Nhận hai học bổng toàn phần Singapore, cựu học sinh trường chuyên Hải Phòng kể chuyện "cạnh tranh" kinh hoàng, 4 năm không gặp chị gái
Câu chuyện du học khá đặc biệt và nhiều bài học bất ngờ được cựu học sinh trường chuyên Hải Phòng chia sẻ nhằm hy vọng mang lại một cái nhìn khác về việc du học và định hướng nghề nghiệp cho con.
- 16-01-2021Trở về từ Anh, nhân viên ngân hàng nói về ảo mộng của du học sinh: ‘Tôi có profile đẹp, học từ nước ngoài, tôi phải được một vị trí tốt và lương cao!’
- 02-01-2021Kỷ lục 150 điểm Duy Bách của Siêu Trí Tuệ mùa 2 được giới thiệu du học tại top 4 trường ĐH về Công nghệ của Mỹ
- 31-12-2020Chàng trai bỏ du học về Đà Lạt dựng ngôi nhà gỗ xinh xắn, làm nông trại và kể câu chuyện thời thanh xuân của riêng mình
Hồi cấp hai, Đặng Thùy Linh (29 tuổi, Hải Phòng) không hề có ý định du học vì gia đình không có điều kiện, bố mẹ chỉ là nhân viên công chức bình thường. Bên cạnh đó, cô cực kì đam mê môn Toán và Hóa, tuy nhiên việc học Tiếng Anh trên lớp rất qua loa.
"Và 1 cơ duyên diệu kì năm lớp 9 đã đưa mình sang Singapore với học bổng trung học toàn phần Astar, sau đó là học bổng đại học ASEAN, tiếp nữa là chương trình Management Trainee (Quản trị viên tập sự) làm việc tại nhiều nước trong khu vực, rồi chuyển sang châu Âu - cứ thế dần dần mình bước xa hơn khám phá thế giới", Linh chia sẻ.
Tính đến nay, Đặng Thùy Linh đã chu du khắp 3 châu lục và 21 quốc gia, từng làm việc ở 4 nước khác nhau và hiện đang sinh sống tại Berlin, Đức. Cô đang là Quản lý Đối tác Chiến lược, Luxury Fashion, Zalando SE. Đồng thời là nhà sáng lập tổ chức giáo dục phi lợi nhuận G-college SIngapore & G-college Young Scholars.
14 năm xa nhà, cô gái này đã trải qua rất nhiều tình huống dở khóc dở cười, học được nhiều bài học "xương máu" (cả về vật chất lẫn tinh thần). Theo Linh, đi du học/sống ở nước ngoài hoàn toàn không phải màu hồng, nhưng cũng là 1 trải nghiệm khá thú vị và đáng quý.
Hành trình ôn thi cấp tốc và giành học bổng Astar trong vòng 2 tháng năm 15 tuổi
Ở Hải Phòng năm 2007 không có nhiều trung tâm ôn thi nên nghe lời cô giáo tiếng Anh, bố mẹ Linh đã chọn trung tâm X (xin được giấu tên). Linh kể, mình học rất miễn cưỡng vì tiền học phí lên tới tận 2 tháng lương của mẹ, nó khiến cô phải bỏ lớp học thêm Hóa. Sau 2 tháng học cấp tốc 6 buổi 1 tuần, Linh đi thi với không nhiều hy vọng lắm vì lúc thi thử điểm tiếng Anh của Linh khá kém.
Đề thi bao gồm đọc viết Tiếng Anh, Toán và IQ, hôm sau thì có thêm phần phỏng vấn. "Mình nhớ là mình trả lời rất vớ vẩn khiến 1 cô giáo ở đó cười không che nổi miệng (cô ấy sau này trở thành Guardian của mình, đến giờ mình và cô vẫn giữ mối quan hệ thân thiết). Chỉ nhớ là họ rất thích việc mình làm lớp trưởng và họ còn hỏi 1 câu là "nếu cháu được giới thiệu 1 bạn khác làm lớp trưởng, đó sẽ là ai?". Mình trả lời: bạn Lan. Đến 1 giờ trưa, mình nhận được thông báo đã đỗ học bổng, mẹ khóc còn mình thì vẫn tưởng họ thông báo nhầm".
Hôm sau, bố mẹ Linh được mời đến ký giấy bảo hộ. Trường bên Sing năm ấy chỉ nhận tất cả 4 em từ Việt Nam: Hai em Hà Nội và hai em Hải Phòng là Linh và Lan.
"Mình nhớ hôm đó họ nói: "Hai cháu tiếng Anh còn rất yếu, khi sang Sing 2 cháu cần rèn luyện thêm". Mình ớ người và đến mãi sau này mình mới nhận ra vì sao họ vẫn trao học bổng cho người không giỏi tiếng Anh (nhất)".
Đúc kết kinh nghiệm số 1: Tiếng Anh không phải là quan trọng nhất (nói người ta hiểu là được), các trường bên Singapore vẫn chú trọng học thuật, các môn Toán và Khoa học hơn, và đặc biệt thích các em học sinh thể hiện sự trưởng thành và khả năng lãnh đạo từ nhỏ.
Đúc kết kinh nghiệm số 2: Ôn thi cấp tốc không phải là điểm mấu chốt, vì bạn của Linh không hề học ở trung tâm mà chỉ mượn sách photo rồi tự học ở nhà. Nên nếu nhà không có điều kiện xài 2 tháng lương vào 1 khóa học, thì tự học cũng là 1 phương pháp hiệu quả không kém.
Đi du học thấy sốc vì mình không "giỏi" như mình nghĩ, nhiều du học sinh bị dư chấn tâm lý nặng phải trở về nước
Linh bay sang Singapore vào ngày 01/11/2007, ngày hôm sau được các anh chị dẫn ra Sentosa chơi orientation games (một kiểu ngày hội tân sinh viên). Sang tuần, chính thức bước vào khóa học tiếng Anh Bridging Course kéo dài 2 tháng, 6 ngày/tuần, 6-7 tiếng/ngày, Linh lúc đó mới biết thế nào là "ếch ngồi đáy giếng".
Linh cùng các bạn ngày đầu tiên đi học Bridge Coursing tại Nanyang Girls High School (năm 2007).
Theo Linh, các bạn du học sinh từ nước khác (Indonesia, Malaysia) hầu hết đều đã học trường quốc tế nên tiếng Anh thuộc hàng siêu phẩm. Ở Việt Nam vốn chỉ học gạo từ vựng, ngữ pháp, lại mang theo văn phong tiếng Việt rề rà lê thê, nên khi sang Sing bài kiểm tra tiếng Anh đầu tiên Linh nhận điểm 3 trên 50. "Mình về nhà khóc lóc cả đêm mà không dám nói với mẹ", Linh kể.
Tình trạng điểm thấp, đặc biệt là tiếng Anh và các môn xã hội kéo dài khoảng 1 năm khiến Linh căng thẳng và luôn trong tình trạng phải gồng mình ganh đua với bạn bè.
"Điểm may mắn duy nhất: Mình vốn là người lạc quan, cởi mở nên dù có bị điểm kém cũng không buồn tủi quá lâu. Mình biết có nhiều du học sinh khác, vì không chịu nổi áp lực học tập trong môi trường mới nên sau 3-4 tháng đầu tiên gia đình đã xin đưa con trở về nước".
Sang đến năm thứ hai, tình hình học tập của Linh mới chính thức được cải thiện. Tiếng Anh và các môn xã hội tuy điểm vẫn làng nhàng nhưng không bét lớp như trước nữa. "Riêng Toán, Lý Hóa thì khỏi nói, thường được top 5 nên mình cũng củng cố được chút tự tin. Mình còn mạnh dạn đăng ký 1 dự án khoa học dành cho học sinh trung học (research program), làm cùng với 2 bạn người Singpore nên khả năng thuyết trình, làm việc nhóm sau đó cũng tăng đáng kể".
Đúc kết kinh nghiệm 1: Nhiều du học sinh ở tuổi 15-16 vẫn chưa đủ trưởng thành và vững tâm lý để đi du học bậc Trung học, ba mẹ cần tìm hiểu kỹ về môi trường sống mới để ủng hộ con về mặt tinh thần, cũng đừng gây thêm áp lực cho con từ xa.
Đúc kết kinh nghiệm 2: Tiếng Anh dù sao cũng chỉ là 1 ngôn ngữ, 1 phương thức để trao đổi và giao tiếp. Mới đi du học, nếu tiếng Anh chưa tốt thì cũng đừng nản chí, bỏ cuộc, chỉ cần học chăm chỉ và chịu khó tiếp xúc nhiều với người bản địa thì chắc chắn sau 1-2 năm bạn sẽ vượt qua được rào cản ngôn ngữ và văn hóa.
Những năm tháng cấp 3 cạnh tranh kinh hoàng, nhiều du học sinh đã bị mất học bổng
Những năm tháng cấp 3 (bậc tiền đại học), theo Linh, là những năm tháng khốc liệt nhất đối với du học sinh. Mặc dù Singapore theo hệ Cambridge A-level của Anh và chỉ học có 6 môn (thay vì mười mấy môn như ở Việt Nam), khối lượng kiến thức khổng lồ tương đương với 3 năm cấp ba gói gọn trong vòng 1 năm rưỡi, cứ 2-3 tháng lại phải lo thi, lo trượt, lo mất học bổng.
"Văn hóa học và thi cử tại trường mình có thể tóm gọn như sau. 6h30 sáng đến trường, đã thấy các bạn ngồi la liệt ở khu tập trung để… học bài. 7h, chào cờ, sau đó lên lớp học các môn đến tầm 3h chiều là xong (có nghỉ ở giữa ăn trưa). Chiều là khoảng thời gian học sinh tham gia hoạt động ngoại khóa đến tầm 6-7h, thậm chí muộn hơn.
Với ai ở kí túc, về kí túc ăn tối rồi lên nhà tự học, 10h night-out, 12h cắt mạng internet. Nếu muốn ra ngoài đi chơi phải có thư xin phép của bố mẹ; kí túc xá giữ hộ chiếu, phải có sự cho phép của nhà trường mới được bay về Việt Nam. 4 năm liền mình không được gặp chị gái là vì lý do như vậy!", Linh chia sẻ.
Linh cùng các bạn trong ngày hội tân sinh viên của hội SV Việt Nam tại Nanyang Technological University, Singapore (năm 2014).
Học sinh nào nhận học bổng thì còn bị quản chặt hơn nữa. Mỗi kì thi, điểm số sẽ được gửi về Bộ giáo dục để theo dõi. Trường Linh nổi tiếng là ra đề khó nhằn (hơn 50% học sinh bị dưới điểm 4/10), thành ra rất dễ bị dưới mức "sàn" của Bộ giáo dục. Mỗi lần dưới mức sàn như vậy sẽ bị giấy cảnh cáo (warning letter) và ai bị quá 2 lần sẽ bị mất học bổng.
Có không ít trường hợp các du học sinh đã bị mất học bổng và sau đó gia đình phải tự chi trả tiền học và sinh hoạt phí những tháng còn lại. Ảnh hưởng kinh tế đã đành, vết thương tinh thần còn lớn hơn. "Có những hôm trả điểm thi, ngồi ăn với nhau thấy bạn cười mà biết là nó đang khủng hoảng trong lòng, làm sao để gọi về thông báo: "Mẹ ơi, con đã mất học bổng rồi"?".
Về phương án học gia sư, Linh cho rằng đây gần như không phải là một lựa chọn vì chi phí vô cùng đắt đỏ, ít nhất 40sgd/tiếng (khoảng 800 nghìn đồng) nên hầu như ai cũng phải tự học, tự mày mò tài liệu, sách vở.
"Nghĩ lại, mình không biết liệu khoảng thời gian đó khiến bọn mình mạnh mẽ tự lập hơn, hay hủy hoại tâm hồn học sinh nhiều hơn. Hệ thống giáo dục vô cùng cạnh tranh khốc liệt ở Singapore (hay ở Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc cũng vậy) là một trong những lý do năm 2019 mình rời bỏ đất nước này", Linh nói.
Từ bỏ ước mơ Kiến trúc sư để theo ngành Business siêu "hot"
Từ năm lớp 9, Linh đã bắt đầu tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp, ngành học đại học sau này. Với năng khiếu vẽ và đam mê với Toán và Vật lý, cô mơ ước sau này sẽ trở thành 1 kỹ sư kiến trúc (architectural engineer).
"Ước mơ quả nhiên chỉ là mơ ước nếu thiếu hậu thuẫn tài chính từ gia đình. Hồi đó mình nhắm tới các trường Đại học ở Anh đào tạo tốt ngành kỹ sư kiến trúc, nhưng rất tiếc Anh hầu như không có học bổng cho học sinh nước ngoài, theo như mình tìm hiểu (rất ít, chỉ khoảng 2 ngàn bảng/năm). Mẹ bảo: mẹ sẽ bán đất cho con đi học. Đó là miếng đất bố mẹ mua với số tiền dành dụm hơn 20 năm".
Cuối cùng, sau nhiều đắn đo suy nghĩ, Linh đã quyết định 1 lần nữa tự lập: Học 1 ngành không yêu thích lắm ở Singapore nhưng được cho học bổng. Cô theo ngành Business, học khá tốt đặc biệt là những môn tính toán nhiều như tài chính, thống kê, v.v... dù chơi nhiều hơn học.
"Thời gian này vì chán cảnh suốt ngày vùi đầu học ở trường mình bắt đầu tìm đến môn võ Capoeira của Brazil. Đây cũng là 1 bước ngoặt lớn trong cuộc đời mình, môn võ thuật này không chỉ giúp mình thêm rắn rỏi khỏe mạnh, làm quen với những người bạn "cool ngầu" khắp 5 châu (Á Úc Âu Phi Mỹ) mà còn cho mình một cái nhìn thật nhân văn tinh tế về văn hóa lịch sử nô lệ tại Brazil".
Nhiều năm sau này, Linh nhận thấy rằng việc theo ngành Business cũng không phải là 1 lựa chọn tồi, vì nó đúng với thế mạnh của cô khiến sự nghiệp sau này cũng khá suôn sẻ.
Pháp luật và Bạn đọc