MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đầu năm xông nhà “Hải đồ cổ”

18-02-2013 - 10:01 AM |

Đại tỷ phú một thời, nhiều lần đứng trước vành móng ngựa, “Hải đồ cổ” có vẻ như một “ông trùm” lọc lõi, hợm đời. Nhưng trò chuyện cùng ông mới hiểu, mọi thứ không nên vội vàng phán xét.

“Hải đồ cổ” là cái tên quen thuộc đối với người dân đất Cảng Hải Phòng. Người ta nói nhiều về ông với những mỹ từ “bọc” trong châu báu, quyền uy như “vua đồ cổ”, “đại tỷ phú”, “đại gia đất Cảng”... Mặc nhiên, phần đông sẽ nghĩ tới chuyện “Hải đồ cổ” sống trong nhung lụa, biệt thự xa hoa, rồi nghìn lẻ một thói ăn chơi “khác người”. Kì tình ít ai biết “ông trùm” của hàng vạn đồ gốm, sứ dát vàng tinh xảo, cao cấp kia vẫn dùng điện thoại Nokia chưa đầy 2 triệu đồng, ở căn nhà 3 tầng tường vôi loang lổ.

Ngồi tù viết tâm thư gửi Tổng Bí thư

Tên cúng cơm của ông là Bùi Xuân Hải. Ngoại trừ cặp kính gọng vàng thì trên người ông toàn đồ màu trắng. Có lẽ, cái màu trắng ấy như muốn khỏa lấp đi thời đen tối của ông khi phải vào tù ra tội tới 4 lần. Tất cả đều là án kinh tế. Ngồi “bóc lịch” chẳng phải vì ông đi lừa đảo thiên hạ mà lần thì vỡ nợ do cơ chế tài chính bất cập, lần thì những tham vọng trong chiến lược làm ăn... vượt quá xa “khuôn” luật của xã hội đương thời.

“Hải đồ cổ” đã từng là đại tỷ phú một thời của đất Hải Phòng khi có hàng tấn vàng trong nhà nhưng rồi lại mất trắng. Ông vẫn không “chừa”, đứng ra sáng lập Công ty Haivinaco chuyên về đồ cổ nhưng càng làm càng lỗ tới mức vỡ nợ. Rồi làm dự án “tiểu Đồ Sơn” với số vốn hàng triệu đô la cũng đổ sông đổ biển khi thủ tục giấy tờ đất đai không hanh thông. Ông vẫn cứ làm.

Dường như, sinh ra trời đã bắt ông mang cái nghiệp làm... giám đốc. Tư duy về kinh tế học đã ngấm vào máu từ nhỏ. Tốt nghiệp ngành Địa lý kinh tế của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, ông đã dấn thân vào buôn bán đồ cổ khi nhìn thấy lĩnh vực này có nhiều tiềm năng. Rời quê nghèo ở vùng Ân Thi, Hưng Yên, ông lăn lộn làm ăn khắp nơi rồi chọn Hải Phòng làm bến đỗ. “Hải đồ cổ” tham vọng biến vùng đất cửa biển này thành thủ phủ của gốm, sứ cao cấp, “ăn đứt” thương hiệu đồ gốm Trung Quốc.

Tham vọng lớn, sóng gió cũng nhiều. Hơn 20 năm gian khổ vừa qua với 4 lần vào tù ra tội, “Hải đồ cổ” càng quyết tâm vượt qua nghịch cảnh, theo đuổi hoài bão cho thỏa chí làm trai. Trong những ngày ở tù, ông đã viết tâm thư gửi tới Tổng Bí thư nói về những bất cập trong Luật Đất đai cũng như vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Đến giờ, những điều ấy vẫn khiến “đại gia đất Cảng” đau đáu khôn nguôi.

Đãi cát tìm vàng

Trong cuộc trò chuyện, đôi lúc ông lại thở dài ưu tư, rồi nhìn xa xăm khi nhắc chuyện chính quyền “quên” trả tiền khi lấy đi 3 nhà máy dọc QL 5 của ông từ hơn chục năm trước. Ông nhẩm tính cả gốc lẫn lãi đến giờ có thể lên tới hơn 2.500 tỷ đồng. Tuy giờ chỉ còn một xưởng sản xuất gốm, sứ dát vàng cao cấp rộng hơn 2ha nhưng không vì thế mà ông nản lòng. Trải qua bao thăng trầm, bể dâu, “Hải đồ cổ” quá hiểu những nỗi khổ ở đời. Chuyện được - mất ở đời là ngang nhau nên ông chẳng bận tâm tới thị phi mà chuyên tâm vào công việc với sự quyết tâm, không ngừng sáng tạo mỗi ngày.

Cách chọn người làm của ông khá đặc biệt theo nguyên tắc “6 không”. Ông không chú ý tới trình độ học vấn, không phân biệt nam nữ, dân tộc, tuổi tác... Thậm chí, ông nhận cả những người khuyết tật, bại não vào làm việc, bởi cho rằng ai cũng muốn hướng tới cái chân - thiện - mỹ. Ông biết cách “đãi cát tìm vàng”, chính vì vậy cơ sở sản xuất của ông tập trung rất nhiều nghệ nhân giỏi. Từ lò gốm, sứ cao cấp này, hơn 40.000 thợ lành nghề đã trưởng thành và tỏa đi khắp cả nước.

41 năm qua chưa một lần ốm đau, ông cho biết thói quen tập yoga trước khi đi ngủ và sống lạc quan đã giúp ông tránh xa bệnh tật. Đã trải qua hơn 70 cái xuân xanh cuộc đời song đôi mắt ông vẫn ánh lên những hy vọng, hoài bão. “Hải đồ cổ” luôn nghĩ mình chỉ tầm 30 tuổi, cả sức khỏe và khát khao chinh phục. Tôi tin mục đích tối thượng của những việc ông làm không phải là tiền mà là những đỉnh cao sáng tạo, bởi lẽ tiền của ông đã từng đến và đi trong chớp mắt nhưng bản lĩnh thì không. Người đời gọi là “đại gia đất Cảng” nhưng ông gạt phắt đi: “Tôi chẳng quan tâm tới đại gia, tiểu gia gì. Đại gia gì mà phải đi chợ chịu. Tôi chỉ biết mỗi ngày mở mắt ra là lao động, sáng tạo, vươn lên phía trước. Mỗi khi làm thành công một sản phẩm là ý nghĩa như một cái Tết rồi”.

Theo Vũ Ngọc Khánh
Giao thông Vận tải

tanhoa

Trở lên trên