Một đám tang nhà họ Chu (Kỳ 1)
Theo báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, với số tài sản tịch thu được và số lượng người bị bắt, thẩm vấn liên quan đến Chu Vĩnh Khang đã khiến đây trở thành cuộc điều tra lớn chưa từng có kể từ năm 1949.
- 02-04-2014Đế chế kinh doanh của con trai cả Chu Vĩnh Khang
- 31-03-2014Thế lực gia tộc Chu Vĩnh Khang ở Giang Tô
- 31-03-2014Trung Quốc tịch thu tài sản trị giá 14,5 tỉ USD của thân nhân, thuộc cấp ông Chu Vĩnh Khang
- 10-01-2014Con trai cả của Chu Vĩnh Khang bị bắt
- 07-12-2013Rộ tin Chu Vĩnh Khang âm mưu ám sát ông Tập Cận Bình
Chu Vĩnh Khang, 71 tuổi, nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, nguyên bộ trưởng công an Trung Quốc, hiện đang bị quản thúc sau khi nhà chức trách Trung Quốc chính thức điều tra ông này từ cuối năm ngoái.
Hai ngày sau tết nguyên tiêu năm nay, tuyết bắt đầu rơi trắng xóa khắp vùng Giang Nam. Trong cái lạnh tê buốt, hơn 160 người lững thững bước đi bên cạnh cỗ quan tài màu đỏ, nét mặt không lộ chút cảm xúc.
Đám tang của Chu Nguyên Hưng, 70 tuổi - một trong những người có thế lực nhất thành phố Vô Tích (tỉnh Giang Tô) - diễn ra một cách lặng lẽ, khác xa với thời ông còn sống. Con cháu, anh em, họ hàng của ông đều bị bắt giữ để điều tra.
Theo báo điện tử Tài Tân, Chu Nguyên Hưng là con thứ hai trong gia đình có ba anh em trai: Chu Nguyên Căn, Chu Nguyên Hưng và Chu Nguyên Thanh. Anh cả Chu Nguyên Căn là người đưa họ Chu trở thành một gia tộc quyền thế nhất tỉnh Giang Tô. Trên chính trường, người ta biết đến người anh cả quyền lực này với một tên gọi khác: Chu Vĩnh Khang, nguyên ủy viên thường vụ Bộ Chính trị, nguyên bộ trưởng công an, trước đó từng đứng đầu ngành dầu khí Trung Quốc.
Gia tộc quyền thế
Đoàn đưa tang hướng thẳng về đường Hậu Đông - con đường từng tượng trưng cho thế lực của nhà họ Chu giờ như sân khấu đã hạ màn. Chu Nguyên Hưng qua đời trong một ngôi nhà nhỏ ở Vô Tích do bệnh ung thư xương. Hai lần khám xét nhà khiến gia đình Chu Nguyên Hưng hết sức bàng hoàng. Ngoài người vợ khóc lóc không ngớt, nét mặt của tất cả những người còn lại hầu như không lộ chút cảm xúc. Người con lớn Chu Hiểu Hoa tay bưng bát hương, bước đi như người vô hồn.
“Gia đình Chu Nguyên Hưng phất lên quá nhanh. Khi anh cả (Chu Vĩnh Khang) trở thành sếp tại Tập đoàn Dầu khí nhà nước CNPC, gia đình này bắt đầu có của ra của vào. Khi Chu Vĩnh Khang được điều đến Tứ Xuyên, tiền bạc đổ vào nhà này càng nhiều” - một người sống ở thôn Tây Tiền Đầu lâu năm cho biết. Theo nhiều người dân, nhà của Chu Nguyên Hưng chất đầy rượu Ngũ Lương Dịch, Mao Đài, thuốc lá hạng sang và nhiều vàng miếng. Ngoài ra, còn có ba miếng ngọc phỉ thúy, mỗi miếng nặng 5kg.
Theo Tài Tân, tài sản cha con Chu Nguyên Hưng có được là nhờ vào việc kinh doanh rượu Ngũ Lương Dịch. Nguyên Hưng còn phát tài nhanh chóng nhờ vào các phi vụ chạy trường, mua quan bán chức. “Nếu có người nào đó tìm việc làm hay công ty nào đang gặp khó khăn, họ có thể tìm đến Chu Nguyên Hưng” - một nguồn tin ở Tây Tiền Đầu cho biết.
Khi quyền lực của Chu Vĩnh Khang ngày càng mở rộng, cha con Chu Nguyên Hưng còn thầu cả chạy án. Theo nguồn tin của Tài Tân, bí thư một thị trấn ở Vô Tích đã chi đến 150.000 NDT để nhờ gia đình họ Chu giúp đỡ. Chu Nguyên Hưng từng tự đắc rằng: “Một lần tôi bước ra khỏi cửa là có thể kiếm được ít nhất 400.000 NDT”.
Do thường lái chiếc xe có biển số 001, Chu Hiểu Hoa, con trai Chu Nguyên Hưng, hay được nhiều người dân Tây Tiền Đầu gọi là “bộ trưởng”. “Bộ trưởng” tuy trình độ không cao nhưng có gan tày trời. Người trong vùng ai cũng biết Hiểu Hoa từng bạt tai cả cảnh sát. Một lần bị cảnh sát giao thông chặn xe, Hiểu Hoa tiện tay tát cho cảnh sát hai bạt tai và hét lớn “gọi cục trưởng tụi mày ra đây!”. Thế là chẳng những không bị phạt vì “chống người thi hành công vụ”, cảnh sát còn phải xin lỗi và bồi thường bộ quần áo mà Hiểu Hoa làm dơ trong lúc ẩu đả.
Từ đó trở về sau, ngoài việc làm nhiệm vụ, cảnh sát giao thông còn phải hết mực cẩn trọng khi bắt nhầm xe của người mang họ Chu.
Thôn Tây Tiền Đầu, quê hương của gia tộc quyền thế họ Chu - Ảnh: China.com.cn |
Bành trướng đế chế kinh doanh
Trong khi cha con Chu Nguyên Hưng tung hoành ở quê nhà thì cả gia đình em út Chu Nguyên Thanh lại lập thành một đế chế kinh doanh hùng mạnh tại Bắc Kinh.
Báo Tân Kinh - tờ báo do hai tờ báo đảng Quang Minh Nhật Báo và Nam Phương Nhật Báo hợp tác - cho biết Chu Nguyên Thanh phất lên nhờ cưới được cô vợ Chu Linh Anh - con gái của bí thư thị trấn Phường Tiền, kiêm cục trưởng Cục Doanh nghiệp huyện Vô Tích (Vô Tích nay đã lên thành phố). Khi thế lực của anh cả Chu Vĩnh Khang lớn dần, Chu Nguyên Thanh bắt đầu vươn vòi đến chốn quan trường. Từ một người chỉ vừa mới học hết cấp II, Chu Nguyên Thanh được giữ chức vụ cục phó Cục Tài nguyên đất quận Huệ Sơn, thành phố Tích Sơn.
Từ đó, Nguyên Thanh cùng vợ Linh Anh và con trai Chu Phong đầu tư vào mọi lĩnh vực có thể hái ra tiền: khai khoáng, mua bán dụng cụ phòng cháy chữa cháy, cho đến mua thiết bị khai thác dầu khí...
Tuy nhiên, người ta ít biết rằng gia đình Chu Nguyên Thanh còn mở đại lý Audi - xe của các quan chức Trung Quốc - và hợp tác với CNPC để buôn bán khí đốt hóa lỏng. Chu Nguyên Thanh còn làm cầu nối giữa quan chức địa phương với “trung ương”. Hầu hết những cuộc “thăm viếng” Chu Vĩnh Khang đều do Nguyên Thanh sắp xếp.
Theo Tài Tân, kể từ khi anh cả nhà họ Chu thăng tiến lên chức bí thư tỉnh Tứ Xuyên, hàng loạt xe biển số nhà nước, trong số đó có cả xe cảnh sát, ồ ạt đổ về lăng mộ gia tộc họ Chu thăm viếng, cúng bái. Mỗi tết thanh minh, số người tảo mộ về thôn Tây Tiền Đầu đếm không xuể. Các cán bộ này không chỉ đến từ Vô Tích, Giang Tô, mà còn đến từ khắp nơi ở Trung Quốc. Trước khi ra về, họ thường nhắn nhủ: “Làm ơn nói với bác cả một tiếng nhé!”.
Do lượng người đến tảo mộ quá đông, năm 2009, chính quyền địa phương còn xây một bãi đậu xe nhỏ ở phía bắc thôn Tây Tiền Đầu, đồng thời lát gạch một con đường nhỏ dẫn đến mộ phần của nhà họ Chu.
Một đêm mùa thu năm 2009, có người chơi khăm khoét một lỗ trên phần mộ tổ tiên. Sự việc không chỉ khiến công an Vô Tích sốt vó mà cả công an Giang Tô, công an Thượng Hải, thậm chí Bộ Công an cũng đứng ngồi không yên.
Hiện tại, hàng lớp người vẫn kéo về thôn Tây Tiền Đầu nhưng không phải để cúng bái nhằm lấy lòng cấp trên, mà đến chụp ảnh vì hiếu kỳ trước gia tộc từng làm mưa làm gió ở Giang Tô.
Ngày 1-12-2013, hơn 10 nhân viên của cơ quan kiểm tra kỷ luật đã đến nhà của Chu Nguyên Thanh và tịch thu rất nhiều vàng, bạc, đá quý, thuốc lá, rượu đắt và siêu xe. Hai vợ chồng Chu Linh Anh bị đưa đi lúc 11g đêm. Nguồn tin của báo Tân Kinh cho biết việc bắt giữ này có liên quan đến thương nhân Chu Bân, con trai Chu Vĩnh Khang.
Tờ báo này dẫn lời các quan chức Vô Tích cho biết gia đình Chu Nguyên Thanh có liên quan đến Tập đoàn năng lượng Côn Lôn, công ty con của CNPC và hàng loạt dự án kinh doanh mờ ám khác. Bản thân chủ tịch hội đồng quản trị Côn Lôn, phó tổng giám đốc CNPC Lý Hoa Lâm cũng bị bắt giữ vì vi phạm kỷ luật nghiêm trọng.
>> Thế lực gia tộc Chu Vĩnh Khang ở Giang Tô
Theo Đông Phương
Tịch thu tài sản trị giá 90 tỉ nhân dân tệ Theo Reuters, nhà chức trách Trung Quốc tịch thu số tài sản trị giá 90 tỉ NDT của gia đình và thuộc cấp của Chu Vĩnh Khang, thẩm vấn hoặc bắt giữ tổng cộng đến 313 người thân, đồng minh chính trị, doanh nhân và quan chức cấp dưới của Chu Vĩnh Khang. Cơ quan điều tra đã đóng băng hơn 1.000 tài khoản ngân hàng với số tiền 37 tỉ NDT, tịch thu cổ phiếu trong và ngoài nước trị giá 51 tỉ NDT cùng 47.850kg vàng, bạc, 2,7 triệu USD, 660.000 euro, 110.000 bảng Anh, 550.000 franc Thụy Sĩ, 27 khẩu súng và hơn 11.000 viên đạn các cỡ. Ngoài ra còn có 300 căn hộ, biệt thự trị giá 1,7 tỉ NDT, các đồ cổ, tác phẩm hội họa với giá thị trường 1 tỉ NDT và khoảng 60 chiếc xe, trong đó có nhiều siêu xe |