MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân Việt Kiều Phạm Xuân Hà: “Làm kinh tế tôi chỉ thích làm tư nhân”

17-12-2012 - 10:43 AM |

"Hãy nói điều chúng ta chưa làm được để chúng ta làm được".

Mùa xuân Đinh Hợi 2007, người Việt được dịp lắng nghe cuộc đối thoại giữa một người con xa hương Phạm Xuân Hà – Giám đốc Công ty COTAT có trụ sở tại Praha – Cộng hòa Séc với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về các chính sách phát triển đất nước. Những câu hỏi đối thoại của ông Hà với Thủ tướng hồi ấy đã tạo nên diễn đàn sôi nổi về những vấn đề không mới nhưng rất hiện thời.

Thiết nghĩ đó không chỉ là mong muốn của riêng ông Hà mà còn của rất nhiều người Việt yêu nước và tâm huyết cho sự phát triển của đất nước.

Giản dị và không nói quá nhiều về mình, vị Chủ tịch Hội doanh nghiệp Việt Nam tại Cộng hòa Séc đã thành công trong vai trò nhà tư vấn và môi giới đầu tư, kết nối nhiều DN VN với các đối tác lớn của Séc, Mỹ. Dự án đầu tư lớn nhất ông kết nối thành công là giữa Tập đoàn Skex.a.s của Cộng hòa Séc với tập đoàn Đức Long Gia Lai với số vốn cam kết lên đến 1 tỷ USD. 

Mời độc giả CafeBiz lắng nghe góc nhìn của vị doanh nhân từng sống 30 năm tại Cộng hòa Séc và Slovakia này.

- Ông đánh giá như thế nào về tiềm năng, vai trò của các DN nước ngoài đối với sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước?

- Các công ty nước ngoài họ đầu tư gì tôi nghĩ là được cái đấy. Còn những người đi nước ngoài, dưới con mắt của chúng tôi nói chung, từ góc nhìn của những nhà khoa học, từ những người có học thì cũng chỉ để một là đi kiếm ăn, lo cho gia đình; hai là mang lại lợi nhuận: trên cơ sở kiếm tiền mình tiết kiệm được và mình mang về giúp gia đình ở trong nước, xã hội một phần.

Bản thân tôi cũng chẳng giàu có gì nhưng tôi vẫn dành cho xây dựng mấy cây cầu, mấy địa phương vài trăm triệu, đóng góp vào khu xây nhà vệ sinh ở nhà thờ Quang Minh vài chục triệu, đóng góp xây dựng khu thể thao trên Hòa Bình vài chục triệu. Tôi cho rằng một cá nhân rút tiền túi ra với tầm như tôi đó là một sự cố gắng.

Thứ hai là trở lại VN tôi cũng chỉ mong mang vốn, công nghệ về để tìm dự án thiết thực với lãi suất thương mại cạnh tranh. Thực ra những điều này có lợi cho VN nhưng về nước rất khó bởi các ngân hàng cỡ lớn đưa vào làm phải có bảo lãnh. Những dự án của chính phủ có bảo lãnh chúng tôi đưa vào thì tốt quá. 

Hiện Trung tâm Tín dụng Ngân hàng VN đã xác nhận tư cách của chúng tôi về nguồn tiền đầu tư cho đường Hồ Chí Minh. Kết quả chưa biết ra sao nhưng vấn đề chính là các thủ tục ở VN phải nhanh, gọn, công khai thì những đóng góp sẽ có hiệu quả hơn. 

Ngoài ra, chúng tôi vẫn đang thuyết phục ngân hàng nước ngoài bảo lãnh bằng các ngân hàng thương mại cổ phần trong nước. Các DN xây dựng công trình đã không có tiền rồi lại phải thế chấp để đưa tiền vào tôi nghĩ rất khó. Vấn đề ở đây là xác định dự án có hiệu quả, chủ đầu tư DN tâm huyết, sẵn sàng đứng ra bảo lãnh để làm việc cùng với họ thì dự án mới sớm được thực thi.

- Trong quá trình tiếp xúc với các doanh nhân nước ngoài, ông thấy họ có băn khoăn, lo lắng gì khi đầu tư vào VN?

- Đầu tư vào VN tôi cho là rất khó. Thứ nhất phải đảm bảo về mặt quy hoạch. Thứ hai, VN là đất nước đẹp tuyệt vời, nền chính trị rất ổn định, nhưng trong thủ tục muôn vàn khó khăn. Thành thử đã làm kinh tế tôi chỉ thích làm tư nhân. 

- Để tiếp tục phát huy vai trò là cầu nối hỗ trợ các DN, trong thời gian tới hội triển khai chương trình hành động cụ thể thế nào?

- Thực ra cái động não nhất là từng con người một. Vì thế tôi đánh giá rất cao trong bài phát biểu của một tiến sĩ đoạt giải Nobel Kinh tế 2012. Ông ấy có nói tất cả mọi yếu tố đều dựa trên nhà lãnh đạo, nền dân chủ cộng với chính quyền địa phương. Tất cả xoay xung quanh những cái ấy. Nếu hoàn chỉnh tất cả những điều đó tôi nghĩ rằng mới phát triển được. 

- Tình hình hiện nay quả thật rất phức tạp, khi cơn bão năm Nhâm Thìn 2012 dường như chưa đi qua. Điều gì giúp DN vượt bão và vươn cao khi tình thế xoay chiều?

- Tôi cho là rất dễ bởi VN có nguồn lao động dồi dào, VN đang thiếu quá nhiều mà phải nhập khẩu nước ngoài thì để giải quyết hàng nội địa vấn đề đó phải rất công khai, thoải mái, dân chủ. Đừng nên nói nhiều về thành tích. Hãy nói điều chúng ta chưa làm được để chúng ta làm được. Thành thử muốn nói được cái đó phải biết ta đang đứng ở vị trí nào. 

Cả cuộc đời bao giờ tôi cũng phải tự đặt câu hỏi tại sao người khác làm được mình chưa làm được, điều đó làm mình phải gắng. Vì thế hạnh phúc nhất đời tôi là làm chủ được bản thân và có thể khẳng định tôi sống được ở bất cứ nơi nào trên thế giới, bởi tôi biết luật. 

Tôi từng nói với người bạn Cộng hòa Séc thế này: “Các anh đừng nghĩ chúng tôi sang đây là ở nhờ các anh. Đây là nơi tôi có quyền sống. Nếu như các anh muốn vào VN thì sang đó mà sống. Đấy là đất của anh đấy. Chúng tôi chỉ thay trời, thay đất quản lý cho anh, còn vấn đề là anh có quyền”. Khi cùng có một hiểu biết cuộc sống mới chất lượng.

- Sau một số sự việc đáng tiếc xảy ra như một số doanh nhân ngã ngựa, sự sụp đổ của một số DN tên tuổi ngay tại VN, ông nghĩ DN Việt cần rút ra bài học gì?

- Vấn đề chính nằm ở thượng tầng. Tại sao tôi lý luận đất là của chung, tự nhiên nâng giá lên và giao cho các tập đoàn kinh tế dùng để thế chấp lấy tiền ngân hàng. Đến lúc không trả được lại dùng đất đấy để trả lại. Đấy là sự phi lý.

- Là một doanh nhân, từng bôn ba nhiều năm ở nước ngoài, ông có so sánh gì về môi trường kinh doanh VN so với nước bạn?

- Môi trường kinh doanh của họ là luật pháp: rất rõ ràng, mạch lạc, sòng phẳng. Còn môi trường của ta lý thuyết thì đầy đủ, nhưng vấn đề thực thi mới quan trọng. Ví dụ như ở Cộng hòa Séc hiện nay, để lấy một sổ đỏ hay giấy chứng nhận đất không phải lấy từ sở nhà đất, mà từ bưu điện. Bạn chỉ cần nói số nhà, tôi đảm bảo trong 1 phút bạn có thể in ra 50 bản, bạn trả lệ phí họ đóng dấu, ký ngay. 

-  Hiện ông đang đầu tư những dự án gì ở VN?

- Chúng tôi đã ký với 4-5 ngân hàng bên nước ngoài về ủy thác nhằm đưa tiền vào VN và làm sao chủ dự án tạo ra sản phẩm và bán được, kinh doanh có tiền trả lại cho các ngân hàng ở nước ngoài. Đó là công việc chính tôi đang làm.

- Thông điệp của ông đối với các chủ DNVN là gì?

- Tôi chỉ khuyên cứ đi nhiều, đi khắp thế giới họ sẽ biết cần phải làm gì. Thứ hai là phải học. Cái chúng ta nói rất nhiều là đạo đức trong kinh doanh – không thể đo đếm được. Đạo đức phải được đánh giá bằng kết quả của công việc. Còn trong gia đình, thế hệ làm cha làm mẹ cần gương mẫu để ảnh hưởng tích cực đến con cái.  

Tân Hoa

tanhoa

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên