Bà Park Geun-hye có được bầu làm tổng thống Hàn Quốc?
Nếu Hàn Quốc lần đầu có nữ Tổng thống...
Nếu Park Geun-hye được bầu làm nữ Tổng thống đầu tiên của Hàn Quốc vào ngày mai (19/12), bà sẽ dẫn dắt một đất nước đang xếp hạng dưới Suriname và Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất về bình đẳng giới.
Hành trình của Hàn Quốc vươn từ đói nghèo và chiến tranh tàn phá lên nền kinh tế lớn thứ 4 của châu Á đã không gắn với nhiều thành tích đưa phụ nữ vào các vị trí quyền lực cả về chính trị lẫn thương mại ở một đất nước mà theo nhiều phương diện vẫn còn rất bảo thủ.
Phụ nữ chỉ chiếm vỏn vẹn 15% số ghế tại Quốc hội, và trong lĩnh vực tư nhân, chỉ 12% vị trí quản lý tại 1.500 công ty lớn. Họ kiếm được ít hơn 40% so với nam giới, khoảng cách thu nhập lớn nhất trong nhóm các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Nhằm cải thiện tình trạng này, Park cùng với những người ủng hộ bà khẳng định việc chọn nữ ứng viên này vào Nhà Xanh sẽ dọn đường cho việc tăng thêm nữ quyền nói chung.
"Mọi người tiếp tục nói về thay đổi và cải cách... nhưng việc bầu chọn nữ tổng thống đầu tiên của đất nước sẽ là thay đổi lớn nhất và là cải cách chính trị lớn nhất mà chúng ta từng đạt được", bà Park phát biểu trước một nhóm lãnh đạo nữ. "Các bạn không thể đạt được cuộc cách mạng dành cho nữ giới trừ phi bạn nắm bắt cơ hội này. Hãy cùng làm cho điều đó xảy ra", chính trị gia 60 tuổi nói.
Đảng Mặt trận Mới (NFP) dưới sự lãnh đạo của Park Geun-hye đã gọi bà là "Nữ Tổng thống đã sẵn sàng", một khẩu hiệu trong hầu hết các bài phát biểu và poster tranh cử của bà. "Sẽ không có tiến bộ nào trong nền dân chủ và lịch sử hiến pháp của chúng ta quan trọng hơn việc có nữ Tổng thống đầu tiên", một phát ngôn viên của đảng khẳng định.
Nhưng không phải tất cả đều tin hình ảnh của Park là một hình mẫu cho 24 triệu phụ nữ ở Hàn Quốc, với phe chỉ trích cho rằng sự nổi tiếng của ứng viên này chủ yếu là nhờ cha bà, nhân vật quyền lực quá cố Park Chung-Hee.
Park Geun-Hye chưa từng lập gia đình, và từ lâu bà nhận được sự cảm thông từ tầng lớp cử tri bảo thủ cao niên vì họ xem bà như một nữ vương bất hạnh đã mất cả cha lẫn mẹ trong các vụ ám sát nhưng vẫn vươn dậy từ đau thương.
Tuy nhiên, những người như Kim Eun-Ju, Giám đốc điều hành Trung tâm Phụ nữ và Chính trị Hàn Quốc, thì không thấy ở bà Park một nỗ lực cải thiện nữ quyền thực sự nào.
"Trong 15 năm qua, Park thể hiện rất ít nỗ lực rõ ràng của một nhà hoạch định chính sách trong việc giúp phụ nữ trong chính trị hoặc bất cứ lĩnh vực nào khác", bà Kim nói.
Đảng của bà Park cũng có thành tích khá nghèo nàn về các vấn đề của phụ nữ và được biết đến nhiều hơn về các sai lầm của các thành viên nam. Lee Jae-Oh, một nhân vật có ảnh hưởng trong đảng và là đối thủ của bà Park trong cuộc đua giành sự đề cử ứng viên Tổng thống, từng cho rằng phụ nữ không phù hợp với việc lãnh đạo, bởi vì họ được miễn 2 năm nghĩa vụ quân sự vốn bắt buộc đối với tất cả các nam giới Hàn Quốc.
Một nhà lập pháp khác của NFP đã bị khai trừ khỏi đảng hồi năm 2010 vì gợi ý các nữ phát thanh viên truyền hình nên đổi tình dục lấy sự thuận lợi trong nghề nghiệp.
Trong chiến dịch của mình, bà Park cam kết sẽ thúc đẩy hỗ trợ tài chính cho chăm sóc trẻ nhỏ, cung cấp sáng kiến để các công ty tuyển dụng thêm lao động nữ, và đòi các đảng chính trị phải dành ra 40% số đề cử ứng viên bầu cử cho phụ nữ. Tuy nhiên, một số phụ nữ có uy tín ở Hàn Quốc như Kang Kum-Sil, Bộ trưởng Tư pháp đầu tiên năm 2003-2004, nghi ngờ thái độ đột ngột của bà Park đối với các cử tri nữ sau cả thập niên gần như im lặng về các mục đích họ. Bà cho rằng "là một phụ nữ không phải là công cụ mà bạn có thể sử dụng trong nỗ lực nhằm giành thêm phiếu bầu".
Hồi đầu năm nay, Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp Hàn Quốc ở vị trí thứ 108 trong tổng số 135 nước mà tổ chức này khảo sát về bình đẳng giới, ngay sau Các Tiểu vương quốc và trước Kuwait. Nước này ghi điểm đặc biệt thấp về sự tiếp cận của phụ nữ giới đối với đời sống kinh tế, đứng ở vị trí 116.
Kim Eun-Ju không tin một sự thay đổi 180 độ sẽ diễn ra tiếp sau việc bầu chọn một Tổng thống nữ ở Hàn Quốc.
"Có lẽ, có một phụ nữ ở vị trí đứng đầu chính phủ sẽ làm thay đổi quan điểm của các công chức cấp cao mà vốn chủ yếu là đàn ông và những người bảo thủ", bà Kim nói. "Nhưng trước hết, chúng ta phải xem liệu bà ấy có thể được bầu làm Tổng thống ở một đất nước như thế này không đã".
Theo Thanh Hảo
Vietnamnet/BT