'Cứ điểm' Him Lam
Nếu xếp theo vốn điều lệ, Him Lam nằm trong top doanh nghiệp bất động sản lớn nhất với 6.500 tỉ đồng.
- 02-05-2012Dương Công Minh - Ông chủ Him Lam, LienViet PostBank
- 02-02-2014Bất động sản Him Lam như “ngọa hổ tàng long”
- 25-12-2010Chủ tịch HĐQT Him Lam - Liên Việt: “Cuộc đời tôi không có thất bại”
Câu trả lời mà chúng tôi có được là một doanh nghiệp trong nước, đứng đầu là một doanh nhân đầy bí ẩn và hầu như không xuất hiện trên truyền thông. Đó là Tập đoàn Him Lam của ông Dương Công Minh, nơi ông giữ vị trí Chủ tịch Hội đồng Quản trị và nắm tới 99% vốn.
Từ “cứ điểm” Him Lam
Nếu xếp theo vốn điều lệ, Him Lam nằm trong top doanh nghiệp bất động sản lớn nhất với 6.500 tỉ đồng. VinGroup, tập đoàn bất động sản được xem là lớn nhất đang niêm yết trên sàn chứng khoán, có vốn điều lệ gần 9.300 tỉ đồng.
Him Lam được ông chủ Dương Công Minh gầy dựng bằng một quá trình gần 20 năm, nhưng trên website Him Lam ngoài thông tin về hoạt động từ thiện thường xuyên được cập nhật, những thông tin về kinh doanh lại rất ít ỏi.
Ông Minh sinh năm 1960, quê Quế Võ, Bắc Ninh. Ông tốt nghiệp Cử nhân chuyên ngành Vật giá năm 1984 tại Đại học Kinh tế Kế hoạch (nay là Đại học Kinh tế Quốc dân). Trước khi ra kinh doanh, ông Minh từng là đại tá trong quân đội và có hơn 13 năm làm quản lý tại các doanh nghiệp quân đội.
Cái tên Him Lam cũng xuất phát từ nguồn gốc ấy. “Tên Him Lam được chọn là vì đây là địa danh gắn với chiến dịch Điện Biên Phủ lừng lẫy năm châu chấn động địa cầu. Chúng tôi muốn công ty của mình cũng gây được tiếng vang như thế trong tương lai”, ông Trần Văn Tĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn Him Lam, giải thích trong một lần trả lời phỏng vấn. Ông Trần Văn Tĩnh cũng xuất thân từ quân đội và là anh họ của ông Minh.
Dương Công Minh ra riêng bằng việc thành lập Công ty Trách nhiệm Hữu hạn Thương mại Him Lam, chủ yếu là xuất nhập khẩu trái cây qua Trung Quốc. Tuy nhiên, sau một lần đi buôn bị lỗ, ông phải bán nhà để trả nợ.
“Khi bán nhà tôi bị dịch vụ “chém” đau. Nhà tôi nếu bán là 350 triệu đồng nhưng hợp thức hóa giấy tờ mất 50 triệu. 50 triệu nhiều quá, tôi tự đi làm, tổng cộng hết chỉ 3 triệu. Tôi lập luôn công ty hợp thức hóa nhà đất với chi phí chỉ 20 triệu”, ông Minh nói về cơ duyên đến với lĩnh vực bất động sản trong một lần hiếm hoi trò chuyện về cuộc đời vào cuối năm 2010 với Học viện Lãnh đạo FPT.
Sau lĩnh vực dịch vụ, ông Minh bước vào phát triển dự án và xây dựng nhà ở. Khởi đầu với một dự án nhà ở tạu TP.HCM, nhưng hiện tại Him Lam đã vươn ra thực hiện nhiều dự án đô thị lớn trên cả nước. Theo thông tin công bố trên website của Him Lam, tập đoàn này có khoảng 30 dự án bất động sản lớn nhỏ đã và đang đầu tư, với tổng số vốn hơn 20.000 tỉ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực nhà ở, khu đô thị mà hầu hết mọi công ty phát triển bất động sản đều tham gia, một lĩnh vực nổi bật khác của Him Lam là kinh doanh sân golf. Dự án đầu tiên của Him Lam trong lĩnh vực này là khu liên hiệp sân tập golf, nhà hàng, phòng hội nghị Him Lam - Ba son tại đường Nguyễn Hữu Cảnh, quận Bình Thạnh, TP.HCM được hoàn thành vào năm 1999.
Hiện nay ngoài Him Lam - Ba Son, Him Lam hợp tác với một số đối tác đã đầu tư vào các dự án sân golf Long Biên (Hà Nội), dự án sân golf Tân Sơn Nhất (TP.HCM) và sắp tới có thể là một dự án sân golf nữa ở quận 2 mà tập đoàn này vừa mua lại 48% cổ phần.
Nếu như với lĩnh vực nhà ở giúp ông Minh “lấy tiền” của người bình dân và trung lưu thì việc nghĩ đến kinh doanh sân golf từ rất sớm (năm 1999) là cách để ông “lấy tiền” của tầng lớp người giàu bắt đầu hình thành và tăng trưởng nhanh tại Việt Nam.
Theo ông Tĩnh, Tổng Giám đốc Him Lam, người giàu bao giờ cũng có nhu cầu tìm đến những nơi vừa làm việc vừa có thể giải trí; không thể bắt doanh nhân làm một nơi rồi phải bay đi nơi khác giải trí. Và golf là một loại hình giải trí rất được giới doanh nhân, nhất là doanh nhân nước ngoài, ưa chuộng.
>> Dương Công Minh - Ông chủ Him Lam, LienViet PostBank
Xem phần sau: “Mặt trận” Liên Việt