Nhắm đến 95% số doanh nghiệp Việt Nam, đóng góp 40% GDP, đây là lý do vì sao KKR không ngại rót hơn nghìn tỷ vào KiotViet
Các dịch vụ công nghệ hỗ trợ nhà bán hàng đang tăng trưởng mạnh mẽ tại Việt Nam.
Quỹ đầu tư KKR của Mỹ vừa dẫn đầu khoản đầu tư 45 triệu USD (1.024 tỷ đồng) vào KiotViet trong vòng gọi vốn B. Về giá trị, đây là khoản đầu tư không hề nhỏ đối với một startup Việt Nam.
KiotViet là phần mềm quản lý bán hàng dành cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (MSMEs). Nền tảng giúp các nhà bán dễ dàng quản lý hàng hoá, giám sát hàng tồn, chăm sóc khách hàng, quản lý khuyến mãi và theo dõi hoạt động kinh doanh từ xa…
Theo KKR, KiotViet hiện đã mở rộng cung cấp dịch vụ cho các khách hàng B2B, dịch vụ logistics tích hợp cho các nhà bán hàng, đồng thời có kế hoạch sử dụng nền tảng của mình để cung cấp các giải pháp dịch vụ tài chính như thanh toán và cho vay khách hàng. KiotViet cho biết hiện đang cung cấp dịch vụ cho 150.000 cửa hàng và có thêm 5.000 khách hàng mới mỗi tháng.
Hơn 95% số doanh nghiệp của Việt Nam là doanh nghiệp vừa và nhỏ, số này đóng góp trên 40% vào nền kinh tế.
Những năm gần đây, nhiều startup nổi lên với vai trò đưa ra giải pháp công nghệ hỗ trợ các doanh nghiệp MSME gia tăng hiệu quả hoạt động, đặc biệt là tiếp cận khách hàng một cách dễ dàng và thuận tiện hơn qua kênh online. Một giải pháp công nghệ tổng thể có thể hỗ trợ rất nhiều khách hàng khác nhau, ngược lại, mỗi khách hàng chỉ phải trả một mức chi phí vừa phải theo tháng hoặc theo năm.
KiotViet thuộc CTCP Phần mềm Citigo có thể xem là một đại diện tiêu biểu trong lĩnh vực bán lẻ, nhưng bên cạnh đó cũng có nhiều doanh nghiệp khác hoạt động tương đối năng nổ.
Haravan, công ty cung cấp từ dịch vụ xây dựng website – hỗ trợ bán hàng đa kênh – giải pháp marketing – quản lý hoạt động hiện cũng đã phục vụ trên 50.000 khách hàng kinh doanh bán lẻ.
IPOS phần mềm hỗ trợ kinh doanh ngành F&B cho biết có trên 30.000 khách hàng trong nước và quốc tế.
Cả Haravan và IPOS đều là các công ty thuộc hệ sinh thái Seedcom, công ty đầu tư nổi tiếng với chuỗi bán lẻ cà phê The Coffee House, thương hiệu bán lẻ thời trang Juno và Hnoss…
Sapo thuộc VNLife cung cấp hầu hết các dịch vụ kể trên đang phục vụ cho 100.000 khách hàng.
Tương tự, Nhanh.vn cho biết đã có trên 80.000 đối tác cho đến thời điểm hiện tại.
Thời gian gần đây, các đơn vị cung cấp dịch vụ doanh nghiệp đang đẩy mạnh quảng bá về sản phẩm hỗ trợ bán hàng đa kênh từ offline – website – mạng xã hội – sàn thương mại điện tử như một xu hướng thịnh hành.
Các doanh nghiệp cung cấp giải pháp hiện vẫn chưa có quy mô doanh thu lớn, dao động từ vài chục đến vài trăm tỷ đồng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp đều đang trong trạng thái thua lỗ.
Tuy nhiên nếu nhìn vào khoản đầu tư của KKR vào KiotViet, kỳ vọng của công ty Mỹ trong lĩnh vực này là không hề nhỏ.
Xin lấy ví dụ về Shopify, công ty có trụ sở tại Canada được thành lập từ năm 2006 chính là đơn vị đi tiên phong ở góc độ toàn cầu. Shopify hiện cung cấp dịch vụ cho 1,7 triệu doanh nghiệp trên toàn thế giới và cũng đã ra mắt tại Việt Nam vào năm ngoái.
Vốn hóa của Shopify hiện ở mức 194 tỷ USD. Cổ phiếu tăng gần 4 lần kể từ thời điểm diễn ra đại dịch trên toàn cầu. Trên thực tế, COVID-19 thúc đẩy các nhà bán lẻ chuyển dịch lên online một cách nhanh và mạnh hơn, tạo ra cơ hội cho các đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp kinh doanh.
Cổ phiếu Shopify tăng gấp 4 lần kể từ khi bắt đầu đại dịch COVID-19