Cuộc đời Cốc Khai Lai: Jackie Kennedy Trung Quốc
Thăng trầm một đời hồng nhan.
- 01-08-2012Vụ án Bạc Hy Lai: Triệu tập 'thế tử' Bạc Qua Qua
- 01-08-2012Ông Bạc Hy Lai từng “bất khả chiến bại”
- 01-08-2012Vợ Bạc Hy Lai có thể ra tòa sớm
Xinh đẹp, quyến rũ, tài giỏi, vợ của một ngôi sao chính trị đang lên ở Bắc Kinh, bà Cốc Khai Lai được báo chí phương Tây so sánh với Jacqueline (Jackie) Kennedy, cựu đệ nhất phu nhân Mỹ
Mọi so sánh đều khập khiễng nhưng quả tình bà Cốc Khai Lai, phu nhân ông Bạc Hy Lai, cựu ủy viên Bộ Chính trị, bí thư Thành ủy Trùng Khánh, có những nét tương đồng với bà Jackie Kennedy, vợ cố tổng thống Mỹ nổi tiếng John F. Kennedy.
Danh gia vọng tộc
Cốc Khai Lai là một phụ nữ xinh đẹp, yêu kiều, tao nhã, học giỏi, có địa vị cao sang trong xã hội, con dòng cháu giống. Theo China Times, bà xuất thân từ một gia đình danh tiếng, bên ngoại có người từng làm quan triều đình nhà Tống (960-1279).
Truyền thông Trung Quốc rất hà tiện về thông tin liên quan đến bà Cốc Khai Lai. Không rõ bà là người tỉnh nào, chỉ biết rằng bà sinh ngày 15-11-1958, con út trong một gia đình có 5 chị em gái. Cha bà là Cốc Cảnh Sơn, một vị tướng nổi tiếng của Giải phóng quân Trung Quốc. Cũng có tin ông từng làm phó bí thư khu tự trị Tân Cương.
Thời Cách mạng văn hóa (1966-1976), cha bà bị bắt, những người trong gia đình cũng bị trừng phạt. Tám tuổi đầu, bà Cốc phải đi làm ruộng, giết mổ heo và làm thợ dệt để sinh nhai. Điều này không hề làm cho bà nản chí.
Sau Cách mạng văn hóa, bà Cốc học luật và tốt nghiệp thạc sĩ chính trị quốc tế tại Trường Đại học Bắc Kinh, nơi đào tạo những người nổi tiếng của Trung Quốc, trong đó có ông Bạc Hy Lai, từng là sinh viên Khoa Sử và Báo chí.
Chuyện tình của bà Cốc Khai Lai khá lãng mạn. Theo lời bà kể trên một tờ báo Trung Quốc, bà gặp ông Bạc Hy Lai trong một chuyến đi thực tập ở huyện Kim, tỉnh Liêu Ninh năm 1984. Lúc đó, ông Bạc là bí thư huyện ủy đã có vợ và có một đứa con, lớn hơn bà 9 tuổi. Mối tình này mãnh liệt đến nỗi có tin bà đã từ chối một suất học bổng của Mỹ, ở lại quê nhà để được gần gũi người yêu.
Người vợ đầu của ông Bạc nghe đâu bị cha ông Bạc là Bạc Nhất Ba, từng làm bộ trưởng tài chính Trung Quốc, dùng thế lực thúc ép phải ly dị để ông Bạc cưới bà Cốc năm 1986. “Thái tử đỏ” Bạc Qua Qua chào đời một năm sau.
Trong một đất nước mà vợ của các nhà lãnh đạo đảng thường được coi và được khuyến khích là bình hoa trang trí, bà Cốc Khai Lai lại hoạt động quá nổi và chói sáng với hình ảnh một nữ luật gia đi nước ngoài như đi chợ, nói tiếng Anh lưu loát, lấy tên tiếng Anh là Horus L. Kai. Horus là tên nữ thần chiến tranh, mặt trời và bầu trời của Ai Cập.
Thăng trầm một đời hồng nhan
Năm 1995 - năm ông Bạc làm phó bí thư Thành ủy Đại Liên chuẩn bị lên chức bí thư - bà Cốc thành lập Công ty Luật Khai Lai ở Đại Liên và sau đó chuyển về Bắc Kinh. Bà giúp một số công ty ở Đại Liên thắng kiện ở Mỹ.
Ed Byrne, luật sư Mỹ từng làm việc chung với bà Cốc, khen bà “thông minh, uy tín và quyến rũ”. Bà cũng đúc kết kinh nghiệm nghề nghiệp trong 2 cuốn Tôi là luật sư của Mã Tuấn Nhân và Làm thế nào để thắng kiện ở Mỹ. Mã Tuấn Nhân là huấn luyện viên điền kinh Trung Quốc tham dự Olympic bị tố cáo cho học trò dùng doping. Trong cuốn sách thứ 2, bà Cốc có một câu nói nổi tiếng trong giới luật sư: “Gan dạ quan trọng hơn kinh nghiệm”.
Thế nhưng lần này, dính vào vụ án cố sát doanh nhân người Anh Neil Heywood, không biết bà Cốc Khai Lai liệu có thắng nổi Tòa án Nhân dân Trung cấp Hợp Phì, tỉnh An Huy, nơi sắp xét xử bà và đồng phạm Trương Hiểu Quân, một người tâm phúc của bà?
Vụ án khiến ông Bạc Hy Lai gián tiếp bị thất sủng, mất tất cả và bị bắt giam từ tháng 3-2012. Đây là một thất bại quá lớn vì ông là một nhân vật thuộc “thế hệ lãnh đạo thứ 5” nắm quyền lãnh đạo Trung Quốc sau đại hội đảng lần thứ 18 này. Số phận bà Cốc cũng chưa biết ra sao, tính mạng có được an toàn hay không. Trong khi đó, truyền thông Trung Quốc và quốc tế “mổ xẻ” bà không thương tiếc.
Nói bà là Jackie Kennedy Trung Quốc là còn thương tiếc một hồng nhan, một tài năng. Trên mạng Trung Quốc, một số cư dân mạng gọi bà là Lady Macbeth, một nhân vật trong vở kịch Macbeth của đại văn hào Anh William Shakespeare. Bà Macbeth xúi chồng giết vua để làm hoàng hậu. Bị lương tâm giày vò, sau đó bà tự tử. Không biết bà Cốc có hối hận khi ra tay đầu độc Neil Heywood hay không nhưng tử thần có thể gọi tên bà nếu Tòa án Hợp Phì xét thấy bà phạm tội cố sát.
Theo báo The New York Times, bằng cách chính thức buộc tội bà Cốc cố sát, Bắc Kinh cố ý mô tả một mệnh phụ phu nhân là “nham hiểm, khát máu và lăng loàn” do hám tiền mà làm tiêu tan sự nghiệp của chồng.
Hồng Hoàng, tổng biên tập một tạp chí thời trang Trung Quốc, nhận định: “Trong suốt lịch sử Trung Quốc, khi xảy ra đấu đá quyền lực, nếu có ai đó ngã ngựa, người ta đổ lỗi cho vợ”. Mẹ của nhà báo này vốn là người dạy tiếng Anh cho Chủ tịch Mao Trạch Đông từng bị quản thúc tại nhà vì liên quan đến “Tứ Nhân Bang”. Bà Giang Thanh - phu nhân của chủ tịch Mao, một trong “bè lũ 4 tên” và người đóng vai trò quan trọng trong cuộc đại Cách mạng Văn hóa - cũng bị kết án tử hình, sau đó giảm xuống còn án chung thân sau khi ông Mao qua đời năm 1976.
Theo Nguyễn Cao
Người lao động