MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

George Soros: Hết liều !

10-08-2011 - 16:53 PM |

Người ta vẫn hay nói làm ăn thì phải liều. Nhưng không phải doanh nhân nào cũng dám chấp nhận rủi ro. Về khoản liều, không ai có thể qua mặt George Soros, ông chủ Công ty Quản lý Quỹ Soros Fund Management.

Người ta vẫn hay nói làm ăn thì phải liều. Nhưng không phải doanh nhân nào cũng dám chấp nhận rủi ro. Về khoản liều, không ai có thể qua mặt George Soros, ông chủ của Công ty Quản lý Quỹ Soros Fund Management, quản lý hàng loạt quỹ trong đó nổi bật nhất là quỹ Quantum.

Ông đã từng đặt cược tới 10 tỉ USD rằng Ngân hàng Trung ương Anh sẽ phá giá đồng bảng Anh. Cuối cùng ông đã thắng và thu về 1 tỉ USD từ vụ đặt cược này. Thương vụ này cũng mang về cho ông danh hiệu “Người đánh sập Ngân hàng Trung ương Anh” và nhờ ông, nhà đầu tư cũng bắt đầu chú ý đến ngành quỹ đầu cơ.

Thế nhưng, sau 4 thập kỷ hoạt động trong ngành quỹ đầu cơ và thu được hàng tỉ USD lợi nhuận, Soros giờ sẽ không dùng tiền của người khác đặt cược. Vào cuối năm nay, Soros Fund Management sẽ không có khách hàng bên ngoài lần đầu tiên trong 42 năm qua. Vào ngày 26.7, Soros quyết định trả lại xấp xỉ 1 tỉ USD tiền của khách hàng và chuyển Công ty thành công ty gia đình để quản lý khoảng 25 tỉ USD cho Soros, gia đình và các quỹ hoạt động xã hội của ông.

Có 2 từ giải thích cho quyết định này: Dodd-Frank. Luật Dodd-Frank của Mỹ yêu cầu các quỹ đầu cơ phải đăng ký với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SEC) và cung cấp các thông tin về khách hàng, nhân viên và tài sản. Bằng cách trả lại tiền của nhà đầu tư bên ngoài, Soros Fund Management đã có thể thoát khỏi vòng kim cô của luật này và vẫn giữ được tính bí mật cá nhân.

“Đèn hiệu” Soros

Cuộc đời và sự nghiệp của Soros kể từ khi mở quỹ đầu tiên vào năm 1969 với số tiền 4 triệu USD đến lúc “quy ẩn giang hồ” là một thước phim cho thấy ngành quỹ đầu cơ đã thay đổi và ông đã làm thay đổi ngành này như thế nào. Lúc đó, các quỹ đầu cơ chủ yếu phục vụ cho các cá nhân giàu có và không ai chú ý đến các nhà quản lý quỹ. Thậm chí không ai buồn theo dõi có bao nhiêu quỹ đầu cơ.

Thế nhưng, Soros đã làm thay đổi điều đó. Ông là một nhà đầu tư “vĩ mô”, tức người kiếm lời từ việc đặt cược vào các xu hướng kinh tế vĩ mô hơn là tập trung vào các cổ phiếu hoặc trái phiếu đơn lẻ. Cả thế giới là sòng bài của ông. Và sau vụ đặt cược vào đồng bảng Anh năm 1992, bất cứ khi nào có một loại tiền tệ bị giảm giá đều xuất hiện tin đồn rằng Soros đã đặt cược điều ngược lại.

Vào tháng 1.1998, Soros sang Hàn Quốc và gặp Tổng thống Kim Dae Jung. Sau đó, ông kết luận rằng đất nước này cần phải tái cấu trúc toàn bộ nền kinh tế. Nếu Hàn Quốc tiến hành được những thay đổi như củng cố hệ thống ngân hàng và cho phép nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần khống chế trong các công ty Hàn thì ông cam kết quỹ Quantum của ông sẽ đầu tư 1 tỉ USD vào đất nước này. Trong 3 ngày tiếp theo, chứng khoán Hàn Quốc đã tăng lên 7%. Có thể nói Soros được các nhà đầu tư xem như đèn hiệu và bất cứ động thái nào của ông cũng được dõi theo.

Nhờ vào sức hút từ các khoản siêu lợi nhuận mà Soros kiếm được, đến năm 2000, các quỹ đầu cơ đã hấp dẫn hơn. Các nhà quản lý quỹ như Julian Robertson, Louis Bacon và Paul Jones đều thu được lợi nhuận khổng lồ từ việc đặt cược vào cổ phiếu của các công ty Nhật, trái phiếu Mỹ và đồng tiền châu Âu. Một số đã xuất hiện trên các bìa tạp chí lớn và tiền đã được đổ vào ngành này một cách ồ ạt, thu hút các khách hàng lớn như các quỹ lương hưu, quỹ đầu tư quốc gia, quỹ hiến tặng và các tổ chức khác. Giá trị tài sản của các quỹ đầu cơ đã tăng mạnh, lên khoảng 1.900 tỉ USD vào giữa năm 2008.

Tuy nhiên, sau vụ ngân hàng Mỹ Lehman Brothers sụp đổ vào tháng 9.2008, các quỹ đầu cơ đã chứng kiến hơn 25% tài sản của họ bốc hơi khi các thị trường lao dốc và nhà đầu tư ồ ạt rút tiền khỏi quỹ. Mặc dù có tới 1.471 quỹ bị loại khỏi cuộc chơi, nhưng diễn biến tồi tệ này không kéo dài được lâu: Chưa đầy 3 năm sau đó, tài sản của ngành quỹ đầu cơ đã tăng trở lại con số 2.000 tỉ USD, qua cả mức đỉnh của năm 2008.

Cái không thể quay trở lại như cũ là niềm tin tuyệt đối vào sự khôn ngoan, sáng suốt của các nhà quản lý quỹ “ngôi sao”. Chính phủ Mỹ yêu cầu các quỹ đầu cơ phải minh bạch hóa thông tin (luật Dodd-Frank), còn các nhà quản lý quỹ ngày càng nhận được nhiều cái nhìn xoi mói hơn.

Các nhà đầu tư cũng để mắt hơn đến tình hình hoạt động của quỹ đầu cơ. Năm 2007, hằng quý các nhà quản lý quỹ đều viết thư để thảo luận các chủ đề đầu tư và báo cáo kết quả kinh doanh. Nay các quỹ trong đó có Paulson & Co. của John Paulson phải gửi cho khách hàng các báo cáo cập nhật hằng tuần chứ không phải hằng quý về tình hình của khoản đầu tư của họ. Thậm chí các nhà quản lý quỹ có uy tín cũng than phiền rằng khách hàng tiềm năng có thể bỏ ra 1 năm chỉ để đặt câu hỏi và làm khảo sát trước khi chấp nhận rót vốn vào quỹ.

Và nay trước quy định mới Dodd-Frank, để tránh sự giám sát của SEC, Soros đã quyết định chuyển công ty trở thành quỹ gia đình vào cuối năm nay.

Cảm giác đầu tiên về sự mạo hiểm

Soros sinh ra tại Budapest (Hungary) vào năm 1930. Tuổi thơ của ông gắn liền với những ngày kinh hoàng khi phát xít Đức tàn sát người Do Thái trong Chiến tranh Thế giới thứ 2. Thế nhưng, nó cũng cho ông cảm giác đầu tiên về sự mạo hiểm. Khi phát xít Đức tấn công thành phố vào năm 1944, cha của Soros đã sắp xếp làm giấy tờ giả cho gia đình và những người bạn để họ không mang thân phận là người Do Thái nhằm tránh cảnh thảm sát. Hầu hết những người được cha ông giúp đỡ đều sống sót trong cuộc chiến này.

Trong một bài tiểu luận đăng trên tạp chí New York Review of Books vào cuối tháng 6 vừa qua, ông viết: “Thay vì đầu hàng, chúng tôi đã chống lại số phận tàn khốc và chúng tôi đã sống sót. Không chỉ sống sót mà chúng tôi còn giúp được những người khác”. Ông cũng cho biết, trải nghiệm này đã cho ông niềm phấn khích lạ kỳ đối với rủi ro. “Điều này đã để lại một dấu ấn không phai trong tâm trí tôi, biến một thảm họa trở thành một cuộc phiêu lưu đầy phấn khích”.

Đặt chân đến New York lúc 26 tuổi, Soros vào làm chuyên viên giao dịch tại công ty môi giới ở Phố Wall là F.M. Mayer. Ông tính sẽ làm việc trong vòng 5 năm, khoảng thời gian đủ để ông tiết kiệm được 500.000 USD và sau đó qua Anh nghiên cứu ngành triết học. Thế nhưng, rốt cuộc ông đã ở lại Mỹ và đầu quân cho Arnhold & S. Bleichroeder Advisers. Tại đây, ông đã thành lập quỹ đầu tiên vào năm 1969, là tiền thân của Quantum. Ông bắt đầu thành lập công ty riêng vào năm 1973.

Vào cuối năm 1988, sau 19 năm đạt mức lợi nhuận hơn 30%, Soros đã thuê Stanley Druckenmiller từ quỹ tương hỗ Dreyfus để giám sát hoạt động giao dịch hằng ngày. Nhờ đó, ông có thể tập trung vào công tác xã hội. Mặc dù Druckenmiller là người thiết kế vụ giao dịch đặt cược 10 tỉ USD vào sự giảm giá của đồng bảng Anh, nhưng Soros là người thầy đào tạo nên Druckenmiller. Ông đã khuyến khích Druckenmiller đặt cược mạnh tay vào vụ giao dịch trên. Druckenmiller từng trả lời phỏng vấn hãng tin Bloomberg vào năm ngoái rằng Soros đã dạy ông một bài học quan trọng: “Khi bạn chắc chắn rằng mình đúng thì không có vụ đặt cược nào là quá lớn”.

Sau khi thua lỗ do bong bóng công nghệ xì hơi vào năm 2000, Soros đã cho nhiều người khác trong Công ty tham gia vào quy trình ra quyết định đầu tư và đồng thời chuyển một số tiền cho các nhà quản lý bên ngoài. 4 năm sau đó, ông đã đưa 2 con của mình lên giữ chức Phó Chủ tịch.

Tuy nhiên, Soros khó mà hoàn toàn tách khỏi hoạt động của Công ty. Theo một số nguồn tin nội bộ, ông không thể chịu được cảnh lỗ lã. Quỹ Quantum chỉ có một năm duy nhất làm ăn sa sút trong lịch sử 42 năm hoạt động. Thế nhưng, ông đã nhảy vào can thiệp. Năm 2007, khi con trai ông là Robert vẫn còn là Giám đốc Đầu tư của Quantum, cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn đang lan rộng. Soros đã nhảy vào nắm quyền kiểm soát quỹ trị giá 17 tỉ USD này. Quantum đã lãi 32% trong năm đó, phần lớn do chứng khoán Ấn Độ và Trung Quốc tăng giá. Năm tiếp theo, Quỹ đã đạt mức lợi nhuận 8% trong khi tính trung bình các quỹ đầu tư đã giảm khoảng 19%. Giữa năm 1973 (khi Soros bắt đầu thành lập công ty riêng) cho đến cuối năm 2010, Quantum đã tạo ra 35 tỉ USD lợi nhuận, theo một ước tính của LCH Investments.

Liều cả trong hoạt động xã hội

Nổi tiếng là một nhà đầu cơ với các phi vụ đầu cơ tiền tệ và thu về hàng tỉ USD lợi nhuận nhưng Soros cũng cho đi chừng ấy tiền. Ông đã mở quỹ hoạt động xã hội đầu tiên của mình là Open Society Fund vào năm 1979. Khi đó, ông đang quản lý khoảng 100 triệu USD và tài sản cá nhân của ông đã lên tới khoảng 25 triệu USD. Ông cho biết, trong 30 năm qua, ông đã cho đi hơn 8 tỉ USD để ủng hộ chế độ dân chủ, cải thiện giáo dục và chống đói nghèo trên khắp thế giới.

Soros đang tài trợ vốn cho mạng lưới các quỹ xã hội hoạt động tại 70 quốc gia từ Mỹ cho đến Nam Phi, Haiti. Tiền của ông được rót vào các dự án xã hội như chương trình cai nghiện ma túy hay phóng thích tù nhân sớm ở Baltimore. “Soros cực kỳ hào phóng và cũng là người can đảm khi dám chấp nhận rủi ro ngay cả trong lĩnh vực hoạt động xã hội,” Aaron Dorfman, nhà điều hành tại Ủy ban Quốc gia về Hoạt động Từ thiện (NCRP), một tổ chức độc lập giám sát các quỹ xã hội, cho biết. Trong khi đó, Caroline Preston, một tác giả tại tờ bán nguyệt san Chronicle of Philanthropy, nhận xét: “Soros dám lao vào giải quyết các vấn đề xã hội cực kỳ khó nuốt và sẵn sàng tài trợ cho các dự án cho dù cơ hội thành công của chúng là rất mong manh”.

Ban đầu Soros không muốn các tổ chức hoạt động xã hội của mình tồn tại mà không có ông vì lo ngại các tổ chức này có thể xa rời khỏi mục đích thành lập ban đầu. Tuy nhiên, sau đó, ông đã thay đổi ý định và quyết định rằng việc đóng cửa các tổ chức hoạt động xã hội sẽ là một “hành vi cực kỳ ích kỷ”. Đối với Soros, việc từ bỏ công tác xã hội dường như khó khăn hơn nhiều so với việc từ bỏ quản lý tiền của các nhà đầu tư bên ngoài.

Thực vậy, ngay cả trong quá trình thực hiện các thương vụ đầu cơ, đôi khi ông khó tách bạch việc kiếm lời với việc muốn làm một hoạt động xã hội lớn lao. Cuối năm 1998, Soros đăng một bài tiểu luận trên tờ Financial Times khuyên chính phủ Nga giảm giá đồng rúp từ 15-25%. Các nhà đầu tư lập tức xem đó như một dấu hiệu ông sẽ bán ra các chứng khoán Nga. Và họ cũng lao theo đặt cược vào sự giảm giá đồng rúp.

Giá trái phiếu bằng đồng rúp giảm mạnh và 4 ngày sau đó, Chính phủ Nga đã vỡ nợ. Kết quả là Soros mất hơn 1 tỉ USD. Đó là vì ông không hề bán ra mà vẫn tiếp tục nắm giữ trái phiếu và cổ phiếu Nga. Việc ông đầu tư vào Nga có mục đích cao hơn thế. “Ông cảm thấy rằng nếu mình là một cái đèn hiệu về đầu tư tại Nga thì những người khác sẽ theo chân và dòng vốn chảy vào sẽ làm thay đổi xã hội Nga. Ở Soros, luôn có một con người bác ái tồn tại song song với con người đầu cơ”, Robert Johnson, nguyên một nhà điều hành tại quỹ Soros, nhận định.

Theo Ngô Ngọc Châu

NCĐT /BusinessWeek

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên