Nhận diện những vùng đất mới nổi đang đón đợt bùng nổ nguồn cung bất động sản nghỉ dưỡng
Theo một báo cáo nghiên cứu của Savills Việt Nam về tiềm năng và triển vọng của thị trường bất động sản nghỉ dưỡng, thì Việt Nam đang dẫn đầu nguồn cung sản phẩm nghỉ dưỡng giai đoạn 2019-2020. Rổ hàng bất động sản nghỉ dưỡng của Việt Nam vượt trội so với nhóm các nước Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Hàn Quốc.
Trong năm 2018, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng Việt Nam ghi nhận 16.800 phòng đi vào hoạt động, số liệu này chỉ bao gồm các dự án 4 và 5 sao tại 8 điểm đến: TPHCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Quảng Nam, Khánh Hòa, Phú Quốc, Hạ Long, Quy Nhơn. Như vậy, nếu tính cả các dự án nghỉ dưỡng 3 sao trở xuống, nguồn cung có khả năng cao hơn hiện tại rất nhiều. Hiện nay có đến 90% nguồn cung mới là các dự án tại Nha Trang, Đà Nẵng, Quảng Nam và Phú Quốc.
Cũng theo báo cáo của đơn vị này, thị trường BĐS nghỉ dưỡng từ đầu năm 2019 đến nay dần dần xuất hiện nhiều hơn các thị trường mới nổi mang tính cạnh tranh cao, khi mà một số thị trường nghỉ dưỡng truyền thống đang trở nên bão hoà. Theo đó, với tốc độ tăng trưởng mạnh, cộng với nhu cầu du lịch - nghỉ dưỡng đang ngày một tăng, đặc biệt là thị trường BĐS tại 2 thành phố lớn là Hà Nội và TPHCM đang bị siết nguồn cung, do đó dòng tiền đầu tư đang "chảy" về những nơi có tiềm năng hơn.
Ông Nguyễn Hoàng - Giám đốc Bộ phận R&D DKRA Vietnam cho rằng trong năm nay thị trường nhà đất tại TPHCM có thể vẫn giức mức "giảm nhiệt" như năm ngoái, tuy nhiên có thể đến cuối năm 2019 sẽ có những chuyển biến tích cực báo hiệu sự sôi động được phục hồi. Chính điều này đang giúp đẩy mạnh dòng tiền "chảy" vào thị trường nhà đất tại những địa phương có lợi thế khác, bởi nhu cầu vẫn đang tăng cao ở mọi phân khúc.
"Bằng việc siết chặt giải quyết thủ tục đầu tư dự án mới, nguồn cung mới nhà đất tại TPHCM đã và đang giảm rõ rệt trong năm nay. Đối phó và thích ứng với việc này, nhiều chủ đầu tư đang ráo riết săn quỹ đất tại nhiều địa phương khác để chuẩn bị cho chiến lược phát triển trong thời gian tới, đồng thời kéo theo làn sóng đầu tư mới tại những khu vực mới nổi", ông Nguyễn Hoàng cho biết thêm.
Nhìn từ một khía cạnh khác, ông Nguyễn Nhật Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán (Ngân hàng Công thương Việt Nam), cho rằng tỷ lệ đô thị hóa ở Việt Nam hiện nay ở mức 37,5% và dự kiến tăng lên 45% vào năm 2020. Tỷ lệ này thuộc hàng thấp so với các nước trên thế giới nhưng tốc độ đô thị hóa lại thuộc hàng cao của thế giới.
Con số này gợi mở các nhà phát triển BĐS, thay vì tập trung ở các thị trường như Hà Nội và TP.HCM - những thị trường đã tương đối bão hòa - nên chuyển sang các thị trường lân cận có nhiều cơ hội tăng tỷ lệ đô thị hóa, các doanh nghiệp đi được theo hướng này sẽ bán hàng rất tốt.
Theo đó, chiến lược mở rộng thị trường của nhiều doanh nghiệp BĐS là dịch chuyển sang các tỉnh, thành phố khác, đặc biệt những đô thị loại 2 ven biển - nơi đang hình thành những đô thị trung tâm với định hướng phát triển hạ tầng du lịch tốt như nâng cấp sân bay, hạ tầng giao thông, mở đường bay trong nước và quốc tế và đang thu hút nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư - để tạo nhanh dòng tiền.
"Thị trường nào cũng có nhu cầu của riêng thị trường đó. Hiện nay, khi tình hình có nhiều thay đổi, các doanh nghiệp đều đang có sự dịch chuyển mạnh về tỉnh xa, chứ không nhất thiết luôn lấy TPHCM làm trung tâm. Thực ra, nhu cầu nhà ở tại tỉnh lẻ rất lớn nếu các doanh nghiệp biết cách khai thác, cung cấp những sản phẩm giá trị thật cho khách hàng", ông Nguyễn Văn Đạt - Chủ tịch HĐQT công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt, cho biết thêm.
Một nhà đầu tư khác cũng phân tích: "TP.HCM có những vị trí đẹp và không đẹp, tỉnh lẻ cũng vậy, có những vị trí không đẹp nhưng cũng có những vị trí đắc địa. Vấn đề là làm ở vị trí nào, chứ đừng phân biệt ở tỉnh lẻ hay TP.HCM. Hầu hết các sản phẩm đất nền ở tỉnh lẻ được tung ra có lượng hấp thụ cao, đạt khoảng 86%".
Trong khi đó, ông Đỗ Viết Chiến - Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), nhận định thị trường BĐS nghỉ dưỡng năm ngoái và đầu năm nay đã phát triển hơn cả mong đợi. Các chủ đầu tư đang tiếp tục đẩy mạnh đầu tư nhiều dự án quy mô lớn hơn, trải rộng khắp các tỉnh, thành có lợi thế du lịch biển.
Trong đó, các sản phẩm sẽ tiếp tục được tiếp thị dưới nhiều hình thức khác nhau. Các công cụ tài chính mới sẽ tiếp tục được thử nghiệm. Hàng trăm dự án nghỉ dưỡng ra đời, đưa ra thị trường hàng ngàn căn hộ nghỉ dưỡng cao cấp ở các loại hình khác nhau. Xu hướng nhà đầu tư "săn đón" loại hình biệt thự ven biển để mua cho thuê đang tăng mạnh theo đà tăng trưởng của du lịch trong nước.
"Quan sát cho thấy dòng vốn dù được tiếp tục được đổ vào các địa điểm du lịch như các thị trường truyền thống Đà Nẵng, Phú Quốc, còn có các thị trường mới nổi gồm Quy Nhơn - Bình Định, Phú Yên hay Sa Pa, Hạ Long... Thị trường dự kiến sẽ đón nhận thêm nhiều nguồn cung mới và được đầu tư tích hợp nhiều hạng mục tiện ích. Nguồn cung mới sẽ khiến thị trường cạnh tranh hơn", ông Chiến cho biết thêm.
Điển hình như mới đây, Tập đoàn Nam Long cho biết trong năm 2019, bên cạnh việc đẩy mạnh triển khai hơn 400 ha quỹ đất sạch sẵn có, đơn vị này sẽ mở rộng thị trường ra phía bắc và các vùng kinh tế trọng điểm phía nam với hơn 200 ha quỹ đất, như: Hải Phòng và Quảng Ninh. Một thị trường mới nổi khác là La Gi (Bình Thuận), hay Long Hải - Bình Châu (Bà Rịa - Vũng Tàu) cũng đang được nhiều ông lớn địa ốc nhòm ngó.
Tập đoàn Novaland sau một thời gian dài thành công ở thị trường bất động sản TP.HCM, thì trong năm 2019 cũng đã bắt đầu dạt ra các tỉnh thành lân cận để đầu tư, phát triển dự án như Ninh Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, Khánh Hoà. Tập đoàn Hưng Thịnh sẽ tung dự án nghỉ dưỡng mới tại Bình Định, Khánh Hoà...
Đặc biệt, qua tìm hiểu, từ đầu năm đến nay, một số khu vực như Quy Nhơn, Nhơn Hội, Nhơn Lý của tỉnh Bình Định được nhiều nhà đầu tư ưu ái rót tiền vào phát triển nhiều dự án nghỉ dưỡng quy mô hàng nghìn hecta. Được biết, ngày từ năm 2016, UBND tỉnh Bình Định bắt đầu có chủ trương xã hội hóa phát triển quỹ đất bằng việc kêu gọi các nhà đầu tư vào tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kỹ thuật, phát triển khu nhà ở thương mại, khu đô thị mới hiện đại.
Để thu hút hơn nữa nguồn khách du lịch trong và ngoài nước, cơ sở hạ tầng tại Quy Nhơn đang được đẩy mạnh đầu tư, nhiều dự án giao thông đường bộ đang được triển khai thực hiện như tuyến Ngô Mây nối dài, tuyến quốc lộ 1D, tuyến quốc lộ 19B. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để thị trường bất động sản Quy Nhơn có bước tăng trưởng đáng kể, giá trị đất tăng nhanh chóng, tạo nên một thị trường đất nền Quy Nhơn sôi động hơn.
Song song đó, Cảng hàng không Phù Cát, nằm cách trung tâm thành phố Quy Nhơn khoảng 35km về hướng Tây Bắc đang được nâng cấp mở rộng với công suất thiết kế 1,5 triệu hành khách/năm, có khả năng mở rộng để nâng công suất lên 2,4 triệu hành khách/năm. Theo dự kiến, cảng sẽ mở chuyến bay quốc tế đầu tiên từ sân bay Phù Cát trong tháng 9 tới. Đó là chưa kể việc Bamboo Airways cũng đã tổ chức lễ khởi công Viện đào tạo Hàng không Bamboo Airways có quy mô 10 hecta, tổng mức đầu tư gần 700 tỷ đồng, dự kiến hoạt động vào năm 2022.
Chủ trương trên của chính quyền địa phương đã tạo điều kiện môi trường thông thoáng, minh bạch, chính sách cởi mở cho các đại gia địa ốc "đổ bộ" với quy mô lớn vào thị trường bất động sản Quy Nhơn – Bình Định như FLC, Sun Group, TMS Group, tập đoàn Hưng Thịnh, Phát Đạt, một số tập đoàn đa quốc gia…
Qua tìm hiểu được biết, Tập đoàn TMS đã đầu tư xây dựng dự án TMS Luxury Hotel & Residence Quy Nhon - tổ hợp khách sạn 5 sao và căn hộ condotel hiện đại tại TP. Quy Nhơn. Tiếp đó, một ông lớn BĐS tại TPHCM vừa tiết lộ chuẩn bị triển khai dự án khu nghỉ dưỡng rộng hơn 1.200ha nằm ven biển Nhơn Hội. Hay như mới đây, công ty địa ốc Phát Đạt vừa trúng đấu giá khu đất rộng gần 35ha ngay mặt biển nơi đây, chuẩn bị phát triển một khu nghỉ dưỡng sang trọng. Tập đoàn Hưng Thịnh cho biết cũng sẽ đầu tư hai dự án condotel và biệt thự biển quy mô khá lớn tại Quy Nhơn trong năm nay...
Bên cạnh đó, một dự án lớn đang được chú ý là Nhơn Hội New City do Phát Đạt làm chủ đầu tư và DKRA Vietnam phân phối chiến lược. Dự án có quy mô hơn 34ha thuộc Khu đô thị du lịch sinh thái Nhơn Hội 601,8ha. Nhơn Hội New City thu hút nhờ mức giá bán chỉ từ 1,49 tỷ đồng/nền, sổ đỏ trao tay và phương thức thanh toán linh hoạt nhiều đợt. Được biết, ngày 28/7 vừa qua, Nhơn Hội New City đã thực hiện lễ bàn giao nền phân khu 4 cho hàng trăm khách hàng.
"Quy Nhơn chứa đựng nhiều tiềm năng vượt trội thu hút lượng lớn nhà đầu tư. Dẫn đến khả năng cạnh tranh cao khi quỹ đất ngày càng khan hiếm. Số lượng biệt thự biển có hạn nhưng xu hướng nghỉ dưỡng biệt thự biển cao cấp, có cá tính kiến trúc độc đáo ngày càng được khách quốc tế ưa chuộng, nhất là loại hình biệt thự biển cho thuê", một nhà đầu tư tại TPHCM cho biết.
Cùng với sự bùng nổ của loại hình bất động sản nghỉ dưỡng condotel, xuất hiện sự cạnh tranh bán hàng với nhiều hình thức đa dạng. Các chủ đầu tư đã tung ra nhiều phương thức bán hàng rất quyết liệt như tiếp thị quảng cáo, chính sách ưu đãi, thuê lại với lợi nhuận từ 9-10%/năm, cực kỳ hấp dẫn so với lãi suất ngân hàng, cao hơn so với mua căn hộ cho thuê chỉ được 3-4%/năm.