MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân sự ngân hàng: Vì sao lúc nào cũng thiếu?

09-11-2016 - 10:50 AM | Tài chính - ngân hàng

Hàng năm có tới hàng chục nghìn sinh viên ngành tài chính ngân hàng tốt nghiệp nhưng các ngân hàng vẫn liên tục “kêu” không tuyển được người.

Liên tục tuyển dụng nhưng vẫn chưa đủ

Qua giai đoạn thanh lọc mạnh nhân sự do yêu cầu tái cơ cấu toàn diện trong giai đoạn 1 của chương trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, từ năm ngoái tới năm nay, các ngân hàng đều lên kế hoạch tuyển dụng, không chỉ theo năm mà theo tháng, không chỉ ở quy mô ngân hàng hay khu vực mà còn phân bổ về các chi nhánh tự tìm kiếm người. Số lượng nhân sự được tuyển mỗi đợt từ có nơi tới cả trăm người. Điều này cho thấy nhu cầu nhân sự ở các ngân hàng vẫn đang rất mạnh.

Số liệu thống kê cho thấy, qua 9 tháng đầu năm nay, các ngân hàng lớn gồm VietinBank đã tuyển mới thêm hơn 1.100 người trong khi BIDV, Vietcombank, Sacombank tuyển dụng trên dưới 500 người. Các ngân hàng thương mại cổ phần khác cũng tuyển thêm hàng trăm nhân sự.

Dự kiến trong quý 4, các ngân hàng vẫn tiếp tục tuyển người phục vụ cho “mùa kinh doanh”. Mới nhất, vừa hôm qua 8/11, Vietcombank thông báo tuyển 189 nhân sự cho 54 chi nhánh khắp cả nước còn Agribank trước đó thông báo tuyển dụng gần 1.000 chỉ tiêu trong tháng 11 này. Cùng lúc, một loạt các ngân hàng như Việt Á, Tiên Phong, BIDV, Techcombank, VietinBank… cũng đăng tin tuyển dụng khắp nơi.

Song song với việc tuyển mới, các ngân hàng cũng tiến hành thanh lọc những nhân sự không đáp ứng được yêu cầu công việc. Tại một cuộc hội thảo về chất lượng nhân lực tài chính ngân hàng diễn ra tại Tp. Hồ Chí Minh cuối tháng 10 vừa qua, một đại biểu tham dự hội nghị đã công bố một khảo sát cho thấy ngành tài chính ngân hàng vẫn tồn tại tình trạng nguồn nhân lực vừa thừa lại vừa thiếu, trong đó nhân lực phổ thông thì thừa trong khi nhân lực chất lượng cao trong nhiều lĩnh vực chuyên sâu như xây dựng chiến lược phát triển, quản trị rủi ro, thanh toán quốc tế, đầu tư quốc tế...

Thực tế hiện nay mỗi năm thị trường tài chính ngân hàng đón nhận hàng chục nghìn cử nhân ra trường, tuy nhiên lực lượng này chưa thể đáp ứng được nhu cầu công việc, hoặc nếu có thì chỉ làm được các công việc rất đơn giản và việc phải đối mặt với tình trạng bị sai thải là điều hoàn toàn có thể lường trước được.

Theo Phó tổng giám đốc của một ngân hàng có quy mô nhân sư trên 10.000 người, chất lượng đào tạo cử nhân tài chính ngân hàng trong nước còn quá nặng về lý thuyết, vì thế sinh viên ra trường chưa thể bắt nhịp được với yêu cầu công việc. Các sinh viên khi vào làm vẫn cần tối thiểu là 3-6 tháng để học thêm các kỹ năng. Điều này gây khó khăn cho cả bên được tuyển lẫn bên tuyển dụng, trong đó các ngân hàng phải bỏ thời gian và chi phí để đào tạo, trong khi người làm cũng phải chấp nhận học việc, thử việc lâu hơn.

Để khắc phục tình trạng đó, hiện nay một số ngân hàng đã đưa chương trình thực tập sinh tiềm năng vào trong chiến lược nhân sự của họ, trong đó dẫn đầu có thể kể đến Sacombank, rồi đến Techcombank và mới đây được HDBank áp dụng. Thông thường các ngân hàng sẽ tuyển hàng nghìn chỉ tiêu là sinh viên năm cuối hoặc đã ra trường nhưng chưa có việc làm, sau thời gian thực tập sẽ lựa chọn ra những ứng viên xuất sắc nhất ở lại làm việc lâu dài cùng ngân hàng. Điều này giúp ngân hàng vừa tiết kiệm được chi phí vừa có được nguồn nhân lực đúng theo yêu cầu của họ, trong khi các sinh viên có thêm kỹ năng, kinh nghiệm để tự tin ứng tuyển vào các ngân hàng sau khi tốt nghiệp.

Ngân hàng nhỏ khó hút người tài

Còn đối với nhân sự chất lượng, có kinh nghiệm thì đây là những người mà bất kỳ ngân hàng nào cũng thèm khát và luôn luôn thiếu hụt vì bị cạnh tranh gay gắt. Công cuộc cạnh tranh không chỉ diễn ra ở các ngân hàng nhỏ mà còn cả ngân hàng nhỏ với ngân hàng lớn, ngân hàng trong nước với ngân hàng nước ngoài.

Để ý các bản tin tuyển dụng của các ngân hàng nhỏ gần đây cho thấy, rất nhiều ngân hàng cần tuyển dụng các vị trí từ trưởng phòng giao dịch, phó giám đốc, giám đốc trở lên trong khi phần tuyển dụng của các ngân hàng lớn thì phổ biến là kinh doanh hoặc chăm sóc khách hàng, giao dịch viên...

Theo nhận định của một chuyên gia, từ điều này cho thấy một thực trạng, cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng nội thì ngân hàng thương mại Nhà nước hoặc ngân hàng lớn luôn chiếm ưu thế bởi họ có khả năng chi trả cao hơn cho người lao động, trong khi phía người lao động cũng tin tưởng làm việc ở ngân hàng lớn sẽ thuận lợi hơn. Còn giữa ngân hàng nội và ngân hàng ngoại thì ngân hàng ngoại cũng có phần hấp dẫn hơn bởi môi trường làm việc chuyên nghiệp hơn. Đây cũng chính là bài toán đang làm đau đầu các nhà quản lý nhân sự, đặc biệt là ở những ngân hàng nhỏ.

Dự đoán trong thời gian tới, theo TS Nguyễn Sơn, Chủ tịch Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam, nhân sự cấp cao trong lĩnh vực tài chính ngân hàng tại Việt Nam sẽ tiếp tục khan hiếm ở các vị trí chuyên gia quản lý rủi ro, quản lý cấp trung và chuyên gia tài chính đầu tư. Vì vậy, nếu các ngân hàng không có kế hoạch bồi dưỡng những ứng viên kế cận cho các vị trí cấp cao thì trong vài năm tới tình trạng thiếu hụt đội ngũ nhân sự lãnh đạo trong ngành tài chính ngân hàng càng nghiêm trọng hơn. Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại phải tăng cường những chính sách và biện pháp giữ chân nhân tài, nhân lực chất lượng cao trong quá trình Việt Nam hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế quốc tế.

Để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành tài chính ngân hàng, theo giới chuyên gia, về phía các trường đào tạo cần mở rộng hợp tác với hệ thống ngân hàng thương mại nhằm phối hợp chặt chẽ về nội dung đào tạo gắn với việc làm và theo nhu cầu xã hội, qua đó nâng cao năng lực cho sinh viên, giúp họ vững vàng khi bước vào môi trường làm việc trong khi ngân hàng cũng không cần phải mất thời gian, chi phí đào tạo lại.

Ngọc Toàn

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên