Ai sẽ trở thành Tổng thống Venezuela?
Những người ủng hộ Tổng thống Chavez hy vọng sự nghiệp cách mạng dang dở của ông sẽ có người kế tục, thông qua cuộc bầu cử tổng thống sắp tới.
- 06-03-2013Venezuela nghi ngờ ông Chavez bị đầu độc
- 06-03-2013Những câu nói bất hủ của Hugo Chavez
Theo Hiến pháp Venezuela, cuộc bầu cử tổng thống cần được tổ chức trong vòng 30 ngày sau khi người đứng đầu nhà nước qua đời và từ nay đến thời điểm có tổng thống mới, Chủ tịch Quốc hội sẽ làm tổng thống tạm quyền. Thế nhưng, tạm thời điều hành đất nước lại là Phó Tổng thống Nicolas Maduro. Qua đó, hầu như chắc chắn Phó Tổng thống Nicolas Maduro đã được đảng cầm quyền đưa ra tranh cử.
Như vậy, tương lai chính sách cánh tả của Tổng thống Chavez có thể đang được đặt lên vai Phó Tổng thống Nicolas Maduro, người mà ông Chavez đã chọn ngay sau khi đắc cử tổng thống hồi tháng 10/2012. Phó Tổng thống Maduro có thể sẽ phải đối đầu với Thống đốc bang Miranda, Henrique Capriles, trong cuộc bầu cử tổng thống dự kiến sẽ được tổ chức trong vòng 30 ngày tới.
Một ngày sau khi Tổng thống Hugo Chavez qua đời, phe đối lập đã đề cử Henrique Capriles tranh chức tổng thống Venezuela. Ứng cử viên Capriles đã thất cử trước đương kim Tổng thống Hugo Chavez trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela hồi tháng 10/2012.
Một cuộc thăm dò ý kiến gần đây cho thấy Phó Tổng thống Maduro đang dẫn điểm cách biệt trước thủ lĩnh đối lập Capriles, một phần vì ông đã được Tổng thống Chavez chọn làm người kế nhiệm khi sang Cuba trị bệnh ung thư. Phó Tổng thống Maduro ngay lập tức cam kết tiếp tục di sản của “Tư lệnh” Hugo Chavez và sẽ không có thay đổi chính sách lớn.
Nếu thủ lĩnh phe đối lập Capriles - 40 tuổi, một chính trị gia ôn hòa tôn thờ mô hình Brazil - giành chiến thắng, điều này sẽ dẫn đến những thay đổi lớn và được giới kinh doanh chào đón, mặc dù ông có thể sẽ thay đổi một cách thận trọng để giảm nguy cơ bất ổn chính trị. Trong một thông điệp chia buồn, ông Capriles nói: “Lúc này không phải là thời điểm để khoét sâu những gì ngăn cách chúng ta. Chúng tôi sẽ đảm bảo hòa bình cho đất nước thân yêu này”.
1. Tổng thống tạm thời Nicolás Maduro
Phó Tổng thống Venezuela, Nicolás Maduro Moros.
Nicolás Maduro Moros (sinh ngày 23/11/1962) giữ cương vị Phó Tổng thống Venezuela từ tháng 10/2012 và hiện thời làm Tổng thống tạm quyền, sau khi Tổng thống Chavez qua đời ngày 5/3/2013. Ông từng giữ chức Ngoại trưởng Venezuela từ tháng 8/2006 đến tháng 1/2013.
Ông Maduro bắt đầu sự nghiệp chính trị khi còn là một lái xe buýt và lãnh đạo nghiệp đoàn. Ông được coi là một trong những nhà lãnh đạo Phong trào Cộng hòa thứ 5 (MVR) và đóng vai trò quan trọng trong việc ông Chavez được trả tự do trong năm 1994, sau khi bị bắt giam trong cuộc đảo chính bất thành năm 1992.
Ông Maduro được bầu vào Quốc hội Venezuela trong năm 2000 và 2005. Sau đó ông giữ cương vị Chủ tịch Quốc hội Venezuela từ năm 2005 đến ngày 9/8/2006, khi ông được cử giữ chức Ngoại trưởng Venezuela.
Ngày 10/10/2012, ba ngày sau khi tổ chức cuộc bầu cử tổng thống Venezuela, Tổng thống Chavez đã bổ nhiệm ông Maduro làm Phó Tổng thống. Ông nhậm chức Phó Tổng thống Venezuela ngày 13/10/2012, trong khi vẫn kiêm nhiệm chức Ngoại trưởng.
Ngày 8/12/2012, trong một bài phát biểu trước quốc dân, Tổng thống Hugo Chavez thông báo ông phải sang Cuba điều trị căn bệnh ung thư tái phát. Ông tuyên bố nếu bệnh tình của ông trở nên trầm trọng và cần phải tiến hành một cuộc bầu cử tổng thống mới, cử tri Venezuela nên bỏ phiếu cho ông Maduro để kế tục sự nghiệp của ông. Trong thời gian Tổng thống Chavez điều trị bệnh ung thư, Phó Tổng thống Maduro đã thay ông điều hành đất nước.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy Đảng Xã hội chủ nghĩa Thống nhất Venezuela (PSUV) cầm quyền đã nhắm ông Maduro ra tranh chức tổng thống sắp tới.
2. Thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles Radonski
Thủ lĩnh phe đối lập Henrique Capriles Radonski.
Henrique Capriles Radonski là một chính trị gia người Venezuela. Từ năm 2000 đến 2008, ông Capriles là thị trưởng của Khu tự trị Baruta vùng Caracas. Ông đã bắt đầu chiến dịch tranh cử vào chính phủ bang Miranda năm 2008. Tháng 11/2008, ông Capriles đắc cử chức Thống đốc bang Miranda. Sau khi chiến thắng trong các cuộc bầu cử sơ bộ của phe đối lập, Capriles trở thành ứng cử viên của phe đối lập trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela năm 2012.
Henrique Capriles Radonski sinh ra tại Caracas ngày 11/7/1972. Ông học luật tại Đại học Católica Andrés Bello và trở thành một chuyên gia về pháp luật thương mại vào năm 1994. Ông cũng nghiên cứu pháp luật về thuế tại Đại học Trung ương Venezuela và tham gia các khóa học tại Học viện Thuế Quốc tế IBFD Amsterdam và Đại học Columbia ở New York. Ông là một thành viên của Hiệp hội tài chính quốc tế.
Henrique Capriles được bầu vào Hạ viện Venezuela trong tháng 12/1998, đại diện cho bên COPEI và trở thành nghị sĩ trẻ nhất của quốc hội Venezuela. Ông từng giữ chức Phó chủ tịch Hạ viện cho đến khi tổ chức này bị giải thể vào tháng 8/1999.
Trong tháng 7 năm 2000, Capriles được bầu làm thị trưởng của Khu tự trị Baruta, đại diện cho đảng Primero Justicia (Công lý đầu tiên). Ông đã được tái cử vào tháng Mười năm 2004, với 79% phiếu bầu.
Trong cuộc bầu cử tổng thống Venezuela ngày 7/10/2012, ứng cử viên phe đối lập Henrique Capriles đã giành được gần 44% phiếu bầu, so với hơn 54% tổng số phiếu bầu thuộc về đương kim Tổng thống Hugo Chavez.
Chỉ có điều, giống như cuộc bầu cử tổng thống Venezuela hồi tháng 10/2012 (khi đó ông Capriles chỉ giành được gần 44% tổng số phiếu bầu, trong khi đương kim Tổng thống Chavez ốm yếu vẫn tái đắc cử với tỷ lệ phiếu áp đảo 54%), thủ lĩnh phe đối lập Capriles xem ra ít có cơ may giành chiến thắng.
Theo đài Tiếng nói nước Nga, Phó Giám đốc Viện Mỹ Latinh (LB Nga) Boris Martynov cho rằng trong tương lai gần Venezuela sẽ không có biến động chính trị. Ông Martynov nói: “Tổng thống Chavez đã để lại đông đảo những người ủng hộ và người của ông vẫn có thể nắm giữ quyền lực ở đất nước này. Hiện thời, tương quan lực lượng trong nước vẫn nghiêng về phe của ông Chavez. Trong tương lai gần, sẽ không có chuyện phe đối lập thắng thế. Mặc dù phe đối lập cũng có sức mạnh và có một ứng cử viên duy nhất. Nhưng hãy quá sớm để nói về một sự thay đổi nào đó sau cái chết của Tổng thống Chavez. Rõ ràng là trong một vài năm tới, tình hình Venezuela sẽ vẫn tương đối ổn định”.
Theo Lê Chân
Kiến thức