Nhân tài "rơi rụng"
Tại cuộc gặp giữa lãnh đạo Thành ủy TP Hà Nội và đại diện đoàn viên, thanh thiếu niên thủ đô vào ngày 22-6, chuyện sử dụng nhân tài lại được đặt ra.
Theo ông Vũ Đức Bảo, Trưởng Ban Tổ chức Thành ủy TP Hà Nội, những năm qua, Hà Nội đã thực hiện chính sách tuyển dụng thẳng sinh viên tốt nghiệp thủ khoa các trường ĐH, CĐ vào làm việc trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc. Nhiều người đã phát huy năng lực, được đề bạt, bổ nhiệm. Nhưng cũng không ít người sau một thời gian làm việc đã xin ra khỏi đơn vị với lý do thu nhập thấp...
Cùng với Hà Nội, chính sách thu hút nhân tài được các tỉnh, thành (như Đà Nẵng, Bình Dương, TP HCM, Quảng Nam...) thực hiện từ nhiều năm trước. Ở TP Đà Nẵng, sau gần 15 năm thực hiện chính sách này qua Đề án 922, đã tiếp nhận 1.043 người, trong đó có 13 tiến sĩ (1%), 224 thạc sĩ (22%) và 806 người tốt nghiệp ĐH (77%); 45 người tốt nghiệp tại các cơ sở đào tạo nước ngoài (4,3%). Sau thời gian công tác, 297 người (28,4%) đã trở thành Đảng viên, 206 người (19,75%) được bổ nhiệm chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp phòng trở lên (trong đó có 0,8% cán bộ thuộc diện Ban thường vụ Thành ủy quản lý)...
Còn ở Quảng Bình, chính sách thu hút nhân tài được HĐND tỉnh ra nghị quyết thực hiện từ năm 2012. Thời điểm này có gần 300 người vừa tốt nghiệp ĐH chính quy được ký hợp đồng làm việc tại các cơ quan hành chính nhà nước trong tỉnh. Sau khi hết thời hạn 3 năm hợp đồng, HĐND tỉnh tiếp tục ra nghị quyết gia hạn hợp đồng với các trí thức trẻ thêm 3 năm nữa.
Tuy nhiên, sau thành công ban đầu là những thất bại... không thể tránh. Ở Đà Nẵng, đến tháng 5-2018 đã có 93 người rút khỏi Đề án 922, trong đó 40 người xin thôi việc với các lý do: đoàn tụ gia đình, sức khỏe không tốt hoặc muốn tìm công việc khác; 47 người vi phạm hợp đồng (chủ yếu không đạt kết quả theo yêu cầu của đề án)...
Ở Quảng Bình, đến cuối năm 2017, UBND tỉnh này đã thông báo cắt hợp đồng đối với toàn bộ 300 lao động. Sau khi các ban, ngành tìm phương án tháo gỡ, đã tạm giải quyết được công việc phù hợp cho gần 200 trường hợp. Những trường hợp còn lại chưa thể giải quyết bởi bằng cấp không phù hợp và các địa phương đang giảm biên chế...
Dẫn những ví dụ trên để thấy rằng sự đổ vỡ xuất phát từ cả hai phía. Lương thấp chỉ là một trong những nguyên nhân, phía sau đó còn là môi trường làm việc chưa phù hợp, bố trí công việc không đúng chuyên môn; nơi làm việc còn tình trạng kèn cựa hoặc đối xử thiếu công bằng... Mặt khác, cũng chưa hẳn những người trong các chính sách trên là tài năng thực sự dù có bằng cấp, kết quả học tập tốt nhưng ra đời làm việc lại không hơn người...
Đánh mất tuổi thanh xuân một cách oan uổng luôn là điều tiếc nuối của con người, nên nếu một trong hai bên thấy không đạt yêu cầu hoặc không phù hợp thì chuyện chia tay là bình thường và cần thiết. Bởi sẽ là gánh nặng cho đơn vị nếu dùng người không đạt chuẩn và ngược lại, là lãng phí lớn nếu nhân tài đích thực không được sử dụng đúng sở trường hoặc phải làm việc dưới bóng những lãnh đạo thiếu tâm và thiếu tầm.
Với người có trách nhiệm ở đơn vị, hãy luôn nhớ rằng không minh bạch trong cách ứng xử thì không bao giờ có thể giữ chân những người thực tài.
Người lao động