Người "bán trăng"
Lắng nghe câu chuyện kinh doanh của Phan Xuân Thanh, một doanh nhân trẻ trong làng du lịch dịch vụ Hội An gợi người ta nhớ đến câu thơ: "Ai mua trăng tôi bán trăng cho/ Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ...".
Có thể là do các dịch vụ Thanh làm đều liên quan đến "trăng", như kinh doanh Nhà hàng Full Moon (Phố Trăng Hội An), hay sản phẩm phiên chợ quê Hội An mang cái tên thơ mộng "Bến sông trăng". Và cũng có thể do suy nghĩ của Thanh về nghề, về công việc kinh doanh cũng có chất lãng mạn, phiêu linh, đến "trăng" cũng thành sản phẩm độc đáo.
Khơi lại giá trị bản địa
Ý tưởng "bán trăng" xuất hiện khi Phan Xuân Thanh nhận được đơn đặt hàng một buổi tiệc đêm dành cho số khách du lịch MICE đến từ khắp thế giới.
Anh có thể đáp ứng tối đa yêu cầu của khách với cơ sở Nhà hàng Full Moon rộng hàng ngàn mét vuông, nhưng khi biết được những yêu cầu khắt khe của đối tác, Thanh chợt nghĩ đây chính là hợp đồng lý tưởng để thực hiện một sản phẩm độc đáo nhất từ trước đến nay trong văn hóa ẩm thực.
Những ngày sau đó, kịch bản của phiên chợ quê mang cái tên "Bến sông trăng" được gửi đến khách hàng, và họ đã kinh ngạc lẫn thích thú khi thấy bữa tiệc tối của tập đoàn đã được biến thành chuyến đi tham dự một phiên chợ quê thế kỷ XIX, tận hưởng tất cả những nét đặc sắc trong văn hóa bản địa của thương cảng Hội An trên bến dưới thuyền trong một đêm trăng rực rỡ.
Thanh kể, khách hàng cũng không phải "tay mơ”, họ giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện và rất hài lòng khi thấy nhà cung cấp dịch vụ không chỉ có ý tưởng, mà còn rất "cao tay" khi mời các chuyên gia văn hóa đến tư vấn về phong tục tập quán, phục dựng, trưng bày hiện vật, lễ cầu an, các làn điệu dân ca, trò chơi dân gian, cảnh mua bán trên sông và một bữa tiệc ẩm thực tạo ra một không gian chợ phiên cách đây 200 năm hoàn hảo về mỹ cảm và tạo sự hưng phấn cho khách.
Điều đặc biệt nhất là Thanh không tận dụng mặt bằng của Nhà hàng Full Moon vốn là một khu vườn xinh đẹp với những ngôi nhà rường cổ xưa tọa lạc bên dòng sông. Anh đưa phiên chợ ra giữa một cánh đồng lúa xanh tốt, và kết hợp với một số nông dân trong vùng làm những nhân vật chủ thể của phiên chợ ấy.
Sự đầu tư kỹ càng đã mang lại kết quả rất tuyệt vời. Bữa tiệc ẩm thực mang tên Lễ hội "Bến sông trăng" đã chinh phục các du khách nước ngoài và họ sẵn sàng trả giá cao để tận hưởng văn hóa. Thanh không chỉ thành công về mặt kinh doanh, mà còn quyết tâm theo đuổi sản phẩm du lịch độc đáo này nhằm làm cho nó hoàn thiện.
Anh đã phát triển ý tưởng một phiên chợ Hội An thành nhiều kịch bản khác nhau để tổ chức những phiên chợ mới mẻ ở các vùng miền khác. Thanh cho biết, anh đã có hợp đồng tốt đủ điều kiện chuẩn bị một phiên chợ tại Huế, với những đặc tính văn hóa thật đặc sắc của vùng đất cố đô.
Phiên chợ do Xuân Thanh tổ chức
Tin vào sáng tạo
Rất tự tin khi tiếp nhận mặt bằng một nhà hàng có quy mô lớn ở Hội An nhiều năm làm ăn thua lỗ, Phan Xuân Thanh tin rằng những ý tưởng mới lạ, có đầu tư tốt sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn thị trường du lịch đang trầm lắng. Kết quả là trong một thời gian ngắn, Nhà hàng Full Moon đã nhanh chóng có được lượng khách du lịch lớn.
Du khách đến Việt Nam tăng nhưng mức chi tiêu thấp do sản phẩm và dịch vụ nghèo nàn luôn là vấn đề cản trở sự phát triển bền vững. Sự phát triển du lịch quá nóng của Hội An tuy nhanh chóng đem lại sự thành đạt cho các doanh nhân trẻ năng động, nhưng chất lượng sản phẩm đã bộc lộ điểm yếu không theo kịp sự gia tăng của khách.
Và ở đây bỗng xuất hiện Công ty CTC Hội An chuyên đào tạo miễn phí các kỹ năng phục vụ ngành du lịch. Phan Xuân Thanh lập công ty này với mục đích hoạt động vì cộng đồng, góp phần đào tạo nhân lực cho ngành du lịch.
Trong vòng một năm qua, 550 lượt học viên đã kinh qua các lớp: Chăm sóc và phục vụ khách hàng, Kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp, Kỹ năng giao tiếp, Tâm lý du khách, Tiếp thị du lịch trong thời đại internet, Kỹ năng giải quyết khiếu nại và phàn nàn của khách.
Thanh đang chuẩn bị cho đề án đào tạo kỹ năng nghề bếp cho người dân các xã nghèo tại Hội An để họ có thể tham gia vào guồng máy dịch vụ. Tất cả các lớp học này đều miễn phí, vậy kinh phí cho hoạt động xã hội này lấy từ đâu?
Thanh chia sẻ: "Nhiều doanh nghiệp muốn góp sức thực hiện các hoạt động xã hội thiết thực. Chỉ cần mình có đề án tốt, họ sẵn sàng hỗ trợ vé máy bay, phòng khách sạn cho chuyên gia giảng dạy, cho mượn hội trường... Vấn đề là chất lượng đào tạo phải cao, sát với yêu cầu thực tế!".
Theo Bích Hồng