Lê Bá Huy - Người mang "Quán cà phê 470 tỷ đồng" về Đà Nẵng
Không phải là sản phẩm của sự “chơi ngông” giống như nhiều người lầm tưởng, Không gian xưa là kết quả của ông Lê Bá Huy, từ tâm huyết, niềm đam mê và mơ ước bảo tồn giá trị văn hóa của cha ông ta.
- 12-12-2011“Choáng” với quán cà phê có vốn đầu tư 470 tỷ đồng ở Đà Nẵng
- 01-02-2012Ông chủ sở hữu 18 căn nhà rường Việt trị giá hàng trăm tỷ đồng
“Để có một Không gian xưa như hiện nay, đó là sự cộng gộp từ một tấm lòng của cái tâm, lòng yêu nước, niềm đam mê, một chút tài, một chút tình và cả một chút may mắn nữa” - Ông Lê Bá Huy. |
- Thưa ông, là giám đốc của một DN lắp máy mang dấu ấn của thời đại công nghiệp, vậy điều gì đưa ông đến với Không gian xưa – nơi lưu giữ toàn những giá trị văn hóa xưa?
Có nhiều lý do để tôi quyết định hình thành một Khu du lịch văn hóa Không gian xưa. Tuổi thơ của tôi luôn gắn liền với đồng quê, rồi suốt ngày phải theo ba mẹ đi làm công trình, cải tạo đồng ruộng nên những hình ảnh quê xưa đã nằm trong tiềm thức của tôi. Vì vậy tôi luôn ước mơ sẽ tạo dựng lại một cái gì đó mang dấu ấn của cuộc sống ngày xưa mà chính tôi từng được nghe kể và biết đến. Không gian xưa đã đi vào hoạt động và trở thành nơi để con người hướng về cội nguồn và cân bằng trạng thái trước cuộc sống hiện đại, nhiều lo toan.
- Nhiều người cho rằng, ông “chơi trội” khi đầu tư gần 500 tỷ đồng để xây dựng Không gian xưa. Ông nghĩ mình sẽ thu lại được gì từ công trình này không?
Không gian xưa là tâm huyết của không chỉ cả cuộc đời tôi mà nó là niềm tự hào cho người Đà Nẵng nói chung. Tôi xây dựng Khu du lịch văn hóa này xuất phát từ đam mê, từ một tấm lòng chân thành của tôi dành cho cha mẹ, cho quê hương đất nước và mong muốn lưu lại cho đời những nét sinh hoạt của ông cha ta, giá trị văn hóa ba miền đất nước, nơi có “Cây đa, giếng nước, sân đình; Có hàng cau, lối nhỏ, mái tranh, vách đất; Có hệ thống kênh rạch, cầu khỉ và chợ nổi trên sông”. Để từ đó, bất cứ ai khi đển với Không gian xưa cũng sẽ nhớ về quá khứ và luôn hướng họ về với cội nguồn.
Đây là một tác phẩm “vô giá” không chỉ dành cho tôi, mà đó chính là nơi để bất cứ ai đó có thể hoài niệm về quá khứ và hướng con người về với cội nguồn, về với những giá trị thiêng liêng của tổ tiên.
Tạo nên “một tác phẩm nghệ thuật”
- Không cần chuyên gia và kiến trúc sư, Không gian xưa chính là “tác phẩm nghệ thuật” do tự tay ông thiết kế. Xin được hỏi, điều gì đã giúp ông hoàn thành tác phẩm nghệ thuật này?
Tất cả đều xuất phát từ “cái tâm”, niềm đam mê và cảm xúc. Bất cứ ai, cho dù có tiền nhiều đến mấy mà không có cảm xúc, tâm huyết và niềm đam mê thì không thể tạo cho mình một tác phẩm có hồn.
- Tuy mới đưa vào hoạt động từ tháng 4/2011, nhưng Không gian xưa đang trên đường trở thành một thương hiệu không chỉ riêng của Đà Nẵng. Điều gì đã tạo sự khác biệt của Không gian xưa so với nhiều điểm du lịch văn hóa khác, thưa ông?
Trước hết, Không gian xưa là một công trình mang ý tưởng sâu sắc, có sự kết hợp một cách hoàn hảo của không gian văn hóa ba miền. Cả khu du lịch được xây dựng theo hình chữ “L” – (nghĩa là “Long”– tức “Rồng”). Cổng được thiết kế bằng một bức tranh rất sinh động “Cây đa, bến nước, sân đình”.
Bên trong có cây Tùng La Hán (Quân tử), hai cây Sanh gần 100 tuổi và Hồ bán nguyệt có hòn giả sơn tượng trưng cho Ngũ hành sơn Kim, Mộc, Thủy, Hỏa, Thổ. Phía bên phải có Khu Cổ Lầu với nhiều câu đối, hoành phi, bàn ghế cổ xưa và một bức tranh ba miền rất sinh động. Phía bên trái có Tứ bình – tượng trưng cho 4 mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông và tương ứng với hình ảnh của Mai – Lan – Cúc – Trúc.
Chính giữa là Cầu Rồng “Lưỡng Long Tranh Châu” và ở phía trong là toàn cảnh về Không gian xưa, nơi có Tứ Linh (Long – Lân – Quy – Phụng) đều từ thiên nhiên tạo hóa, có cây Thiên Tuế già nhất Việt Nam 600 tuổi, có Lầu Vọng Nguyệt, Nhà truyền thống, Thư phòng, Khu phố cổ Hội An,…
Không gian xưa do chính tay ông Lê Bá Huy – Giám đốc Công ty TNHH & TM lắp máy miền Nam đầu tư xây dựng. Đây được xem là một trong những khu du lịch văn hóa độc nhất vô nhị tại Việt Nam – nơi lưu giữ toàn cảnh về không gian văn hóa xưa của ba miền Bắc – Trung – Nam. Khu du lịch Văn hóa Không gian xưa có quy mô 4000 m2 được xây dựng từ 8/2007 và đã đi vào hoạt động từ ngày 30/4/2011, với sức chứa cùng một lúc 1500 khách. Khu du lịch văn hóa này nằm trên đường Điện Biên Phủ, ngay gần Trung tâm thành phố Đà Nẵng. |
- Thưa ông, chắc chắn sẽ có nhiều người sẽ rất ngưỡng mộ ông khi đến Không gian xưa. Vậy trong cuộc sống ông ngưỡng mộ ai nhất?
Tôi ngưỡng mộ rất nhiều người, tuy nhiên để hình thành một khu du lịch văn hóa kiểu như Không gian xưa thì chắc chắn người tôi ngưỡng mộ nhất và kính nể nhất chính là chị Phan Thị Phương Thảo – Chủ tịch tập đoàn Khang Thông, một người phụ nữ đã “dám nghĩ, dám làm” khi đầu tư xây dựng Khu du lịch Happy Land. Không phải tôi kính nể bởi chị ấy đầu tư hàng tỷ đôla mà quan trọng ở chỗ, Happy Land chính là khu phức hợp văn hóa của thế giới tại Việt Nam, nó vượt xa so với Không gian xưa và vươn tầm quốc tế, mang văn hóa thế giới hội tụ tại Việt Nam, đồng thời giúp tất cả chúng ta không cần phải đi đâu xa, chỉ cần đến với Việt Nam thì sẽ cảm nhận được toàn bộ giá trị của các nền văn minh, văn hóa trên thế giới.
Tuy Không gian xưa và Happy Land không cùng một đẳng cấp, nhưng lại cùng có một điểm chung là nơi lưu giữ các giá trị văn hóa nhân loại và luôn hướng con người biết trân trân trọng và gìn giữ những giá trị văn hóa xưa. Nếu không gian xưa là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa Việt, thì Happy Land chính là một bức tranh toàn cảnh về “Xứ hạnh phúc trên đất Việt” mà bất cứ ai đều có thể cảm nhận được khi đến đây.
- Xin cảm ơn ông!
Theo La Thành
Diễn đàn doanh nghiệp