MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận đầu tư 100 tỷ đồng từ Shark Thủy, CEO Soya Garden cảm thán: Tiêu tiền của nhà đầu tư khó gấp 10 - 20 lần việc tiêu tiền của chính mình!

13-08-2019 - 11:37 AM | Doanh nghiệp

Nhận được vốn đầu tư mới chỉ là bắt đầu cuộc chiến, muốn thành công startup phải chiến đấu hết mình.

Nhiều startup nghĩ rằng, nhận được vốn từ một quỹ đầu tư là thành công nhưng đó mới chỉ là bắt đầu một con đường đầy gian nan và thách thức.

Một trường hợp điển hình vẫn được nhắc đi nhắc lại trong giới khởi nghiệp đó chính là câu chuyện của Đào Chi Anh. Năm 2015, thông tin The Kafe kêu gọi được 5,5 triệu USD đã gây xôn xao dư luận. Thế nhưng, sau 2 năm hoạt động chóng vánh, Chi Anh rời The Kafe, sau đó The KAfe cũng phải đóng cửa. Đây là lần thứ hai người sáng lập thương hiệu này khiến giới khởi nghiệp lại xôn xao.

Đối với startup, việc nhận được tiền từ nhà đầu tư mới chỉ là thời điểm bắt đầu cuộc chơi, vì tiêu tiền cũng không phải là điều dễ dàng. Nếu không có những kế hoạch cụ thể thì startup sẽ gặp phải những thất bại đáng tiếc dù số tiền đầu tư rất lớn.

Tiêu tiền cũng là một loại áp lực

Kêu gọi vốn, nhận được vốn đã là một quá trình dài và gian nan đối với startup, nhưng khi nhận được vốn đầu tư thì đây còn là giai đoạn khó khăn và thử thách hơn. Lúc này, các startup sẽ bị áp lực bởi KPI mà nhà đầu tư đặt ra. Họ luôn phải trăn trở làm sao để đạt được sự kỳ vọng mà nhà đầu tư đã đưa cho mình.

Soya Garden lên sóng Shark Tank trong tập 8 mùa 1 của gameshow về khởi nghiệp, đầu tư này. Thời điểm đó, CEO Hoàng Anh Tuấn và chị gái mong muốn gọi 15 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần của Soya Garden. Kết quả là cả 4 "cá mập" chính trong chương trình từ chối, chỉ duy nhất "cá mập khách mời" Nguyễn Ngọc Thủy đồng ý rót vốn vào dự án.

Sau gói đầu tư 20 tỷ vào năm 2018, đến đầu năm 2019, Tập đoàn Egroup của Shark Nguyễn Ngọc Thủy đã nâng mức đầu tư thành 45 tỷ cho Soya Garden. Gần đây vào cuối tháng 4/2019, tập đoàn Egroup tiếp tục công bố đầu tư thêm 55 tỷ, nâng tổng mức đầu tư lên 100 tỷ đồng, biến Soya Garden trở thành thương vụ đầu tư lớn nhất Shark Tank Việt Nam từ trước đến nay.

Với sự tham gia của Shark Thủy, từ 2 cửa hàng ban đầu (không tính 8 cửa hàng nhượng quyền), Soya Garden đã tăng trưởng vượt trên 1500%, đạt mốc hơn 30 cửa hàng tính đến hết tháng 4/2019. Số lượng khách hàng trung thành của chuỗi hệ thống này lên đến gần 500.000 lượt/tháng, trong đó hết các cửa hàng mới mở ra đều đông khách ngay từ những ngày đầu khai trương.

Hoàng Anh Tuấn – CEO Soya Garden chia sẻ: "Khi nhận được đầu tư và được Shark giao một KPI là trong một năm đầu tiên phải mở được 100 cửa hàng, đồng thời, phải đưa được thương hiệu của mình ra thị trường nước ngoài khiến chúng tôi rất áp lực. Khi nhận được sự tin tưởng của nhà đầu tư cũng là một sự thách thức lớn với Soya".

Nhận được đầu tư và sự kỳ vọng là một trong những thách thức lớn khiến startup trở nên áp lực hơn trên đường đua khốc liệt của giới khởi nghiệp. Những tình huống và bài toán thực tiễn bắt đầu xuất hiện và buộc startup phải tìm kiếm phương án giải quyết. Khi nhận được vốn đầu tư, startup sẽ phải tính toán hết sức kỹ lưỡng việc sử dụng số tiền đó vì "sẩy một ly đi một dặm".

"Theo quan điểm của tôi, việc tiêu tiền của nhà đầu tư khó gấp 10 đến 20 lần việc tiêu tiền của chính mình", CEO Soya Garden cảm thán.

Tập trung hết sức lực

Sau khi nhận được vốn đầu tư, startup đừng quá vui mừng mà quên đi nhiệm vụ chính là sử dụng số tiền được rót để đạt được mục tiêu mà nhà đầu tư đặt ra. Nhận được vốn đầu tư chưa phải là thời điểm thành công của startup. Muốn thành công, họ phải có kế hoạch cụ thể để vừa sử dụng số tiền một cách hiệu quả, vừa có thể đáp ứng KPI của nhà đầu tư.

Trước khi nhận vốn, startup thường bị đắm chìm trong sản phẩm, định giá, ước mơ nhưng khi nhận được vốn đầu tư thì họ bắt đầu phải sống hiện thực hơn và bước vào cuộc chiến thực sự.

Hoàng Anh Tuấn thổ lộ: "Khi nhà đầu tư dồn niềm tin và tiền cho mình, thì mình phải bằng mọi cách để chiến đấu".

Có tiền là một chuyện nhưng xử lý nguồn tiền như thế nào và làm sao để có thể phát triển cả quy mô lẫn thương hiệu là câu hỏi mà nhiều startup đặt ra. Nhiều startup vẫn chưa biết phải tiêu tiền vào những việc gì, tỷ lệ ra sao cho phù hợp với doanh nghiệp của mình?

Ông Nguyễn Việt Đức, Tổng Giám đốc Innovation Capital Management, quản lý đầu tư sáng tạo Việt Nam chỉ ra rằng: "Vào thời điểm ban đầu các startup thường vẽ ra rất nhiều kênh, rất nhiều đối tượng khách hàng".

Đồng thời, ông cũng đưa ra giải pháp cho các startup, giai đoạn đầu phải tập trung vào khách hàng chính. Mục đích của startup là phải chuyển sang một trạng thái khả thi hơn thời điểm hiện tại.

Nhà đầu tư luôn kỳ vọng startup tiêu tiền như thế nào để kích hoạt được giá trị cạnh tranh khác biệt và hãy dùng tiền để làm sắc nhọn vũ khí cạnh tranh đó. Nếu không, startup sẽ chắc khác gì bao người khác.

Theo Khởi Minh

Trí thức trẻ

Trở lên trên