MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đào Hương - Nữ tỷ phú người Huế nức tiếng trên đất Lào

04-04-2014 - 10:47 AM |

Dù chỉ nấu một nồi chè, nồi bún hay làm một rổ bánh gai đều phải thật ngon, người mua có thể không nhiều tiền nhưng ai cũng muốn ăn ngon.

Nội dung nổi bật:
- Bà Lê Thị Lượng, người Huế, lập nghiệp ở Lào, thường được gọi là Đào Hương (Dao Heuang là tên tiếng Lào của doanh nghiệp của bà).
Kinh doanh đủ nghề: 
+ Ban đầu, bà từng bán bún, bánh, chè kem,... và rất đắt khách. Dù chỉ nấu một nồi chè, nồi bún hay làm một rổ bánh gai đều phải thật ngon, người mua có thể không nhiều tiền nhưng ai cũng muốn ăn ngon. 
+ Sau đó bà mở công ty để tiện kinh doanh, nhập mì chính, sữa, nước mắm, đường, dầu ăn... từ Thái Lan về bán. Nhờ nhạy bén kinh doanh, bà xin mở các cửa hàng miễn thuế ở cửa khẩu Việt - Lào, xây dựng lại chợ cháy, kinh doanh nước tinh khiết đóng chai, đầu tư trồng cây cà phê, sản xuất trà xanh, trái cây sấy, cà phê... 
+ Hiện tại công ty của bà đang nghề trồng và sản xuất cà phê, tạo nên thương hiệu cà phê hòa tan Dao, xuất khẩu sang nhiều nước như Trung Quốc, Thái Lan, thậm chí là Nhật Bản và Mỹ. Cà phê Dao cũng đã bắt đầu bán ở Việt Nam.
- Bí quyết: Nhận thấy làm được cái gì ra tiền là làm, dám dấn thân với cái mới, học hỏi kinh nghiệm, đầu tư bài bản, muốn phân phối và marketing tốt thì sản phẩm phải ngon, biết "nhìn người" để hợp tác.



"Tên của tôi là Lê Thị Lượng nhưng khắp tỉnh Chămpasăk người ta đều gọi tôi là Đào Hương (Dao Heuang). Theo cắt nghĩa của người Lào, Dao Heuang là ngôi sao sáng, nên đặt tên này cho công ty, tôi chỉ có ước mơ nho nhỏ là công ty của mình luôn phát triển, đi lên mỗi ngày. Tôi không nghĩ Đào Hương lại gắn với tôi thành tên gọi, và điều hạnh phúc là nó đã trở thành thương hiệu uy tín, được nhiều người yêu mến", bà Đào Hương, Chủ tịch Tập đoàn Đào Hương, chia sẻ.

* Xin lỗi cắt lời bà, với một công ty có tên tuổi, nhiều người biết đến là đương nhiên, nhưng điều gì khiến bà cảm nhận nhiều người yêu mến mình?

- Đó là cả một chặng đường dài. Cha mẹ tôi sinh ra ở Huế, do cuộc sống khó khăn nên qua Lào lập nghiệp, chín anh chị em tôi lần lượt ra đời ở Chămpasăk, tôi là chị cả nên đã phải trải qua những ngày kiếm sống vô cùng nhọc nhằn trên mảnh đất này.

Chật vật học hết lớp 6, tôi phải đi ở đợ, gánh nước thuê, rửa chén cho các quán ăn, rồi bán bắp, kem cây ở bến xe... Đến khi lập gia đình, tôi tiếp tục sống bằng nghề buôn bán, hết bán chè lại bán bún, bán cháo, rồi làm bánh gai, dịp Tết thì làm đủ loại bánh, mứt đem đi bỏ mối. Được cái tôi bán món gì cũng đắt khách, hàng làm ra đến đâu bán hết đến đó.

Bí quyết của tôi là dù chỉ nấu một nồi chè, nồi bún hay làm một rổ bánh gai đều phải thật ngon, người mua có thể không nhiều tiền nhưng ai cũng muốn ăn ngon. Thà mình lời ít một chút mà mọi người được ăn ngon, lại bán đắt hàng. Vì vậy, nhiều người thích ăn những món tôi làm, riêng bánh gai còn bán sang Campuchia, Thái Lan nên tôi tích lũy được một số vốn và cuộc sống bắt đầu thoải mái hơn.

Thấy tôi bán hàng sang Campuchia, Thái Lan, chính quyền tỉnh Chămpasăk khuyên tôi nên mở công ty mới được phép buôn bán với nước ngoài. Năm 1991, tôi thành lập Công ty Đào Hương rồi nhập mì chính, sữa, nước mắm, đường, dầu ăn... từ Thái Lan về bán.

Do buôn bán thật thà, làm ăn đàng hoàng, giá cả lại thấp hơn chỗ khác, thậm chí nhiều người không có tiền tôi cũng bán chịu, nên được tin cậy, quý mến, chỉ cần nhắc đến tên tôi là họ ủng hộ. Bằng chứng là lúc đầu mở công ty, nhiều người làm trong cơ quan nhà nước tận tình hướng dẫn tôi các thủ tục, giấy tờ.

Rồi khi không đủ tiền nhập hàng, tôi kêu gọi ứng tiền trước, khi hàng về sẽ bán rẻ cho họ, và ai cũng tin tưởng giúp đỡ. Khi hai nước Việt - Lào mở cửa khẩu Lao Bảo, tôi mở cửa hàng miễn thuế ở đây, tiếp đến là mở ở cửa khẩu Lào - Thái, cửa khẩu đường 8 Việt - Lào.

Các cửa hàng này khi mở ra có rất đông người đến mua, các công ty nước ngoài thấy tôi làm ăn uy tín nên cho tôi gối đầu, bán hết hàng tôi thanh toán tiền liền nên việc kinh doanh rất thuận lợi.

[Xem thêm: Nữ tỉ phú người Việt sở hữu tập đoàn Dao Heuang lừng lẫy trên đất Lào]

* Trước khi mở cửa hàng miễn thuế, bà là người đầu tiên xin chính quyền cho xây chợ Đào Hương, phải chăng đây cũng là cách kinh doanh? Năm 2013, ngôi chợ lớn nhất ở tỉnh Chămpasăk bị cháy, tâm trạng của bà lúc đó thế nào?

- Trước năm 1998, chợ cũ ở tỉnh Chămpasăk bị cháy, tôi xin chính quyền cho đầu tư hơn 5 triệu USD để xây chợ Đào Hương. Ngôi chợ này được xây lại khang trang với hơn 1.000 sạp, 80% tiểu thương là bà con Việt kiều nên cảnh trí trong chợ cũng rất giống các khu chợ Việt Nam.

Mục đích của việc xây chợ chủ yếu là giúp bà con Việt kiều và người dân ở Paksé có chỗ làm ăn, buôn bán chứ tôi không buôn bán, làm ăn gì ở chợ này. Lúc ngôi chợ hoàn thành, tôi mừng rơi nước mắt, nhớ cảnh khi xưa buôn thúng bán bưng, không có tiền thuê sạp, phải chờ các tiểu thương bán hết hàng mới được đặt ké cái mâm thịt của mình lên sạp của họ bán.

Giờ thấy nhiều người có chỗ buôn bán ổn định với giá tiền thuê sạp và tiền hoa chi hằng tháng cũng rất rẻ, làm sao không mừng được. Dù chi phí đầu tư chợ không thể bù lại nhưng cái lời của tôi là mỗi lần vào chợ, ai gặp cũng tay bắt mặt mừng, thấy mình làm được điều có ý nghĩa.

Năm qua, nghe tin ngôi chợ lớn nhất ở tỉnh bị cháy, tôi khóc ròng, mất mấy đêm không ngủ. Qua sự cố rủi ro này, ngoài việc hỗ trợ bà con bị tổn thất phần nào, tôi kêu gọi mọi người phải ý thức hơn trong việc phòng chống cháy nổ, nhắc nhở họ tăng cường quản lý và trang bị các thiết bị để phòng cháy kỹ lưỡng hơn.

* Nhiều người nhận xét bà rất nhạy bén trong kinh doanh, đặc biệt khá nhanh chân tìm ra những khoảng trống thị trường để kinh doanh, như việc nhập khẩu thực phẩm, mở các cửa hàng miễn thuế, kinh doanh nước tinh khiết đóng chai, đầu tư trồng cây cà phê, sản xuất trà xanh, trái cây sấy, cà phê... Có lẽ do vậy mà con đường kinh doanh của bà khá trơn tru, làm gì cũng thắng?

- Đứng ngoài nhìn vào thành quả của Đào Hương thì ai cũng nghĩ vậy, nhưng con đường kinh doanh của tôi cũng gập ghềnh lắm. Tôi vốn là người buôn bán nhỏ để kiếm sống nên thấy cái gì buôn bán được là làm, thậm chí hay làm liều, cứ thấy có tiền là làm, chẳng tính toán cũng không suy nghĩ nhiều.

Và cái gì càng khó, tôi càng lăn vào làm cho bằng được, khi đã cố gắng hết sức mà không làm được mới buông. Cũng vì vậy mà tôi phải chịu rất nhiều vấp váp, tổn thất nhiều về tiền bạc.

Ở Lào hồi mới giải phóng làm ăn cũng khó khăn, nhiều ách tắc, thậm chí có lúc bị người xấu "lời ra tiếng vào", nhưng nhờ trải qua hết nên bây giờ làm gì tôi cũng không sợ, cứ thấy đúng là làm.

Năm 2000, lần đầu trồng cà phê bị sương muối, hơn trăm ha cà phê chết khô, mất bao nhiêu tiền, như người khác là bỏ cuộc rồi, nhưng tôi thì không, lại trồng tiếp, sau đó mua máy về làm cà phê, nhìn dàn máy, ai cũng nói: "Máy lớn quá, cà phê cả xứ Lào cũng không đủ cung cấp".

Vì vậy, vừa chủ động đầu tư trồng cà phê, tôi còn đưa giống, phân bón khuyến khích nông dân trồng, đầu tiên 250 cây, sau lên 500 cây, thu hoạch được hơn 1.000 - 2.000 tấn cà phê đã mừng, bây giờ tôi đã có 25.000 ha, một năm thu được 10.000 tấn cà phê nhân Arabica.

Cuối năm 2011, tôi đầu tư 3 nhà xưởng chà vỏ cà phê tươi với công suất 2.100 tấn/giờ, qua đó đảm bảo khép kín quy trình sản xuất, chế biến cà phê từ khâu đầu tiên đến khâu thành phẩm cuối cùng.

* Đeo bám cây cà phê, phải chăng vì bà nhìn thấy tiềm năng của sản phẩm này trong tương lai?

- Khi chuyển sang trồng cà phê, tôi chủ yếu muốn ủng hộ chủ trương khuyến khích trồng cà phê của nhà nước Lào. Nghĩ đơn giản vậy, ai dè càng làm càng đam mê. Nhất là sau khi khai hoang, ai cũng khen vườn cà phê của tôi phong thủy rất đẹp, có dòng suối bao quanh.

Lúc đầu, tôi đến Tây Nguyên học cách người ta trồng cà phê, thuê nhân công có kinh nghiệm trồng cà phê từ Việt Nam sang hướng dẫn. Sau đó, đầu tư mấy chục ngàn USD để làm dàn tưới tiêu, mua cả mấy container ống, nhưng khi kéo ra tưới, riêng tiền dầu đã tốn mấy chục triệu đồng một lần, tôi thấy lo vì như vậy thì làm sao có lời.

Song, cả hai lần tính đem máy ra tưới thì Trời đều chuyển mưa và mưa rất to, nghĩ ông Trời giúp mình nên từ đó đến nay tôi không cần tưới nữa mà cũng chưa bao giờ bị mất mùa, khô hạn.

Sau này tìm hiểu mới biết, tỉnh Chămpasăk có những vùng đất bazan giống cao nguyên ở miền Trung Việt Nam, rất thích hợp để trồng cây cà phê Arabica và Robusta, đặc biệt, lượng mưa đều quanh năm, chỉ có hơn hai tháng nắng.

[Xem thêm: Cận cảnh sản xuất, pha chế cà phê giá nghìn đô ở Đà Lạt]

* Với bà, điều khó khăn nhất khi làm cà phê là gì?

- Làm cà phê gian nan lắm, từ lúc trồng, thu hoạch đến sản xuất, khâu nào cũng quan trọng. Vì vậy, ai muốn làm cà phê thì phải có chuyên môn và một khoản tiền dự phòng rất lớn để nếu gặp sự cố thì có tiền mà xoay xở. Bởi, khi làm tính toán khó tránh khỏi sai sót và rủi ro nhiều thứ.

Chẳng hạn, khâu thu hoạch nếu không kiểm soát kỹ, hái trái chín lẫn trái xanh là chất lượng cà phê sẽ không ngon. Hoặc khâu kỹ thuật dù có tiền nhưng không có kinh nghiệm, kỹ thuật giỏi cũng không làm được.

Hồi đầu sản xuất, do không có kinh nghiệm và kỹ thuật giỏi nên mua máy đóng gói không đúng chuẩn, cà phê bị cứng. Mà càng thất bại thì càng lo, cứ ai chỉ gì làm nấy nhưng không khắc phục được, mất đến hai, ba năm vẫn không làm ra được sản phẩm hoàn chỉnh.

May lúc đó tôi không vay ngân hàng, nếu vay thì chắc buông rồi, không tiếp tục làm nổi. Rồi đến khi mua dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan, người bán máy giới thiệu sao thì biết vậy.

Rất may, sau khi đặt cọc 15% để mua dàn máy, đến giờ chót có chút trục trặc nên tôi không mua nữa. Sau đó dàn máy này được một công ty ở Việt Nam mua và họ đã không làm được.

Một cái khó nữa là nhân công, phải nói thật là dân Lào không chịu khó như người Việt mình và họ cũng không thích làm thuê, không cần kiếm nhiều tiền, chỉ cần có một miếng đất nửa hecta là họ tự làm, làm ít để nghỉ sớm chứ không chịu "cày" như mình.

Vì vậy, do tìm nhân công ở Lào rất khó nên tôi phải thuê hàng trăm công nhân Việt Nam qua Lào làm việc. Với lượng nhân viên đông và cũng để tạo cho họ cuộc sống ổn định để họ yên tâm làm việc lâu dài, tôi đã xây nhà ở, trường học, trạm xá để khi công nhân đau ốm sẽ được chữa trị miễn phí và kịp thời.

* Vừa không có chuyên môn lại gặp nhiều khó khăn, làm thế nào bà vẫn theo đuổi việc kinh doanh cà phê?

- Người có kinh nghiệm và chuyên môn làm cà phê hòa tan trên đất Lào chỉ đếm trên đầu ngón tay, vì vậy, tôi phải về Việt Nam tìm kiếm và đã tìm được người có kinh nghiệm làm cà phê rất lâu năm. Anh ấy đã giúp tôi và tìm luôn một ê-kíp sản xuất, quản lý và huấn luyện nhân viên.

Cuối cùng, tôi thành công là nhờ người Việt mình. Năm 2005, khi đưa sản phẩm đi tham gia hội chợ ở nước ngoài, nhiều người, kể cả các chuyên gia quốc tế, sau khi thử cà phê, nhất là khi được tận mắt chứng kiến hoạt động của các nhà máy sản xuất, chế biến cà phê của Đào Hương, đã không khỏi ngạc nhiên.

Họ không tin một thương hiệu cà phê xuất xứ từ đất nước Lào - nơi nền sản xuất cà phê chưa bao giờ được biết đến lại ngon như vậy. Nhờ thế mà cà phê của tôi được xuất khẩu sang Thái Lan, Campuchia, Trung Quốc...

* Thị trường cà phê tại Việt Nam đang cạnh tranh rất gay gắt với rất nhiều công ty trong và ngoài nước. Bà có thấy khó khi đem cà phê DAO về kinh doanh tại quê nhà?

- Nhiều người bảo cà phê DAO vừa ra thị trường đã thành công là nhờ giỏi trong việc tiếp thị và mở mạng lưới phân phối. Nhưng nếu chỉ giỏi tiếp thị mà sản phẩm không ngon thì không có khả năng cạnh tranh. Bây giờ thị trường mở rộng, cạnh tranh công bằng là yếu tố quyết định.

Nhật Bản là một nước "khó tính" nhưng hiện nay họ đang mua hết cà phê ở Lào nên tôi thấy đó là lợi thế. Vì vậy, dù ở thị trường nào tôi cũng tự tin về sản phẩm của mình. Sở dĩ cà phê DAO được đánh giá thơm, ngon là do tôi chỉ dùng cà phê Arabica nguyên chất, không pha hương liệu, không pha thêm đậu nành, bắp...

Lợi thế của tôi là nắm trong tay những giống cà phê đặc biệt chỉ một vài khu vực hoặc một vài làng ở Lào mới có. Song, bí quyết còn ở khâu pha trộn các giống này lại với nhau. Do thích nấu nướng, chế biến món ăn nên tôi phối trộn các giống thành nhiều mẻ, rang lên cho mọi người dùng thử, đánh giá để chọn ra loại ngon nhất.

Một lợi thế nữa, đó là do ở Lào ít người sản xuất cà phê nên không bị cảnh tranh mua tranh bán, vậy nên khi được tôi thu mua giá cao, họ yên tâm trồng và giữ đúng cam kết: chỉ hái cà phê đã chín đỏ, không pha trộn trái xanh như ở Việt Nam nên cà phê có chất lượng ổn định, cộng với bí quyết pha trộn, chế biến nên cà phê DAO được vào danh sách cà phê ngon.

Đối với thị trường Việt Nam, thời gian đầu chúng tôi xuất về khoảng 6 triệu USD, tập trung vào cà phê hòa tan và phân phối thông qua các điểm bán lẻ, cửa hàng cà phê, siêu thị, trung tâm thương mại. Phân khúc của cà phê DAO tương đương với cà phê hòa tan G7, Vinacafé và Nescafé, còn cà phê lon chúng tôi xuất chủ yếu sang Mỹ và Nhật.

[Xem thêm: Vinacafé - Nestle - Trung Nguyên: Thế chân vạc chia ba thị trường cà phê hòa tan]

* Chất lượng sản phẩm chưa thể quyết định nếu không có hệ thống phân phối và cách làm thị trường tốt. Bà có thể chia sẻ một chút về chiến lược marketing và cách tổ chức hệ thống phân phối tại Việt Nam?

- Cà phê không được xem là nhu yếu phẩm, nghĩa là có cũng được, không có cũng không sao, nên vào thời điểm kinh tế khó khăn, đây cũng là một khó khăn. Tuy nhiên, tôi đang đi theo mô hình kinh doanh của Mỹ, đó là sự phân công giữa nhà sản xuất và phân phối.

Mình không thể tổ chức tốt cả hai việc này vì lĩnh vực nào cũng đòi hỏi sự chuyên sâu, kỹ năng và chiến lược riêng, và tôi tin vào đối tác phân phối của tôi là Công ty Blue Star.

* Bà từng tiết lộ có khả năng "nhìn người" để hợp tác, đây có phải cũng là bí quyết?

- Trong kinh doanh, chọn đối tác là quan trọng lắm, nó không chỉ ảnh hưởng đến việc kinh doanh của mình trước mắt và lâu dài, mà còn ảnh hưởng đến cả uy tín của thương hiệu.

Nhiều người đến gặp tôi đề nghị phân phối cà phê DAO tại Việt Nam, nhưng để đáp lại sự nhiệt tình của một vài người, tôi chĩ đồng ý cho họ đem vài container về bán, trong trường hợp xấu nhất, họ làm không tốt thì chỉ mất vài container thôi, còn chọn đối tác làm ăn lâu dài thì phải cẩn trọng.

Tôi không có khả năng "nhìn người" mà chỉ có giác quan mách bảo. Qua tiếp xúc, cách nói chuyện, nhân cách..., tôi biết người nào có thể tin cậy và họ nói là làm được.

Sở dĩ tôi chọn chú Định, Tổng giám đốc Công ty Blue Star, làm nhà phân phối không hẳn vì công ty này có hệ thống cửa hàng kem Baskin Robbins tại Việt Nam và là công ty sản xuất nhiều loại bánh xuất khẩu tốt, có hệ thống phân phối rộng, mà cái chính là con người và cách làm việc.

* Bà có kế hoạch mở nhà máy sản xuất cà phê tại Việt Nam không?

- Khi nào hàng tôi bán ở Việt Nam đặt làm không kịp thì tôi sẽ mở nhà máy. Bây giờ tôi không muốn mạo hiểm vì cạnh tranh ở đây rất cao (cười).

* Xin cảm ơn bà về buổi trò chuyện này! Hy vọng cà phê của bà sẽ được người tiêu dùng Việt Nam đón nhận như mong đợi của bà.

>> Nhà sản xuất cà phê hòa tan lớn nhất của Lào 'nhảy' vào thị trường Việt Nam
Theo Lữ Ý Nhi

kyanh

Doanh nhân Sài Gòn

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên