MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận diện xu hướng M&A trên thị trường địa ốc trong giai đoạn 2017-2018

21-07-2017 - 10:37 AM | Bất động sản

Trong thời gian tới, thị trường M&A Việt Nam được kỳ vọng sẽ chứng kiến sự bùng nổ với hàng loạt thương vụ có giá trị lớn, nhất là lĩnh vực địa ốc. Nhưng, để bùng nổ thật sự, thị trường đang cần bước đột phá lớn.

Theo báo cáo của Nhóm Nghiên cứu thuộc Diễn đàn M&A Việt Nam (MAF), tại Việt Nam, thị trường M&A trong năm 2017 được dự báo sẽ tiếp tục sôi động, sau khi đạt hơn 5,8 tỷ USD trong năm 2016, mốc kỷ lục cao nhất từ trước đến nay.

Tuy nhiên, thị trường đang cần một cú hích mới, một sự thúc đẩy mới từ vốn nước ngoài để tiêu thụ hết lượng cổ phần của các doanh nghiệp nhà nước đang chào bán, các thương vụ chuyển nhượng trong nước, đồng thời thúc đẩy vượt ngưỡng 6 tỷ USD. Nhất là dự báo về “Làn sóng thứ hai” tại Việt Nam, dự kiến diễn ra trong 5 năm (2014-2018) với tổng giá trị thương vụ lên đến 20 tỷ USD, đang bước vào giai đoạn nước rút.

Cũng theo các nhà nghiên cứu MAF, trong năm 2017 – 2018, các thương vụ M&A tiếp tục tập trung nhiều vào lĩnh vực bán lẻ, hàng tiêu dùng và bất động sản. Giai đoạn tới cũng có thể trông đợi các thương vụ quy mô lớn hơn, nhất là các thương vụ phát hành riêng lẻ chọn đối tác chiến lược hoặc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước lớn cổ phần hóa và sự tham gia của các nhà đầu tư nước ngoài.

Trong đó, thị trường M&A bất động sản đang thu hút cả các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài. Các nhà đầu tư nước ngoài, điển hình là Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore đang trong cuộc đua tìm kiếm cơ hội đầu tư tốt nhất với kỳ vọng về dòng tiền sinh lời ổn định và lãi suất cao. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tăng trưởng ổn định, các thoả thuận hợp tác song phương và đa phương có hiệu lực, tốc độ tăng trưởng dân số và đô thị hoá cao là các yếu tố thúc đẩy Việt Nam trở thành thị trường hấp dẫn nhất khu vực.

Trong khi Nhật bản tham gia đầu tư chiến lược vào các công ty hàng không, xăng dầu, dược phẩm, thì Singapore và Hàn Quốc nổi lên với những thương vụ bất động sản thương mại trong gần 2 năm qua. Thời gian từ đầu năm 2017 đến nay, thị trường M&A địa ốc bắt đầu xuất hiện một số tập đoàn lớn của Trung Quốc khi thâu tóm những dự án khu đô thị quy mô lớn tại phía Nam.

Chẳng hạn một nhà đầu tư Nhật mua lại 70% quyền sở hữu tòa nhà văn phòng A&B tại trung tâm TP. HCM hay Creed Group hợp tác cùng hai nhà đầu tư trong nước là Phát Đạt và An Gia phát triển các dự án nhà ở thương mại.

Nhà đầu tư đến từ Singapore cũng tranh thủ thâu tóm nhiều dự án lớn như Keppel Land tham gia vào dự án Empire City; Kepple Land vừa nâng trần sở hữu cổ phần của mình tại dự án Sai Gon Centre nhằm từng bước thâu tóm toàn bộ dự án Saigon Centre. CapitaLand gia tăng sở hữu của mình ở dự án The Vista hoặc nổi bật nhất gần đây là sự kiện Mapletree mua lại toàn bộ khu phức hợp Kumho Asiana Plaza. Đầu năm 2017, CapitaLand đã thâu tóm một khu đất rộng hơn 200ha ngay trung tâm quận 1 để chuẩn bị phát triển khu phức hợp thương mại, văn phòng cao tầng.

Các nhà đầu tư khối nội, tuy không tham gia vào các thương vụ có giá trị lớn nhất, nhưng đang từng bước chuyển mình để làm chủ các thương vụ M&A lớn nhờ lợi thế về tiếp cận quỹ đất, am hiểu thị trường; nâng cao khả năng cạnh tranh và làm tiền đề để thu hút vốn từ khối ngoại.

Nhóm MAF cho biết thêm trong giai đoạn tới, các thương vụ M&A ở lĩnh vực địa ốc sẽ diễn ra trên quy mô lớn ở tất cả các phân khúc, nổi bật là loại hình khu đất phát triển, với các dự án bất động sản phức hợp. Bất động sản nghỉ dưỡng sẽ tiếp là phân khúc được quan tâm trong các hoạt động M&A với đà "bùng nổ" từ năm 2016. Chi phí thực hiện thương vụ M&A tại các vị trí đẹp ở khu trung tâm có thể gia tăng do sự khan hiếm về quỹ đất tại các khu vực này.

Theo các chuyên gia, hiện nay có thực trạng nhiều doanh nghiệp bất động sản có quỹ đất lớn nhưng do thiếu kinh nghiệm bán hàng, thiếu vốn hoặc chưa định hình được phân khúc nên không thể tiếp tục triển khai dự án. Thông qua hình thức mua bán sáp nhập (M&A) để “thâu tóm” dự án, các chủ đầu tư mới đã giúp giải quyết được một phần quan trọng hàng tồn kho, nợ xấu của thị trường bất động sản.

Quốc Phi

Thời Đại

Trở lên trên