Đặng Lê Nguyên Vũ và những phát ngôn gây sốc
Ông chủ Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ được biết đến là người hiếu chiến và có nhiều phát ngôn gây sốc.
"Starbucks không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường"
Trong một bài phỏng vấn được đăng tải trên Reuter vào tháng 11 vừa qua, ông Đặng Lê Nguyên Vũ, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Trung Nguyên cho biết: “Tham vọng của chúng tôi là trở thành một thương hiệu toàn cầu. Starbucks thật giỏi trong vấn đề in sâu một câu chuyện vào tâm trí người tiêu dùng, nhưng nếu chúng ta nhìn vào những yếu tố cốt lõi của họ, những gì mà họ đang làm dở tệ”, ông Vũ nhận xét. “Họ không bán cà phê, mà đang bán nước có mùi cà phê pha với đường”.
Ngay sau phát ngôn này, CEO Nguyên Vũ đã tiến hành hàng loạt hoạt động quảng bá cho thương hiệu của mình ngay trong nước. Ông đã cùng 3.000 nhân viên đồng loạt xuống đường tiếp thị sản phẩm công ty và quảng bá cho thương hiệu Việt tại các chợ, đường phố tại TP HCM, đưa ra sản phẩm mới cafe Hương Chồn.
“Tôi từng thắng đối thủ mạnh hơn Starbucks”
Đó là phát ngôn của ông chủ Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ trước tình hình đối thủ cạnh tranh - người khổng lồ Starbucks vừa xuất hiện tại thị trường Việt Nam.
Doanh nhân Đặng Lê Nguyên Vũ nhận định: “Chúng tôi thua các thương hiệu thế giới về hạ tầng vật chất, sức mạnh tài chính, kỹ năng quản trị, về lịch sử của thương hiệu... nhưng đừng nhìn vào những cái đó vì nếu so sánh như thế thì Trung Nguyên thua xa lắm.
Nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực gấp 10 lần, thậm chí hàng trăm lần họ. Hãy cho Trung Nguyên thời gian! Thực tế là Nestle có sức mạnh gấp nhiều lần Starbucks và chúng tôi đã thắng họ tại Việt Nam”.
Ông chủ Trung Nguyên cũng bày tỏ tham vọng chinh phục nước Mỹ, thuyết phục được người Mỹ rằng Trung Nguyên khác biệt và hay hơn Starbucks từ quan điểm cà phê, mô hình cho tới tất cả sản phẩm, dịch vụ... “Chúng tôi cho rằng, nếu chinh phục được thị trường Mỹ thì có thể chinh phục được toàn cầu”, ông Vũ cho biết.
"Tôi không vĩ cuồng"
“Từ tay trắng thành anh hùng”, “Vua cà phê Việt” là cách Forbes miêu tả về Đặng Lê Nguyên Vũ – ông chủ Tập đoàn cà phê Trung Nguyên. Vừa là nhà nghiên cứu, nhà khoa học và kiêm luôn cả chính trị gia, những phát ngôn của ông luôn được giới truyền thông chú ý, dư luận lắng nghe và bàn luận sôi nổi.
Mới đây, trên một trang báo nước ngoài, người được coi là “vua cà phê Việt” tâm sự: "Tôi muốn làm lãnh đạo cà phê thế giới".
Khi được hỏi rằng, ông nghĩ sao khi bị mọi người nhận xét là cuồng ngôn, ông nói: "Tôi cũng xin nói với các bạn thế này, một con chim sẻ nó không thể hiểu một con đại bàng như thế nào hết, nguyên tắc con chim sẻ nó cứ mổ chốc chốc dưới đất, còn con đại bàng, bay ngược trên trời, cái nhìn của nó xa, rộng hơn nhiều. Tất nhiên, đại bàng cũng có lúc phải sống ở vách đá cheo leo…
Ai nhận xét tôi cuồng ngôn? Quan điểm của tôi, khi tôi nói, tôi là số đông, còn người nghe là số ít, hiểu được bao nhiêu thì hiểu. Anh càng đi nhiều thì sẽ càng hiểu. Tôi đã gặp các giáo sư tên tuổi, lỗi lạc nhiều lắm rồi, anh phải tư duy với cách nhìn toàn cầu. Chúng tôi không phải vĩ cuồng mà bạn phải nhìn nhiều và rộng hơn".
“Nước khác làm được thì Việt Nam làm được”
Ngày 5/6/2013, tại khách sạn Movenpick – 83 Lý Thường Kiệt (Hoàn Kiếm, Hà Nội), cùng với Đại sứ Israel tại Việt Nam – bà Meirav Eilon Shahar, Chủ tịch Trung Nguyên Đặng Lê Nguyên Vũ giới thiệu cuốn sách Start-up Nation tới đông đảo bạn đọc.
Start-up Nation nhằm giúp người Việt giải mã hiện tượng Israel thông qua nhiều câu chuyện kỳ thú làm toát lên phẩm chất vượt trội của con người và đất nước Israel, từ đó khởi động tâm thế và tinh thần kiến quốc khởi nghiệp của người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ.
“Bạn hãy đọc sách và mài chí để hành động cho một Việt Nam hùng mạnh, ảnh hưởng và trường tồn, trước mọi mối đe dọa - thiên tạo lẫn nhân tạo. Người khác làm được thì ta làm được. Nước khác làm được thì nước ta làm được. Ta nhất định làm được. Tôi nguyện sát cánh bên bạn”, ông Đặng Lê Nguyên Vũ chia sẻ.
Tuy nhiên, phát ngôn này của ông bị cho là khá khiên cưỡng. Bởi lẽ, tình hình kinh tế xã hội cũng như hoàn cảnh thực tiễn của mỗi quốc gia là không giống nhau. Nếu cố tình gượng ép, bắc chước theo mô hình của một quốc gia nào đó mà không tính toán đến tình hình thực tế hiện tại sẽ khiến cho mọi thứ rơi vào tình trạng rập khuôn, máy móc.
Theo Thanh Thảo
Soha/Trí thức trẻ