MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Diễn văn Gettysburg đã tóm tắt cả lịch sử nước Mỹ chỉ trong vài câu.

20-11-2013 - 11:07 AM |

"Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải hiến dâng mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý".

150 năm trước đây, vào ngày 19/11/1863, trên cánh đồng ở Pennsylvania, Abraham Lincoln đã đọc một bài diễn văn ngắn – Diễn văn Gettysburg, được xem là phát biểu chính trị vĩ đại nhất trong lịch sử.

“Tám mươi bảy năm trước ông cha chúng ta đã khai sinh ra trên lục địa này một quốc gia mới, được thai nghén trong Tự do, và sống hiến dâng cho lý tưởng được đề ra, rằng tất cả mọi người được tạo hóa sinh ra bình đẳng.

Giờ đây chúng ta bị lâm vào một cuộc nội chiến lớn, thử thách xem quốc gia này, hay bất cứ quốc gia nào được thai nghén và sống hiến dâng như thế, có thể tồn tại được lâu dài hay không. Chúng ta gặp nhau trên một chiến trường lớn của cuộc chiến này. Chúng ta đến để hiến dâng một phần đất nhỏ của chiến trường này làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã để lại mạng sống mình tại đây, để cho quốc gia này có thể tồn tại. Tất cả đều phù hợp và chính đáng để chúng ta làm việc này.

Tuy nhiên, theo một nghĩa rộng hơn, chúng ta không thể hiến dâng – không thể tôn phong – không thể thánh hóa – miếng đất này. Chính những con người dũng cảm đã chiến đấu tại đây, dù còn sống hay đã chết, đã làm thiêng liêng nó, vượt xa khả năng kém cỏi của chúng ta để thêm hay bớt đi điều gì cho nó.

Thế giới sẽ ít chú ý, hay nhớ lâu những gì chúng ta nói ở đây, nhưng sẽ không bao giờ quên điều gì họ đã làm ở đây.

Chính chúng ta, những người còn sống, mới phải hiến dâng mình cho công việc dở dang mà những người chiến đấu ở đây đã tiến hành một cách cao quý. Chính chúng ta mới là những người phải hiến dâng mình cho nhiệm vụ lớn còn ở trước mặt – rằng từ những người chết được vinh danh này chúng ta sẽ nhận lấy sự tận tụy nhiều hơn cho sự nghiệp mà họ đã cống hiến đến hơi thở cuối cùng – rằng chúng ta ở đây sẽ có quyết tâm cao để cho những người đã ngã xuống sẽ không hy sinh một cách phí hoài – rằng quốc gia này, dưới ơn trên của Chúa, sẽ chứng kiến một cuộc sinh nở mới của tự do – và rằng chính quyền của dân, do dân và vì dân, sẽ không biến mất khỏi trái đất này.”

Nguyễn Xuân Sanh dịch

Tại nghĩa trang Quốc gia Gettysburg ngày hôm đó, tổ chức lễ tưởng niệm cho những người đã ngã xuống bốn tháng sau khi phe Liên bang Miền Bắc đánh bại Liên minh Miền Nam ở trận Gettysburg trong cuộc nội chiến Mỹ.

Diễn văn phát biểu chính từ chính trị gia Edward Everett, dài 13.607 từ, kéo dài trong hai tiếng. Sau đó, Abraham Lincoln mới bước lên và phát biểu diễn văn của mình.

Bài diễn văn 271 từ (một số bản ghi là 272 từ) của LinColn chỉ kéo dài 2 phút nhưng đã đi vào lòng người ngày hôm đó và mãi mãi đi vào lịch sử thế giới. Vẻ đẹp của diễn văn là chỉ bằng vài câu khúc triết, ngắn gọn đã tái hiện hình ảnh cuộc nội chiến đau thương, khơi dậy kinh thần bảo vệ đất nước, ý thức trách nhiệm của mỗi người Mỹ với đất nước, và vẽ lên tương lai tươi sáng của dân tộc. Giọng văn hào hùng mà bi tráng, lắng đọng lòng người.

>> Những huyền thoại bí ẩn về Abraham Lincoln

Đài BBC viết: "Diễn văn Gettysburg là một báu vật chính trị vô giá. Nó có lẽ là diễn văn nổi tiếng nhất trong kỷ nguyên dân chủ, không chỉ chắt lọc được hình ảnh một nước Mỹ sau cuộc nội chiến cay đắng mà còn trở thành chuẩn mực cho các thế hệ người dân Mỹ vốn đang vật lộn trước tình trạng chia rẽ chủng tộc cho tới khi Luật Quyền Dân Sự được thông qua đúng một trăm năm sau bài diễn văn đó.”

Theo tiến sĩ John R Hale, Giám đốc nghiên cứu về tự do tại Đại học Louisville ở Kentucky, Hoa Kỳ, thì điểm ấn tượng nhất trong bài diễn văn là tính chính xác có một không hai: "Diễn văn Gettysburg của Lincoln có lẽ là diễn văn tuyệt vời nhất từng được viết," ông nói. "Ông đã tóm tắt cả lịch sử nước Mỹ chỉ trong vài câu, đồng thời đưa ra một động lực mới để tiếp tục chiến đấu, để những người đã ngã xuống tại Gettysburg 'sẽ không hy sinh một cách vô ích'."

Diễn văn Gettysburg được ghi trên tường tại khu Đài tưởng niệm Abraham Lincoln.

Diễn văn Gettysburg

thuydtt

BBC

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên