Nhậm chức nhiệm kỳ hai, Tổng thống Obama có gì khác?
Bốn năm trước, khi bước vào Nhà Trắng, ông Barack Obama là một gương mặt mới và là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Còn nay, ông đã 51 tuổi, tóc đã bạc và gương mặt xuất hiện nhiều nếp nhăn.
Những thay đổi của Tổng thống Obama không chỉ ở vẻ bề ngoài. Khi bước sang nhiệm kỳ hai, ông cũng tỏ ra tự tin hơn, cam kết có quan điểm cứng rắn hơn trong các cuộc đàm phán, tin tưởng nhiều hơn vào các đồng minh đáng tin cậy, hứa hẹn ít hơn và ngày càng chỉ trích mạnh mẽ tính đảng phái tại Washington. Và có lẽ điều quan trọng nhất là ông có vẻ ngày càng tin rằng cần duy trì sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu Mỹ - những người đã giúp ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2008 - đối với ông.
"Chúng ta không thể thay đổi Washington từ bên trong. Chúng ta chỉ có thể thay đổi nó từ bên ngoài", ông Obama đã nói như vậy trong chiến dịch vận động tái tranh cử.
Trong những ngày tháng tốt đẹp nhất suốt nhiệm kỳ tổng thống của mình, ông Obama đã được chứng kiến sức mạnh và khả năng mà vị trí của ông có thể đem lại. Tuy nhiên, trong những khoảng thời gian tồi tệ nhất, ông cũng thấy được hạn chế của vị trí này. Tổng thống Obama đã vui mừng khi dự luật cải cách y tế của ông được thông qua, song ông cũng đã phải khóc thương những đứa trẻ bị chết trong vụ thảm sát tại một trường tiểu học ở Newtown, bang Connecticut. Ông cũng từng nếm trải hương vị chiến thắng khi nghe tin trùm khủng bố Osama bin Laden cuối cùng cũng bị tiêu diệt. Và ông cũng phải đứng mặc niệm trước thi thể của những người lính đã ngã xuống được đưa trở về Mỹ.
Xen giữa những thăng trầm này là những công việc hàng ngày đầy khó khăn của người đảm nhận cương vị tổng thống - công việc có thể dễ khiến người ta nản chí bởi những yêu cầu đặt ra đối với người nắm giữ vị trí này chẳng bao giờ kết thúc. Lúc nào cũng có các cuộc đàm phán, những "cuộc chiến" pháp lý, các vấn đề kinh tế, hay một thảm họa thiên tai nào đó.
Theo nhận xét của nhiều người, phong cách và cá tính của ông hầu như không có gì thay đổi. Tuy nhiên, trong suốt nhiệm kỳ tổng thống, các vấn đề như cuộc khủng hoảng kinh tế, "cuộc chiến" về chương trình cải cách y tế, thất bại nặng nề trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, những vụ xả súng đẫm máu trong năm qua, các cuộc đàm phán không có hồi kết về vấn đề nợ và thâm hụt ngân sách, cùng với cuộc bầu cử tổng thống gần đây, đã có ảnh hưởng tới tính cách của ông và giúp ông định hình quan điểm của riêng mình.
"Bốn năm trên cương vị tổng thống, ông ấy đã hiểu rất rõ về công việc này. Ông ấy biết có thể làm được gì nếu được người dân Mỹ ủng hộ và ông ấy sẵn sàng cùng mọi người tạo ra sự thay đổi", cố vấn cấp cao Valerie Jarret nói.
Tuy nhiên, sự thay đổi không dễ xảy ra tại Washington, nơi vốn luôn bị chia rẽ rất sâu sắc. Phần lớn những người của đảng Cộng hòa cho rằng những chính sách của Tổng thống Obama mà họ cho là sai lầm và chiến thuật không nhượng bộ của ông là nguyên nhân dẫn tới sự chia rẽ đảng phái kéo dài. Một số người trong đảng của ông Obama cũng hoài nghi rằng với giọng điệu mới và mạnh mẽ hơn, liệu tổng thống có thực sự sẽ đưa ra những lập trường cứng rắn hơn hay không.
Dân chúng cũng bắt đầu xem xét lại những đánh giá của riêng họ đối với ông Obama trong 4 năm qua. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy tổng thống vẫn được coi là người có kỹ năng giao tiếp tốt, thân thiện, hiểu biết, chu đáo và đáng tin cậy. Tuy nhiên, số người cho rằng ông Obama là một nhà lãnh đạo mạnh mẽ và là người có thể giải quyết mọi việc đã giảm xuống đáng kể.
“Ở một mức độ nào đó số người tin tưởng vào ông Obama sẽ tăng lên, bởi tỷ lệ ủng hộ ông gần đây đã được cải thiện”, chuyên gia Andrew Kohut làm việc tại Trung tâm Nghiên cứu Pew nhận định. Thực tế, tỷ lệ ủng hộ ông đã trở lại mức khoảng 50% sau khi bị sụt xuống còn trên dưới 40% vào một số thời điểm trong năm 2011 và 2012. Tuy nhiên, ông Kohut cho rằng trong vài tháng đầu nhậm chức nhiệm kỳ hai, con số này vẫn chưa thể đến gần ngưỡng 60 hay 70%.
Sau khi tái đắc cử, bản thân Tổng thống Obama khẳng định rằng ông đã có quyền lực mạnh mẽ hơn và mong muốn được sử dụng quyền lực này. Ông nói rằng ông sẽ không đàm phán với đảng Cộng hòa về việc tăng mức trần nợ công. Ông đang sử dụng các quyền lực hành pháp của mình để đơn phương hành động nhằm nỗ lực hạn chế tình trạng bạo lực có liên quan tới súng ống.
Trong thông báo về gói các đề xuất nhằm tăng cường việc kiểm soát súng đạn, Tổng thống Obama đã làm những gì ông có thể trong khả năng của ông, song ông cũng hiểu rằng những đề xuất quan trọng nhất vẫn cần sự chấp thuận của Quốc hội, đồng thời ông kêu gọi sự ủng hộ của nhân dân để những đề xuất này được thông qua.
William Galston, thuộc Viện Brookings và từng làm việc tại Nhà Trắng dưới thời cựu Tổng thống Bill Clinton, nói rằng dường như ông Obama đã nhận ra rằng tham gia quá nhiều vào quá trình lập pháp là một sai lầm. Cách tiếp cận theo chủ trương không can thiệp đối với các cuộc đàm phán gần đây về vấn đề thuế của ông Obama "có thể được coi là một ví dụ điển hình".
"Tổng thống không phung phí nhiều thời gian để can thiệp vào vấn đề này và đối mặt với những người bất đồng ý kiến với ông" Galston nói. Bên cạnh đó, ông Obama cũng không đưa ra quá nhiều hứa hẹn như trước đây. Sau khi đưa ra hơn 500 lời cam kết cụ thể trong chiến dịch tranh cử đầu tiên mà chủ yếu ông đã giữ lời, Tổng thống Obama đưa ra ít cam kết hơn trong cuộc vận động tranh cử lần thứ hai và thể hiện một quan điểm có chừng mực hơn về những gì ông có thể làm.
Theo Lê Minh
Dân Trí/AP