MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân vật Tam Quốc giỏi hơn Gia Cát Lượng nhưng cũng KHỔ hơn rất nhiều: Tự tiên đoán ngày chết của mình, không thể trốn thoát số trời

18-11-2020 - 22:22 PM | Sống

Có thể nói, nhân vật này thành danh cũng nhờ tiên đoán, nhưng khổ sở cũng vì tiên đoán khi có thể tính ra chính xác ngày chết của bản thân mà không làm cách nào thay đổi được.

Nhắc đến Gia Cát Lượng, không ai không biết vị kỳ tài này có tài tiên đoán như thần. Bày mưu lập kế, tính toán tài tình, khiến lòng người thán phục. Nhưng bên cạnh đó, thời Tam quốc còn có một vị cao nhân kỳ bí khác được mệnh danh là nhà tiên tri đích thực. Ông chính là Quản Lộ.

Quản Lộ quê vùng bình nguyên Sơn Đông, ở thời Tam Quốc thuộc quyền cai quản của Tào Ngụy. Từ khi 8 - 9 tuổi, ông đã thích xem tinh tượng. Sau khi trưởng thành thì thông thạo "Chu Dịch", tác phẩm kinh điển sau Liên Sơn, Quy Tàng, Kinh Dịch, là cơ sở của khoa học dự đoán, khoa học thông tin, ra đời từ vũ trụ quan đối lập thống nhất, là phương pháp luận đạo giáo và nho giáo cổ đại.

Ông giỏi bói toán, xem tướng số, thành thạo mọi thứ nhưng vì dung mạo xấu xí, không có khí thế uy vũ, thích uống rượu, hay đùa giỡn nên dù được dân địa phương rất quý mến nhưng họ lại không mấy tôn trọng ông.

Theo lời đồn, mỗi khi Quản Lộ đưa ra lời tiên đoán của mình đều đúng đến 8 - 9 phần. Từng có lần, trong lần đi chơi tháng Giêng, ông bắt gặp một nhà đang lo liệu đám tang cho người vợ bệnh tình nguy kịch. Quản Lộ tính mệnh xong lại nói, số của người này phải tới giữa trưa ngày Tân Mão tháng 8 mới kết thúc. 

Nhân vật Tam Quốc giỏi hơn Gia Cát Lượng nhưng cũng KHỔ hơn rất nhiều: Tự tiên đoán ngày chết của mình, không thể trốn thoát số trời - Ảnh 1.

Cả nhà không ai tin. Nhưng chuyện lạ là kể từ đó, bệnh tình của người vợ thực sự có chuyển biến tốt đẹp. Qua nhiều tháng sau, tới giữa thu, bà ta mới lại phát bệnh mà chết.

Trong một điển tích khác, Vương Kinh vùng Thanh Hà gặp chuyện lạ, mời Quản Lộ tới xem bói. Ông bảo: “Ban đêm, trước cửa phòng có luồng ánh sáng như chim én bay tới trong lồng ngực ông. Khi cởi vạt áo ra, dường như ánh sáng vẫn còn ở đó, ông còn gọi phu nhân tới xem.”

Vương Kinh giật mình: “Đúng y như vậy.”

Quản Lộ nói tiếp: “Đây là một điềm tốt, cho thấy ông sẽ sớm được thăng quan.”

Quả thật, sau đó không lâu, Vương Kinh được thăng làm Thái thú của Giang Hạ.

Tiên đoán cho Tào Tháo

Trong “Tam Quốc diễn nghĩa” cũng có chi tiết đề cập tới vị tiên tri kỳ tài này. Ông là nhân vật đã tiên đoán và chỉ ra cho Tào Tháo biết chính xác về hỏa hoạn ở Hứa Đô và hậu quả sẽ mất một viên tướng ở núi Định Quân.

Lúc đó, Tào Tháo đang bệnh nặng, bao nhiêu thuốc thang vào người đều không khỏi, ai cũng cho rằng đây là tâm bệnh, phải trị hết nỗi lo lắng trong lòng mới hết được. Nhân lúc quan Thái sử Thừa là Hứa Chi từ Hứa đô đến Nghiệp quận thăm, biết chuyện, người này giới thiệu Quản Lộ. Thế là Tào Tháo vội cho người đến Bình nguyên triệu Quản Lộ tới hỏi.

Khi đến nơi, Quản Lộ gieo quẻ rồi đoán: “Ba tám tung hoành, heo vàng gặp hổ. Định Quân hướng Nam, đả thương một chân”.

Tào Tháo tiếp tục truy vấn về việc kế tục sự nghiệp sau này, Quản Lộ dự rằng: “Sư tử trong cung, dẹp an thần vị. Vương đạo cách tân, tử tôn cực quý”.

Đến khi bị gặng hỏi chi tiết hơn, Quản Lộ đã từ chối vì cho rằng thiên mệnh mênh mông, chỉ có thể tiết lộ đến vậy. Người nên tự mình trải nghiệm số trời chứ đừng tìm cách để được báo trước. Như vậy sẽ không còn đúng nữa.

Sau đó, đúng là những lời này đều được ứng nghiệm chuẩn xác.

“Ba tám tung hoành” chính là lúc đại tướng quân Hạ Hầu Uyên, huynh đệ trong tộc của Tào Tháo, chết trên đỉnh núi Định Quân ở hướng Nam, vào lúc Kiến An hai mươi bốn năm, chính là tháng đầu tiên của Kỷ Hợi nên mới nói “Heo vàng gặp hổ”.

“Đả thương một chân” cũng chính là tình cảm huynh đệ của Hạ và Tào.

“Sư tử trong cung, dẹp an thần vị” là chỉ việc con trai của Tào Tháo là Tào Phi sau này xưng đế.

Dự đoán về sự nổi dậy của Tư Mã Ý

Lại nói tiếp, năm 248 sau Công Nguyên, Lại Bộ Thượng Thư Hà Yến nghe tin Quản Lộ ở Bình Nguyên tinh thuật số, cho mời đến bàn nghĩa kinh dịch. Bấy giờ Đặng Dương cũng cùng ngồi chơi đó, hỏi Lộ rằng: “Ông bói cho tôi một quẻ, xem có làm đến tam công được không? Tôi lại mộng thấy mười mấy con ruồi xanh đậu trên mũi, đuổi cũng không đi, đó là điềm gì?”

Quản Lộ mới nói: “Mũi là cái núi, núi cao mà không đổ, thì mới giữ được phú quý. Nay ruồi nhặng là giống hôi bẩn, lại đậu lên trên, thế là ngôi cao phải đổ, khá sợ lắm thay! Xin quân hầu bớt chỗ nhiều thêm chỗ ít, điều gì phi lễ chớ làm. Như thế ngôi tam công mới đến tay mà đàn nhặng xanh mới xua đi được.”

Đặng Dương không tin. Hà Yến cũng tỏ thái độ bực bội. Quản Lộ vung tay áo bỏ đi.

Tới khi về nhà, người thân nghe được chuyện đều sợ hãi bị quan trên ghét bỏ, trả thù thì Quản Lộ bình tĩnh nói: “Đặng Dương, gân không bó được xương, mạch không giữ được thịt, ngồi đứng ngả nghiêng hình như không có chân tay, đó gọi là tướng quỷ tảo. Hà Yến không tươi được sắc mặt, tinh thần bất định, dáng tựa cây khô, đó là tướng quỷ u. Hai người này nay mai tất có vạ diệt, mình can gì mà sợ?”

Quả thật, không lâu sau đó, Tư Mã Ý phát động biến ở Cao Bằng. Ba người Tào Sảng, Hà Yến và Đặng Dương đều bị giết.

Nhân vật Tam Quốc giỏi hơn Gia Cát Lượng nhưng cũng KHỔ hơn rất nhiều: Tự tiên đoán ngày chết của mình, không thể trốn thoát số trời - Ảnh 2.

Tự tiên đoán cái chết của chính mình

Phải nói, cái tài tiên đoán của Quản Lộ đúng là trần đời hiếm có. Cuộc đời ông thành danh nhờ tài năng đó, nhưng cũng khổ sở vì tài năng đó.

Trong một lần uống trà cùng người em Quản Thần của mình, ông từng nói: “Trời cao cho ta tài trí thông minh, cũng cho vinh hoa phú quý, lại không cho thọ mệnh, e là không thể nhìn con trai con gái dựng vợ gả chồng.”

Em trai gặng hỏi, ông mới nói thêm: “Đại nạn của ta không quá 48 tuổi.”

Ông tự xem tướng cho mình và nhận thấy, phần lưng không có ba giáp, chân không có gốc, mũi không có đường sống mũi, mắt không có thủ tinh, không có xương trên trán, đây đều là đặc điểm của người thọ yểu. Mệnh trời như vậy, không thể sửa đổi nổi dù làm cách nào đi nữa.

Quả thật, năm 256 sau Công nguyên, Quản Lộ qua đời, năm ấy 48 tuổi.

Biết trước cái chết của mình sẽ đến vào lúc nào, nhưng lại không làm gì để có thể thay đổi. Rõ ràng, Quản Lộ qua đời cùng rất nhiều tiếc nuối. Nếu ngay từ đầu không quá giỏi tiên đoán thì có lẽ, ông sẽ được sống vui vẻ hơn trong nhiều năm tháng cuối đời.

Phương Thuý

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên