MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận thế chấp ‘quyền đòi nợ’ 20 tỷ đồng, sau 10 năm ngân hàng chưa đòi được một xu

29-06-2023 - 07:02 AM | Tài chính - ngân hàng

Một công ty đem 2 bản án sơ thẩm, chưa được thi hành án để thế chấp ‘quyền đòi nợ’ hơn 20 tỷ đồng cho ngân hàng nhằm trả nợ gốc, lãi. Tuy nhiên, đến nay đã 10 năm, ngân hàng vẫn chưa thu hồi được một xu, rơi vào nợ xấu…

Theo diễn biến sự việc, năm 2007, ông Trương Thanh Phương, Giám đốc Công ty TNHH Biofeed có góp vốn vào Công ty TNHH Thương mại thuỷ sản Vĩnh Long số tiền 8,2 tỷ đồng. Công ty này có 5 thành viên góp vốn, với tổng số tiền hơn 29,3 tỷ đồng. Trong đó, ông Trương Thanh Phương góp vốn bằng tiền mặt hơn 4,5 tỷ đồng, còn lại góp vốn bằng thức ăn nuôi cá quy ra tiền. Đến năm 2008, ông Phương rút vốn một tỷ đồng từ Công ty TNHH Thương mại Thuỷ sản Vĩnh Long.

Tiếp đó, năm 2013, ông Phương khởi kiện ra TAND tỉnh Vĩnh Long yêu cầu Công ty TNHH Thương mại thuỷ sản Vĩnh Long trả lại phần vốn còn lại 7,2 tỷ đồng và phải chịu lãi suất 9%/năm.

Yêu cầu của ông Phương được TAND tỉnh Vĩnh Long chấp nhận, buộc Công ty TNHH Thương mại Thuỷ sản Vĩnh Long trả cho ông Trương Thanh Phương số tiền vốn 7,2 tỷ đồng và 2,83 tỷ đồng tiền lãi (Bản án số 01 tháng 1/2013 của TAND tỉnh Vĩnh Long).

Nhận thế chấp ‘quyền đòi nợ’ 20 tỷ đồng, sau 10 năm ngân hàng chưa đòi được một xu - Ảnh 1.

Hợp đồng thế chấp quyền đòi nợ.

Sau đó, Công ty TNHH Biofeed ký hợp đồng thế chấp quyền tài sản và quyền đòi nợ phát sinh từ 2 bản án với Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB Vĩnh Long, nay là VDB Cần Thơ), tài sản thế chấp là Quyền đòi nợ phát sinh từ Bản án 01/2013 ngày 9/1/2013 của TAND tỉnh Vĩnh Long, có giá trị “tạm” tính là 10,38 tỷ đồng do ông Trương Thanh Phương góp vốn vào công ty TNHH TM Thủy Sản Vĩnh Long và Bản án sơ thẩm số 01/2011 ngày 29/11/2011 của TAND huyện Long Hồ, tỉnh Vĩnh Long (chưa được thi hành án), có giá trị tạm tính là trên 10 tỷ đồng. Bị đơn là Công ty TNHH TM Thủy sản Vĩnh Long không trả tiền mua hàng hóa.

Mục đích thế chấp 2 bản án trên nhằm để trả nợ gốc, lãi từ các hợp đồng tín dụng đã ký giữa Công ty TNHH Biofeed và VDB Vĩnh Long.

Đáng chú ý, tại thời điểm giải quyết 2 vụ án và ký 2 hợp đồng thế chấp giữa Công ty Biofeed và VDB Vĩnh Long, Công ty Thủy Sản Vĩnh Long thua lỗ nghiêm trọng (lỗ mất hết tiền gốc), mất khả năng thanh toán, không còn tiền để thực hiện nghĩa vụ cho Công ty Biofeed và ông Trương Thanh Phương.

Theo kết quả hạch toán kinh doanh cho thấy, Công ty TNHH Thương mại Thuỷ sản Vĩnh Long làm ăn thua lỗ trong nhiều năm. Năm 2008, Công ty này lỗ hơn 67,7 tỷ đồng, n ăm 2009 tiếp tục thua lỗ 60 tỷ đồng và 2010 tiếp tục lỗ 45,3 tỷ đồng.

Năm 2011, chưa thống kê được số tiền bị lỗ.

Sau 10 năm thế chấp "Quyền đòi nợ" cho đến tháng 6/2023, hai bản án sơ thẩm nêu trên vẫn chưa được thi hành án vì Công ty TNHH TM Thủy Sản Vĩnh Long đã bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không còn hoạt động trên hệ thống quản lý của Nhà nước.

Được biết, Công ty TNHH Biofeed có vay hơn 100 tỷ đồng tại VDB Chi nhánh Vĩnh Long, hiện đã chuyển sang nợ quá hạn do công ty này mất khả năng trả nợ.

Ngoài ra, Công ty Biofeed còn nợ một Ngân hàng gần 500 tỷ đồng trong khi không còn tài sản để thay thế nghĩa vụ trả nợ, thực hiện nghĩa vụ nợ. Lý do mất khả năng thanh toán, “thực hiện không đúng phương án kinh doanh đã cam kết với các ngân hàng sử dụng vốn vay không đúng mục đích”.

Ngân hàng nói gì?

“Liên quan đến sự việc trên, ngày 26/6, trao đổi với Tiền Phong, đại diện Trung tâm Đào tạo và Truyền thông - Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) cho biết, VDB Cần Thơ đã nhận thế chấp 2 quyền tài sản và quyền đòi nợ phát sinh từ 2 bản án của công ty Biofeed. 2 bản án đã có hiệu lực pháp luật được thể hiện qua việc không có sự kháng cáo hoặc kháng nghị, và Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long đã ra quyết định thi hành án.

Cũng theo vị này, những tài sản trên đã được Cục Thi hành án dân sự tỉnh Vĩnh Long tổ chức thi hành án theo các Quyết định thi hành án số 190, ngày 08/07/2014 và số 337, ngày 10/11/2014 cho ông Trương Thanh Phương và Công ty TNHH Biofeed. Tuy nhiên, do Tòa án có quyết định thay đổi thẩm phán giải quyết vụ việc nên đến nay còn đang trong quá trình giải quyết của tòa án.

“Việc chậm thi hành án là do vướng thủ tục, trình tự tổ chức thi hành án theo pháp luật chứ không liên quan đến 2 hợp đồng thế chấp giữa Ông Trương Thanh Phương, Cty TNHH Biofeed và Ngân hàng VDB” đại diện Trung tâm Đào tạo và Truyền thông VDB lý giải.

Trao đổi với Tiền Phong, luật sư Bùi Phan Anh cho rằng, Công ty TNHH Thương mại Thuỷ sản Vĩnh Long không có tiền, tài sản để trả theo quyết định của toà án. Như vậy, các bản án và quyền đòi nợ không phải là các tài sản hình thành trong tương lai hay tài sản hiện hữu nên không thể là đối tượng thế chấp.

Bằng chứng hiện đã 10 năm kể từ ngày ký 2 hợp đồng thế chấp đến nay ngân hàng vẫn chưa thu hồi được do không thể thi hành án. Luật sư Phan Anh đánh giá, “việc thế chấp tài sản tại 2 hợp đồng trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật".


Theo Đức Hoàng

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên