MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Khi Giáo hoàng làm ... CEO

21-04-2014 - 16:32 PM |

Cách xử lý của Giáo hoàng đem đến cho chúng ta bài học về những kỹ năng lãnh đạo một công ty vượt qua khủng hoảng.

Các trường kinh doanh trên toàn thế giới thường dạy sinh viên của họ về những vị CEO xuất sắc đã “thổi làn gió mới” vào những công ty đang đứng bên bờ vực như Lou Gerstner của IBM, Sergio Marchionne của Fiat hay Steve Jobs của Apple. Giờ đây, có lẽ trường kinh doanh Harvard cần bổ sung thêm một ví dụ điển hình khác: Jorge Bergoglio – người đã định vị lại hoàn toàn “thương hiệu” của nhà thờ Công giáo chỉ trong vòng 1 năm. 

Khi Giáo hoàng Francis lên nhậm chức cách đây 1 năm, Vatican đang ở trong cơn khủng hoảng. Những vụ scandal bao trùm nhà thờ Công giáo. Việc tuyển dụng cũng rất khó khăn, bất chấp đó sẽ là công việc ổn định cả đời trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái. 

Không chỉ có vậy, các tài liệu bị rò rỉ cho thấy tình trạng tham nhũng ở ngân hàng Vatican. Thậm chí một quan chức Vatican đã bị cảnh sát Ý bắt giữ vì âm mưu vận chuyển 20 triệu euro (tương đương 553 tỷ đồng) tiền mặt từ Thụy Sĩ trên chuyến bay của Chính phủ Ý. Vị linh mục này cũng đang bị điều tra vì cáo buộc tham ô tiền từ thiện. 

Sự kiện Giáo hoàng Benedict XVI khiến người ta lo lắng Vatican sẽ bị chia rẽ. Ông là vị Giáo hoàng đầu tiên từ chức sau 600 năm.  

Thế nhưng, chỉ sau 1 năm, Vatican dường như đã lấy lại được niềm kiêu hãnh. Giáo hoàng Francis nhận được sự ủng hộ của đông đảo người dân: 85% giáo dân người Mỹ (vốn là bộ phận khá khó tính) ủng hộ ông. Làm thế nào mà ông có thể làm được điều đó? Theo Economist, Giáo hoàng đã thành thục ba quy tắc mấu chốt. 

Quy tắc thứ nhất là bài học cơ bản nhất. Giáo hoàng đã hướng Vatican tập trung vào nhiệm vụ cốt lõi nhất: giúp đỡ người nghèo. Một trong những quyết định đầu tiên mà ông đưa ra sau khi nhậm chức là từ chối căn hộ sang trọng với hơn 10 phòng riêng và có góc nhìn xuống toàn cảnh thành phố Rome. Ông lựa chọn ở lại khu nhà ở Domus Santra Marta bên trong Vatican – nơi ông vẫn sống chung với các vị giáo sĩ khác. 

Giáo hoàng Francis chọn cho mình tên gọi của vị thánh vốn nổi tiếng vì đã chăm sóc cho người nghèo và các con vật. Ông đã quỳ xuống, hôn và rửa chân cho nhiều người đến từ nhiều tôn giáo cũng như tầng lớp xã hội khác nhau. Ông đã đổi đôi giày màu đỏ của người tiền nhiệm Benedict lấy đôi giày màu đen đơn giản và từ chối chiếc xe Mercedes sang trọng để dùng chiếc Ford cũ kỹ. 

Nhờ đó, Vatican mất ít nguồn lực hơn cho những hoạt động như tranh cãi về các học thuyết hoặc những lễ kỷ niệm tốn kém. 

Cùng với thay đổi chiến lược, Giáo hoàng cũng sử dụng hai “công cụ quản lý” để đạt được hiệu quả tối ưu. Công cụ thứ nhất là tái định vị nhãn hiệu. Giáo hoàng Francis vẫn tiếp tục ủng hộ cách giảng dạy truyền thống về vấn đề nạo phá thai và kết hôn giữa người đồng tính. Tuy nhiên, cách tiếp cận của ông ít gay gắt hơn so với những người tiền nhiệm. 

Một công cụ khác là tái cấu trúc. Ông đã bổ nhiệm một nhóm gồm 8 hồng y có nhiệm vụ đánh giá lại cơ cấu tổ chức của nhà thờ. Ông cũng mời McKinsey và KPMG tư vấn về bộ máy hành chính của nhà thờ và xem xét toàn bộ ngân hàng Vatican.

Cách làm của Giáo hoàng Francis có thể mang lại hiệu quả hay không? Thời gian sẽ cho chúng ta câu trả lời. 

Thu Hương

thuyntt

CafeF/Trí Thức Trẻ/Economist

Trở lên trên