ngân hàng thương mại do Ngân hàng Nhà nước chỉ định, để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung một số nội dung bất cập tại Nghị định 100 năm 2015 để xem xét và ban hành trong quý 4/2020. Mục tiêu rút gọn thủ tục, đổi mới phương thức, cơ chế chính sách để giải quyết căn bản nhà ở cho các đối tượng thu nhập thấp.
Theo Chỉ định của Thủ tướng, chương trình thí điểm hỗ trợ các cặp vợ chồng sinh đủ hai con, biện pháp ưu tiên mua nhà ở xã hội cũng nằm trong danh mục được công bố.
Trong đề án phát triển nhà ở của Tp.HCM giai đoạn 2021 – 2030 do Sở xây dựng trình UBND Tp.HCM mới đây, TP khuyến khích cơ chế và chính sách mọi thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng nhà ở, nhà nước sẽ bố trí vốn phát triển nhà ở xã hội để cho thuê, thuê mua. Tăng tỷ trọng nhà ở cho thuê đối với phân khúc nhà ở giá rẻ để giải quyết nhu cầu nhà ở khá lớn của các đối tượng có thu nhập thấp, nhất là các hộ gia đình sống trên và ven kênh rạch cần di dời, tái định cư hoặc các hộ gia đình trong các chung cư cũ, hư hỏng nặng.
Dù đang được Chính phủ khuyến khích làm nhưng trên thị trường địa ốc phía Nam chỉ "đếm trên đầu ngón tay" các doanh nghiệp BĐS theo đuổi phân khúc này, chẳng hạn như Công ty Cổ phần Địa ốc Hoàng Quân được xem là đơn vị dẫn đầu về nhà ở xã hội tại khu vực phía Nam, bên cạnh đó có một số doanh nghiệp như Lê Thành, Tổng công ty Xây dựng số 1, Công ty TNHH một thành viên Đầu tư Phúc Phúc Yên cũng đầu tư phân khúc này nhưng không nhiều, chỉ tham gia lẻ tẻ một vài dự án.
Trong khi nhu cầu về loại hình này còn rất lớn. Thống kê cho thấy, sẽ có khoảng 3,4 triệu công nhân và người lao động khó khăn cần ổn định chỗ ở trong năm nay. Do đó, một trong những mục tiêu của Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 là xây dựng thêm ít nhất 12,5 triệu m2 sàn nhà ở xã hội phục vụ đối tượng này. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại mới chỉ đạt 40% kế hoạch. Nhiều con số được đưa ra, cho thấy kế hoạch phát triển nhà ở xã hội đã gần như "vỡ trận".
Tại Tp.HCM, giai đoạn 2016 - 2019, chỉ mới xây dựng hoàn thành, đưa vào sử dụng khoảng 14 dự án nhà ở xã hội, với tổng diện tích đất 15,8ha, quy mô 10.255 căn hộ, trong khi nhu cầu thực tế cần khoảng 134.000 căn.
Theo chia sẻ từ ông Hà Thiện Ý, Phó Giám Đốc sở Xây Dựng tỉnh Tiền Giang, từ Nghị quyết 41 của Chính Phủ vừa ban hành cho thấy, đây là một trong những chủ trương đúng đắn và kịp thời của Chính phủ trong giai đoạn hiện nay nhằm thúc đẩy phân khúc BĐS nhà ở xã hội. Đồng thời mang đến cơ hội cho những người có thu nhập thấp sở hữu nhà.
Cần cơ chế thông thoáng hơn
Tuy thời gian qua, chính sách phát triển nhà ở xã hội đã đạt được những kết quả nhất định. Nhưng, theo các chuyên gia vẫn còn tồn tại khá nhiều những bất cập trong câu chuyện phát triển loại hình này.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM (HoREA) đã chỉ ra 12 điểm bất cập "kìm hãm" quá trình phát triển nhà ở xã hội. Có thể kể đến như, bất cập về việc chưa có quy hoạch khu vực riêng để lập dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, kết hợp với các dự án nhà ở thương mại giá thấp; bất cập khi sử dụng quỹ đất công để làm nhà ở xã hội; bất cập khi sử dụng quỹ đất do doanh nghiệp tạo lập làm dự án nhà ở xã hội; bất cập trong quy định về cách tính giá trị "quỹ đất 20%"…
Theo HoREA, hiện Tp.HCM đang triển khai kế hoạch xây dựng 39 dự án nhà ở xã hội với tổng số 44.701 căn hộ, và đến năm 2020, có thể hoàn thành 20.000 căn. Nhưng trên thực tế, do nguồn lực ngân sách có hạn, kể cả khi thực hiện phương thức xã hội hóa nên vẫn thiếu nguồn cung nhà ở xã hội chưa thể đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của xã hội.
phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp đô thị được mua, thuê, thuê mua nhà ở giá thấp, phù hợp với khả năng tài chính
Các vướng mắc liên quan đến các thủ tục triển khai, lợi nhuận bị khống chế khiến nhiều doanh nghiệp không mặn mà đầu tư xây dựng, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến nhà ở xã hội... Cụ thể, thủ tục pháp lý khi vay vốn đầu tư xây dựng chưa "thông thoáng", kể cả việc rao bán nhà cũng phải qua nhiều khâu xét duyệt. Những rào cản này không chỉ đến với nhà đầu tư mà còn đến với người mua nhà. Chưa kể, các dự án nhà xã hội chưa được công khai rộng rãi khiến người mua khó tiếp cận…
Nêu giải pháp tháo gỡ khó khăn phát triển phân khúc này, ông Châu cho hay, Hiệp hội đã có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND Tp.HCM kiến nghị nhằm tháo gỡ những khó khăn phân khúc này, giúp người có thu nhập thấp có được nơi ăn chốn ở ổn định cuộc sống.
Cụ thể, HoREA đề nghị bãi bỏ quy định tại Khoản 2 Điều 33 Nghị định 100/2015/NĐ-CP, để cho phép ngân hàng chính sách xã hội được cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội vay ưu đãi, theo quy định của Luật Nhà ở 2014 và Điều 15 Nghị định 100/2015/NĐ-CP.
Về lãi suất cho vay ưu đãi, HoREA đề nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về lãi suất cho vay ưu đãi nhà ở xã hội thống nhất cùng một loại lãi suất tại ngân hàng chính sách xã hội và tại các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank.
Về lâu dài, khi nền kinh tế phát triển mạnh hơn, HoREA kiến nghị thực hiện mức lãi suất ưu đãi vay mua nhà ở xã hội từ 3-3,5%/năm để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người có thu nhập thấp ở các đô thị có thể mua được nhà ở.
Cùng với việc nêu các kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong phát triển nhà ở xã hội, trong những năm qua, HoREA đã có nhiều khuyến nghị đến các tập đoàn và doanh nghiệp BĐS cần chuyển hướng đầu tư vào các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp.
"Nếu thực hiện đồng bộ các giải pháp, thì sẽ huy động được nhiều doanh nghiệp BĐS tham gia, có thể hình thành các khu đô thị, khu dân cư có các loại nhà ở vừa túi tiền, bao gồm nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp có đầy đủ các hệ thống hạ tầng đô thị, hạ tầng xã hội, các tiện ích, dịch vụ, thân thiện môi trường… Khi được triển khai đồng bộ, cũng có thể giảm thêm giá bán, giá cho thuê loại nhà này và thu hút thêm nhiều doanh nghiệp tham gia đầu tư vào phát triển nhà ở xã hội, tạo điều kiện cho người thu nhập thấp đô thị được mua, thuê, thuê mua nhà ở giá thấp, phù hợp với khả năng tài chính", ông Châu nhấn mạnh.