Nhân sự cấp cao là nhóm bị giảm lương nhiều nhất do COVID-19
Tác động của dịch COVID-19 đã khiến nhiều doanh nghiệp không đảm bảo về khả năng tài chính, buộc phải cắt giảm lương ở nhiều mức khác nhau.
- 09-03-2021Dự án nhà máy điện sinh khối vốn trên 875 tỷ đồng tại Hậu Giang được chấp thuận đầu tư
- 09-03-2021WEF: Chỉ trong 1 năm, công suất phát điện mặt trời tại Việt Nam tăng tương đương 6 nhà máy nhiệt điện than
- 09-03-2021Lý do người dân nên làm căn cước công dân gắn chip trước 1/7/2021
- 09-03-2021Hải Phòng đề xuất xây sân bay vùng thủ đô ở Tiên Lãng
Theo khảo sát của Navigos, khối nhân sự có vị trí càng cao như cấp lãnh đạo, ban điều hành là nhóm giảm lương nhiều nhất.
Là giám đốc marketing một hệ thống phòng tập thể hình tại TP Hồ Chí Minh, chị Nguyễn Lê Thị Ngọc Châu cho biết, nguồn thu của công ty đã giảm mạnh sau nhiều lần tạm đóng cửa, điều này khiến mức lương 4 tháng cuối năm của chị giảm đến 25%.
Chị Nguyễn Lê Thị Ngọc Châu - Giám đốc Marketing hệ thống phòng tập thể hình, TP Hồ Chí Minh cho biết: "Công việc của mình có sự thay đổi lớn về mặt thu nhập. Mức lương giảm xuống chúng ta sẽ có hai lựa chọn: Một là tiếp tục chờ, chờ khi công việc chi trả mức lương như bạn mong muốn, hoặc mình sẽ chấp nhận công việc mà mức lương thấp hơn hoặc ở mức lương đó chúng ta sẽ chịu trách nhiệm nhiều hơn".
Báo cáo của Navigos cho biết, khảo sát gần 6.000 ứng viên có đến 26% cho biết mức lương trong năm ngoái đã giảm từ 10 - 50%, trong đó, nhóm ứng viên cấp cao như ban điều hành, cấp tổng giám đốc… là nhóm giảm mạnh nhất chiếm 40%, xếp thứ hai là giám đốc, phó giám đốc.
"Theo khảo sát của chúng tôi hầu hết công ty đã đưa vào áp dụng chính sách về giảm lương tạm thời, cũng đưa ra một mức giảm lương tương đối là cao hơn cho các nhân sự quản lý cấp trung và cấp cao. Cụ thể đối với quản lý nhân sự cấp trung và cao mức giảm lương trung bình từ khoảng 20 - 30% của lương cơ bản", bà Nguyễn Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search nói.
Khảo sát của Navigos cũng cho thấy có đến 52% ứng viên cho biết sẽ tìm việc công việc mới trong 3 - 6 tháng tới. Tuy nhiên, theo đánh giá của Manpower, sẽ chưa có dịch chuyển lao động ở nhóm nhân sự cao cấp bởi còn nhiều yếu tố khác để giữ chân người lao động như môi trường làm việc, văn hoá và thương hiệu của doanh nghiệp .
Bà Nguyễn Thu Trang - Giám đốc toàn quốc, Dịch vụ Tuyển dụng Cấp cao và Tư vấn Nhân sự, Manpower Group Việt Nam nói: "Họ sẽ cần phải đánh giá rất nhiều yếu tố như thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp có mạnh hay không, lãnh đạo ở doanh nghiệp đó có thực sự là lãnh đạo biết truyền cảm hứng hay không bởi vì chúng ta luôn hiểu rằng là ứng viên cấp cao họ luôn mong muốn có môi trường có thể học hỏi, phát triển, thăng tiến cho nên lãnh đạo trực tiếp của họ sẽ là yếu tố họ rất quan tâm".
Để đáp ứng tình hình mới, các doanh nghiệp cũng đã tái cơ cấu lại khung thu nhập của nhân viên, giảm thiểu chi phí cố định như lương cơ bản, phụ cấp… nhưng sẽ đặt tỷ trọng lớn hơn dành cho ngân sách thưởng cuối năm tuỳ theo năng lực, kết quả kinh doanh. Đây được đánh giá là hướng đi phù hợp để duy trì hoạt động và giữ chân nhân sự cấp cao có năng lực.
VTV.vn