MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhãn muộn Khoái Châu mùa quả ngọt

22-09-2016 - 08:16 AM | Thị trường

Trong tiết heo may của những ngày cuối tháng Tám âm lịch, khi các vùng trồng nhãn trên địa bàn tỉnh Hưng Yên đã cơ bản thu hoạch xong thì tại Khoái Châu vẫn còn nhiều diện tích đang thu hoạch rộ, với khoảng 3.000 tấn đang được bán với giá cao.

Từ nhiều năm nay, nhãn muộn đã trở thành cây làm giàu cho hàng nghìn hộ nông dân vùng đất ven sông Hồng.

Muộn vẫn vượt trội

Là vùng nhãn lớn nhất tỉnh Hưng Yên, huyện Khoái Châu hiện có khoảng 1.600 ha đang cho thu hoạch, trong đó chủ yếu là nhãn muộn có quy mô tập trung khoảng 900 ha ở các xã Hàm Tử, Đông Kết, Bình Kiều, An Vĩ, Ông Đình... Giống nhãn này có đặc điểm quả to tròn, vỏ màu vàng sáng, cùi dày và giòn với vị ngọt đậm, thơm mát; là một trong những giống nhãn ngon cho năng suất cao. Nhãn muộn Khoái Châu có thời gian thu hoạch khác biệt so với nhãn chính vụ, vào thời điểm từ đầu tháng 9 đến giữa tháng 10; thời gian treo quả trên cây dài nên nhà vườn có thể thu hoạch rải vụ và bán được giá cao.

Đặc điểm nổi trội của giống nhãn muộn là ra hoa khi thời tiết ấm nên tỷ lệ hoa nhiều, đậu quả cao; lại ít chịu chịu ảnh hưởng của thời tiết nên năng suất ổn định. Ngay cả vụ năm nay, do ảnh hưởng của cơn bão cuối tháng 7, các vùng nhãn ở Tiên Lữ, Kim Động, thành phố Hưng Yên bị rụng quả, thiệt hại 50% năng suất, nhưng nhãn Khoái Châu vẫn sai trĩu quả, lượng quả bị thiệt hại chưa đến 10%.

Do không chín vào thời điểm chính vụ, nhãn muộn Khoái Châu năm nào cũng được mùa mà không rớt giá, với mức cao hơn 30% so với giữa vụ. Hiện nay giá nhãn Miền Thiết được bán với giá 25 nghìn đồng/kg, nhãn siêu ngọt giá 50 nghìn đồng/kg. Nhãn muộn được tiêu thụ thuận lợi tại các thị trường lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Lạng Sơn và xuất khẩu sang Trung Quốc. Năm nay, sản lượng nhãn của huyện Khoái Châu ước khoảng 18 nghìn tấn, với giá bán trung bình 25 nghìn đồng/kg quả tươi, ước tính toàn huyện thu gần 400 tỷ đồng.

Khoái Châu hiện có 2 nhóm giống chính gồm: nhãn chín muộn Miền Thiết; nhãn T2, T6, nhãn siêu ngọt, một số giống nhãn chín sớm được trồng ở các vùng thâm canh cao, vùng chuyển đổi. Các giống nhãn khá phong phú đáp ứng cho việc đa dạng cây trồng và rải vụ thu hoạch để nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế. Đáng chú ý, qua các đợt bình tuyển nhãn của tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2013 - 2015, tại các vùng trồng nhãn của Khoái Châu có 9 cây được chọn lọc đưa vào danh sách bảo tồn giống; trong đó 5 cây đạt tiêu chuẩn nhãn đầu dòng có nguồn gốc ở xã Hàm Tử được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là giống quốc gia, 4 cây còn lại đạt tiêu chuẩn nhân giống. Các nhà vườn đã tích lũy được kinh nghiệm thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật kết hợp với canh tác theo truyền thống bằng phân chuồng và các sản phẩm hữu cơ như: bột ngô, đỗ tương nên cây sinh trưởng khỏe, chất lượng nhãn quả thơm ngon, đáp ứng nhu cầu thị trường và khách hàng.

Trên địa bàn Khoái Châu còn có 1 vùng sản xuất nhãn ở xã Hàm Tử với quy mô gần 15 ha áp dụng theo quy trình Vietgap với sản lượng 100 tấn; trong đó, các hộ nông dân đã thành lập HTX nhãn Miền Thiết với mô hình thâm canh cao, xây dựng chuỗi sản xuất nhãn theo hướng an toàn; thường xuyên tiếp cận với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu rau quả ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Nguyễn Văn Thế, thành viên HTX Miền thiết cho hay: vụ năm nay tổ hợp Miền Thiết đã ký kết hợp đồng với 2 doanh nghiệp là Fivimart và Hapro được khoảng 100 tấn với giá 25 nghìn/kg. Riêng gia đình ông Thế hiện trồng hơn 4 ha, đạt sản lượng hơn 50 tấn trị giá 1,2 tỷ đồng.

Xúc tiến tiêu thụ để phát triển bền vững

Ông Đỗ Bá Nghĩa, Chủ nhiệm Hợp tác xã nhãn lồng Khoái Châu băn khoăn: Việc canh tác nhãn muộn đang là cách làm rất hiệu quả, điển hình là biện pháp giãn vụ vì nhãn muộn Khoái Châu có thời gian thu hoạch dài, tránh được tình trạng quả chín đồng loạt dẫn đến nguồn cung tăng cục bộ. Tuy nhiên, nhãn muộn Khoái Châu đã được người tiêu dùng biết từ lâu, nhưng đến nay giống nhãn này vẫn chưa được đăng ký thương hiệu riêng, sẽ là khó khăn cho việc mở rộng thị trường và nâng cao hơn nữa giá trị kinh tế cho người trồng nhãn.

Để tháo gỡ khó khăn và mở hướng đi cho cây nhãn muộn, từ năm 2015, huyện Khoái Châu đã xúc tiến sản xuất nhãn xuất khẩu sang thị trường Mỹ với diện tích 10 ha của hơn 120 hộ; nông dân được hướng dẫn chăm sóc, bao quả, phòng trừ dịch hại cho nhãn trong mô hình theo quy trình VietGap gắn với các yêu cầu của thị trường Mỹ và điều kiện sản phẩm an toàn. Huyện cũng đã tổ chức xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn cho nông dân, tạo điều kiện để bà con được tiếp cận với các doanh nghiệp có kinh nghiệm xuất khẩu rau quả ở thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội để học hỏi kinh nghiệm, mở rộng thị trường xuất khẩu theo hướng ổn định, mở hướng tiêu thụ nông sản bền vững, tránh tình trạng "được mùa rớt giá".

Ông Nguyễn Văn Đạt, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Khoái Châu cho biết: để có nhiều giống nhãn tốt chiếm lĩnh được thị trường, những năm gần đây huyện đã tích cực xúc tiến, quảng bá thương hiệu gắn với nâng cao quy trình sản xuất, giúp bà con trồng nhãn tiếp cận với phương pháp khoa học, ứng dụng tiến bộ để đổi mới công nghệ sản xuất; đồng thời thực hiện cam kết tạo ra sản phẩm giá trị cao, đảm bảo nhãn vừa sạch vừa đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhằm lưu giữ các giống nhãn đặc sản vốn có của tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đức Sơn - Chủ tịch UBND huyện Khoái Châu, để vùng nhãn phát triển theo hướng bền vững, huyện đang duy trì vùng thâm canh nhãn đạt tiêu chuẩn VietGap tại xã Hàm Tử và tiếp tục mở rộng sang các xã khác, nhằm nhân rộng vùng nhãn đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Đồng thời, khuyến cáo nông dân tiếp tục tuyển chọn nhân rộng bộ giống có năng suất chất lượng, áp dụng quy trình sản xuất sạch theo nguyên tắc "4 đúng", đáp ứng các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn thực phẩm. Mặt khác, tăng cường sự liên kết giữa hợp tác xã, bà con nông dân với doanh nghiệp đầu mối tiêu thụ nông sản; hình thành mối liên kết chặt chẽ giữa nông dân với doanh nghiệp; coi trọng hợp tác kết nối giao thương giữa các trung tâm, các hệ thống siêu thị ở trong nước nhằm đưa vị ngọt nhãn Khoái Châu đến với người tiêu dùng rộng rãi ở thị trường trong nước và xuất khẩu.

Theo Mai Ngoan

Báo tin tức

Trở lên trên