“Cha truyền con nối” trong nền chính trị châu Á: Con vua nhiều cửa làm vua
Nhìn từ phương diện ảnh hưởng của văn hóa tới chính trị, làn sóng thay ngôi đổi vị mới diễn ra gần đây ở khu vực Đông Bắc Á cho thấy, xã hội ở các quốc gia châu Á có thái độ khoan dung hơn đối với việc kế thừa quyền lực của các dòng họ, nếu không muốn nói là còn rất ủng hộ xu thế này.
Con vua nhiều cửa làm vua
Tại Hàn Quốc, ngày 25/2 tới, nữ chính trị gia Park Geun-hye sẽ chính thức nhậm chức Tổng thống. Người đàn bà cứng cỏi này là con gái trưởng của nhà độc tài Park Chung-hee, từng trị vì ở Hàn Quốc trong một cơ chế rất khắc nghiệt từ 1961 đến 1979.
Tại Trung Quốc, từ ngày 15/11/2012, chức Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đã được giao cho ông Tập Cận Bình, con trai của cố Phó Thủ tướng Tập Trọng Huân.
Trên “hòn đảo Mặt trời mọc”, đương kim Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, được chỉ định từ ngày 26/12/2012, là cháu trai và cháu trai lớn của hai cựu Bộ trưởng Thủ tướng Nhật Bản. Cha ông cũng từng là Bộ trưởng Ngoại giao…
Tại CHDCND Triều Tiên, nhà lãnh đạo tối cao đương nhiệm là ông Kim Jong-un, kế thừa vị trí của ông nội là lãnh tụ Kim Nhật Thành do người cha Kim Jong-il giao lại…
Hệ thống “cha truyền con nối” này không chỉ giới hạn đối với các nước Đông Bắc Á. Đương kim Tổng thống Philippines Benigno Aquino III chẳng hạn, cũng là con trai của cựu Tổng thống Corazon Aquino.
Thủ tướng Malaysia Najib Abdul Razak và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long cũng là con trai của các cựu Thủ tướng ở các nước đó.
Tại Ấn Độ, Tổng Thư ký đảng Quốc đại Rahul Gandhi đang sống trong cảnh chờ đợi để sẵn sàng kế thừa vị trí Thủ tướng của ông cố Jawaharlal Nehru của ông, bà nội Indira Gandhi và người cha Rajiv Gandhi.
Chủ tịch đảng Nhân dân Pakistan, Bhutto Zardari Bilaval, là con trai của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari và cố nữ Thủ tướng Benazir Bhutto đã bị ám sát trong một vụ tấn công khủng bố. Ông nội của ông là cố Thủ tướng Zulfikar Ali Bhutto…
Không có bình yên
Không thể phủ nhận được rằng, việc thừa kế quyền lực từ bậc tiền bối khả kính thường giúp cho các ứng cử viên chính trị có được những lợi thế hơn so với đối thủ. Tuy nhiên, thực tế cũng cho thấy, yếu tố con ông cháu cha hoàn toàn không phải là sự đảm bảo một thành công chắc chắn. Có thể thấy rõ điều này qua những chìm nổi của nữ cựu Tổng thống Philippines Gloria Macapagal-Arroyo. Cha bà là một nhân vật chính trị có uy tín nhưng cũng là một chính khách khét tiếng tham nhũng vào loại bậc nhất đảo quốc này.
Vấn đề chính là thái độ của các nhà lãnh đạo chính trị đối với các quyền hạn của mình khi họ nhậm chức. Nếu họ quá tự tin về ưu thế gia tộc theo kiểu “con vua thì lại làm vua” thì họ kiểu gì cũng sẽ vấp phải những thách thức rất dễ dẫn tới thất bại, như trong trường hợp của bà Gloria Macapagal-Arroyo. May thay ở Đông Á, đại đa số các chính trị gia con dòng cháu giống đều ý thức được trách nhiệm của mình là phải làm sao để không hổ mặt những thế hệ đi trước.
Cũng cần phải thấy rằng, không phải ai trong số những hậu duệ của các bậc tiền bối danh giá cũng được đi trên những con đường bằng phẳng. Tổng Bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình là một thí dụ. Sau khi cha của ông mất chức phó thủ tướng năm 1962 và bị khai trừ khỏi Đảng do những bất đồng ý kiến với cách trị quốc của lãnh tụ Mao Trạch Đông, chàng trai trẻ Tập Cận Bình đã hòa mình vào quần chúng và tham gia rất nhiều công việc “chân lấm tay bùn” ở dưới cơ sở ngay từ khi chưa diễn ra cuộc cách mạng văn hóa ở Trung Quốc.
Ông đã trực tiếp nếm trải bằng chính bản thân mình những gian khó và thiếu thốn mà thế hệ của ông phải chịu. Và khi vươn lên được tới những đỉnh cao chính trị, ông không có cảm giác như tất cả đều mắc nợ với ông. Thậm chí ông còn tự ý thức được trách nhiệm to lớn hơn so với những người khác và muốn chứng minh rằng, những gì ông đạt được là do những nỗ lực cá nhân vượt bậc chứ không phải do những thuận lợi vì hoàn cảnh xuất thân.
Ông Tập Cận Bình hơn ai hết hiểu rất rõ, thế hệ thứ hai trong các gia đình quan chức ở Trung Quốc hiện nay đang có nguy cơ làm cho nhân dân bất mãn và nổi giận vì họ đã tích lũy được quá nhanh và quá dễ dàng những gia sản khổng lồ của mình. Chính vì thế ngay sau khi nhậm chức tổng bí thư, ông đã quan tâm rất sít sao tới cuộc đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng. Ông ý thức được rằng, nếu ông không thành công trong cuộc đấu tranh này thì tương lai chính trị của cá nhân ông cũng như của chế độ sẽ phải đối diện với những nguy cơ không nhỏ.
Cũng một gánh nặng tương tự như thế đang được đặt lên vai bà Park Geun-hye ở Hàn Quốc. Con đường dẫn người con gái trưởng của nhà độc tài Park Chung-hee tới đỉnh cao chính trị hoàn toàn không bằng phẳng và sẽ rất không dễ dàng. Không thể phủ nhận được cha bà đã có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc đưa Hàn Quốc thoát khỏi đói nghèo và biến đất nước này thành một “con hổ kinh tế” trên quy mô thế giới.
Tuy nhiên, Park Chung-hee đã trở thành một biểu tượng gắn liền với bạo lực và đàn áp. Cộng thêm vào đó, Tổng thống là một vị trí rất bạc ở chính trường Hàn Quốc, quá nhiều nhân vật tiền nhiệm của bà Park Geun-hye đã kết thúc sự nghiệp trong tình trạng thân bại danh liệt.
Hai cựu Tổng thống Roh Tae-woo và Chun Doo-hwan đã từng bị truy tố. Nguyên Tổng thống Roh Moo-hyun đã nhảy xuống vực sâu tự tử... Hiện nay ở Hàn Quốc cũng đang có những tin đồn đầy ác ý về tương lai của vị Tổng thống sắp mãn nhiệm Lee Myung-bak…
Không ai hoài nghi rằng, trong thế giới hiện đại, Hàn Quốc là một quốc gia thành công, có đầy đủ những yếu tố để trở nên nổi bật. Về mặt lý thuyết mà nói, một đất nước như thế sẽ ghi nhận những thành tựu kinh tế và văn hóa của họ. Trong thực tế, là một quốc gia nhỏ bị bao quanh bởi không ít những người hàng xóm có vấn đề, lúc nào cũng có thể gây nên những căng thẳng liên đới, Hàn Quốc luôn phải sống trong những nỗi lo toan không dứt.
Trên cương vị tổng thống sắp tới, bà Park Geun-hye với một chiến thắng trong bầu cử đã không làm giảm thái độ hai chiều của người dân đối với cha bà, và bà cần phải biết rằng, để loại bỏ những vực sâu chia rẽ các giai tầng trong xã hội Hàn Quốc sẽ là một thách thức không nhỏ...
Với Ấn Độ, công việc khó khăn nhất đang chờ đợi Tổng Thư ký đảng Quốc đại Rahul Gandhi. Cho tới thời điểm hiện nay không có một chính đảng nào khác ngoài đảng Quốc đại đã đóng vai trò nổi trội trong nền chính trị của Ấn Độ kể từ khi giành được độc lập; và đó chính là nhân tố khiến cho trong tương lai trên chính trường nước này sẽ nảy sinh những liên minh mạnh mẽ và hung hăng nhất làm đối trọng.
Và trong những điều kiện như thế, điều mà Ấn Độ, cần hơn bất cứ thứ gì chính là một bàn tay cầm lái rất cứng cáp. Tuy nhiên, cho tới nay, Tổng Thư ký đảng Quốc đại Ấn Độ Rahul Gandhi (sinh năm 1970) vẫn tỏ ra là một chính trị gia với quá nhiều sự lưỡng lự, tương tự như chàng hoàng tử Đan Mạch Hamlet luôn đau đáu với câu hỏi “Tồn tại hay không tồn tại?”. Lẽ ra ông đã có thể trở thành nguyên thủ quốc gia từ vài năm trước, nếu ông thực sự muốn điều này. Thế nhưng, sự lưỡng lự của ông đã bộc lộ những lo lắng nội tâm sâu sắc đối với sự nghiệp chính trị tương lai…
Cho đến thời điểm hiện tại, sự lưỡng lự của ông Rahul Gandhi khiến người ta vẫn có thể hiểu được. Thành phần xuất thân không phải là yếu tố đảm bảo chắc ăn cho các chính trị gia “cành vàng lá ngọc”.
Thủ tướng Malaysia Najib Abdul Razak đã hết sức nỗ lực để xốc lại khối đoàn kết đất nước bằng thông điệp “1 Malaysia”. Trong khi đó, đang tồn tại những dấu hiệu cho thấy vào năm 2013, đất nước Đông Nam Á này sẽ phải đối mặt với những sự lựa chọn khó khăn. Tất nhiên, tình hình không phải là tuyệt vọng vì ít có khả năng liên minh Mặt trận quốc gia (Barisan National) của ông sẽ bị tan rã. Những người tiền nhiệm của ông Razak cũng đều chưa từng bị đối mặt với một viễn cảnh như thế.
Tại Nhật Bản, tất cả mọi người đều cho rằng ông Shinzo Abe (sinh năm 1954) đã tỏ ra kém cỏi trong những nỗ lực đầu tiên thực thi chức phận Thủ tướng ở thời điểm những năm 2006-2007, dù đã có ở trong nhà những bậc tiền bối lừng lẫy. Hiện tại, ông Abe đã phải tiếp nhận đất nước trong một tình trạng thậm chí còn khó khăn hơn trước nhiều, với những thách thức đáng kể cả ở bên trong lẫn bên ngoài. Chỉ có một số rất ít người đang đặt cược rằng ông sẽ thành công trên cương vị thủ tướng...
Tóm lại, các mô hình châu Á trong việc chuyển giao quyền lực theo kiểu “con vua thì lại làm vua” không mặc nhiên loại trừ các vấn đề mà phần thế giới còn lại đang phải đối mặt. Lục địa này hiện nay đã tạo ra một tầng lớp trung lưu lớn nhất thế giới, với mức tăng dự kiến nhiều hơn gấp ba lần từ 500 triệu đến 1,75 tỷ vào năm 2020. Cũng chính vì thế nên các quốc gia trong khu vực cần phải có những chính phủ cực kỳ trách nhiệm và tinh xảo. Trong bối cảnh đó, có thể nói rằng, ở châu Á ngày hôm nay, “không có bình yên trong những cái đầu đội vương miện”…
Theo Phương Hà
Công an Nhân dân