Những doanh nhân Nam bộ trưởng thành sau chiến tranh
Là những người con của vùng đất Nam bộ, thời điểm năm 1975, các doanh nhân này còn rất trẻ. 39 năm của thời bình, họ thực sự đã làm được rất nhiều để góp phần xây dựng quê hương.
- 21-01-2014Bà Mai Kiều Liên nhận giải thưởng nhà lãnh đạo doanh nghiệp số 1 Việt Nam
- 30-06-2013Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên: 'Không đi theo xu hướng đám đông'
- 01-04-2013TGĐ Vinamilk Mai Kiều Liên: Muốn thành công, không được "ăn đong"
- 10-02-2013Tổng giám đốc Vinamilk Mai Kiều Liên: Quyền lực của sự giản dị
- 14-03-2012Mai Kiều Liên - Nữ tướng ghét họp
Làm nên thương hiệu trứng sạch từ xuồng “ba lá”
Con đường trở thành nữ doanh nhân thành đạt của người phụ nữ xuất thân từ sông nước miền Tây Nguyễn Thị Huân (Ba Huân) thật lắm gian truân. Sinh ra trong gia đình nghèo có tới tám anh chị em tại Vĩnh Đông, xã thuộc diện nghèo nhất tỉnh Long An, ngày đất nước còn chia cắt, năm lớp 4, cô bé Huân đã phải bỏ học, lặn lội trên chiếc xuồng ba lá, theo mẹ buôn bán trứng gia cầm.
Bà Ba Huân - người làm nên thương hiệu trứng sạch từ xuồng "ba lá".
Sau giải phóng, cuộc đời làm công nhân ở công ty Nông sản Kiên Giang cũng không kéo dài vì công ty phải giải thể. Năm 1982, bà lại ngược lên Sài Gòn mở vựa kinh doanh trứng. Cả chục năm, công việc kinh doanh vẫn khó khăn. Thêm vào đó, năm 2005, ngành kinh doanh gia cầm lao đao vì dịch cúm, nhiều công ty, vựa trứng đổ bể. Nhưng “chính khó khăn lại mở mắt cho tôi”, bà tâm sự. Chị mạnh dạn tổ chức lại công việc kinh doanh, đầu tư vào công nghệ làm trứng sạch. Lặn lội sang tận Hà Lan tìm hiểu, rồi quyết định bỏ ra hơn 30 tỷ đồng mua và lắp đặt hệ thống xử lý và làm sạch trứng gia cầm công nghệ hàng đầu châu Âu, xây nhà máy cùng hệ thống nhà kho trên diện tích hơn 12.000m2.
Không chỉ trực tiếp thu mua trứng từ nông dân, Ba Huân còn tổ chức hệ thống tiêu thụ sản phẩm chuyên nghiệp tới tận các siêu thị, cửa hàng lớn, cả tới từng chợ, quầy bán lẻ, đưa trứng sạch đến tận tay người tiêu dùng. Công ty trách nhiệm hữu hạn Ba Huân do bà làm giám đốc hiện là một trong những nhà cung cấp trứng sạch hàng đầu tại Việt Nam, không chỉ cho TP.HCM mà nhiều tỉnh miền Đông, miền Tây Nam Bộ. Trứng sạch Ba Huân luôn tham gia vào các chương trình bình ổn giá để phục vụ người dân.
Đi qua cuộc chiến, từng trải qua mọi thử thách vui, buồn của cuộc đời, dù không được đào tạo bài bản, người phụ nữ đậm chất Nam Bộ ấy luôn lạc quan, tin vào tình người. Thương hiệu Việt nổi tiếng “Trứng sạch Ba Huân” ngày càng được cộng đồng biết đến. Vì những đóng góp tích cực cho xã hội, giúp nhiều phụ nữ phát triển kinh tế, năm 2012, bà được tổ chức The International Alliance for Women bình chọn là một trong "100 phụ nữ nổi bật của năm". Bà cũng nhận danh hiệu “Doanh nhân TP.HCM tiêu biểu” và nhận nhiều giải thưởng của thành phố vì những đóng góp cho xã hội.
Chuyện lập nghiệp của gia đình “Vua phế liệu” họ Dương
“Ông hoàng ve chai”, “Ông vua rác” là những cái tên mà nhiều người đã thân ái đặt cho David Dương (Dương Tử Trung), Việt kiều Mỹ, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc công ty California Waste Solution (CWS), công ty châu Á duy nhất và đứng thứ 31/100 công ty hàng đầu ngành xử lý chất thải của Hoa Kỳ (năm 2013). Ông cũng đồng thời là Chủ tịch công ty Vietnam Waste Solution (VWS) tại Việt Nam.
Ông David Dương, Chủ tịch VWS, giới thiệu phân compost vừa được sản xuất thử nghiệm.
David Dương là con trai trưởng của doanh nhân nổi tiếng một thời Dương Tài Thu, chủ hãng giấy và hãng thu gom phế liệu Cogido của Sài Gòn trước đây. Số phận đẩy đưa, sau cuộc chiến 1975, chàng thanh niên vừa tốt nghiệp tú tài toàn phần Dương Tử Trung cùng gia đình lưu lạc sang Mỹ. Trôi dạt tới thành phố San Francisco, gia đình họ Dương lúc đó đã khánh kiệt, trở thành “nhiều không”: Không biết ngoại ngữ, không có việc làm, không người quen biết… bơ vơ, lạc lõng giữa thành phố giàu có, hoa lệ. “Tôi cùng với mấy anh em trong gia đình đã phải tìm kiếm, thu gom bìa các-tông, giấy vụn để kiếm sống”, David Dương bùi ngùi nhớ lại.
Với 700 USD gom góp từ các thành viên trong gia đình, ông Dương Tài Thu mua trả góp được một chiếc xe tải cũ để thu gom phế liệu khắp thành phố về phân loại. Vậy mà nghề ve chai đã nuôi sống cả gia đình đông con ấy. Năm 1981, chàng thanh niên David Dương kế tục công việc của cha, mở rộng việc kinh doanh qua Đài Loan. Hai năm sau đó, công ty quản lý và tái chế Cogido (Cogido Paper Corp) ra đời, tiền thân của CWS ngày nay.
David Dương hồi tưởng: “Năm 1992, CWS thắng hợp đồng đầu tiên ở thành phố Oakland và phát triển thành một doanh nghiệp chủ chốt trong khu vực, xử lý hầu hết các vật liệu tái chế cho các thành phố Oakland, San José, Sacramento, Contra Costa...; chuyên cung cấp các dịch vụ kinh doanh phế liệu, quản lý, thu gom và tái chế rác thải trên toàn miền Bắc California, vận hành các nhà máy tái chế rác thải ở Oakland và San José... Ngoài ra, CWS còn kinh doanh vật liệu tái chế trên cả thị trường Hoa Kỳ và quốc tế”.
CWS hiện có 6 nhà máy thu gom và xử lý chất thải rắn tại Hoa Kỳ, với đội ngũ kỹ sư, công nhân viên, chuyên viên, hàng trăm cơ giới đặc dụng tân tiến và hiện đại nhất. Ngoài Hoa Kỳ, CWS còn có 2 văn phòng đại diện tại Trung Quốc, một công ty liên doanh với Philippines và một số nước châu Phi như Nigeria.
Là công ty do người Việt làm chủ, CWS không chỉ rất có uy tín với người gốc Mỹ mà còn được cộng đồng người Việt ở Mỹ ủng hộ bởi luôn hướng tới và chia sẻ lợi ích với cộng đồng. Công ty đã giúp đỡ rất nhiều người Việt ở các thành phố thuộc bang California trong tạo việc làm và hỗ trợ vốn. Đáng trân trọng hơn là những người con họ Dương luôn hướng về Tổ quốc. “Vào những năm 1993-1994, song thân tôi lần đầu tiên trở về nước. Các cụ đã rất ấn tượng với quê hương và muốn tôi đầu tư về Việt Nam”, David Dương tâm sự.
Sau chuyến về Việt Nam tìm hiểu môi trường kinh doanh (năm 2003), dù lĩnh vực môi trường chưa có doanh nghiệp nước ngoài nào đầu tư, năm 2005, công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) 100% vốn nước ngoài do David Duong làm Chủ tịch đã được thành lập và đi vào hoạt động tại Bình Chánh, TP.HCM. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 90 triệu USD (đầu năm nay đã điều chỉnh lên 150 triệu USD), được xây dựng trên diện tích 128 ha với công suất 10.000 tấn rác/ngày, gồm nhiều hạng mục. Khu chôn lấp được xây dựng với các tiêu chuẩn cao nhất và an toàn nhất của Ủy ban Bảo vệ Môi trường California và Chính phủ Hoa Kỳ, được giám sát và vận hành bởi các chuyên gia Hoa Kỳ và Việt Nam giàu kinh nghiệm.
Hiện VWS cũng đang đẩy nhanh tiến độ nhiều hạng mục và xây cầu vào dự án đầu tư thứ hai: khu công nghệ môi trường xanh Long An 1.760 ha. Dự án cũng sẽ trang bị công nghệ hiện đại nhất của Hoa Kỳ, xử lý cả chất thải rắn sinh hoạt và công nghiệp với các khu: vành đai xanh cách ly, khu tái sinh, tái chế; khu nghiên cứu công nghiệp xanh; khu sản xuất điện từ khí metan; khu nhà ở cho nhân viên,… Đây sẽ là dự án thu hút nguồn vốn của kiều bào, khi đi vào hoạt động, sẽ giải quyết việc làm cho khoảng 10.000 lao động địa phương.
Người làm nên thương hiệu sữa Việt - Vinamilk
Không chỉ người Việt Nam mà nhiều ngưòi dân trên thế giới biết đến thương hiệu sữa Việt - Vinamilk cùng tên tuổi của vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị Mai Kiều Liên. Năm 2014, bà là người Việt Nam duy nhất vinh dự được tạp chí uy tín Forbes của Mỹ chọn là một trong số 48 nữ doanh nhân có thành tích xuất sắc nhất khu vực châu Á, đứng thứ 23/48 trong danh sách. Cũng theo đánh giá của Forbes, Vinamilk là một trong những thương hiệu có lợi nhuận lớn nhất tại Việt Nam và cổ phiếu liên tục tăng giá trên thị trường chứng khoán.
Bà Mai Kiều Liên trong nhà máy sữa nước của công ty tại Bình Dương.
Sinh năm 1953 tại Paris, là con của gia đình Việt kiều Pháp, gốc Nam Bộ, trở về Việt Nam, bà được cử đi học và tốt nghiệp đại học về chế biến thịt và sữa tại Moscow, Liên Xô (cũ). Từ một kỹ sư, với kiến thức học được và sự năng động, khả năng quản lý, bà đã liên tục giữ nhiều vị trí lãnh đạo ở các nhà máy của công ty Sữa Việt Nam. Sau khi tốt nghiệp khoá quản lý kinh tế của đại học Kinh tế Leningrad (Nga), năm 1984, bà được bổ nhiệm Phó tổng giám đốc công ty sữa Việt Nam rồi và giữ vị trí Tổng giám đốc từ năm 1992 đến nay.
37 năm gắn bó với Vinamilk, hơn 20 năm ở cương vị người đứng đầu, người con của vùng đất phương Nam ấy đã được phong danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Từ năm 2010, bà đã đưa Vinamilk trở thành một thương hiệu lớn, lọt vào danh sách 200 doanh nghiệp xuất sắc nhất tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Năm 2013, doanh thu của Vinamilk tăng 17%, lên 1,5 tỷ USD. Tháng 7/2013, Vinamilk được phép bán tại Mỹ các sản phẩm sữa sản xuất tại Việt Nam, nối dài thêm danh sách thị trường xuất khẩu khoảng 30 quốc gia.
Vinamilk cũng mới đầu tư 23 triệu USD vào một liên doanh ở Campuchia với công ty Angkor Dairy Products, và đầu tư 7 triệu USD để mua 70% cổ phần công ty sữa Driftwood Dairy Holding ở California, Mỹ,... Hiện bà Mai Kiều Liên đang tiếp tục hiện thực hóa tham vọng đưa Vinamilk đạt doanh thu 3 tỷ USD và nằm trong top 50 doanh nghiệp sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017.
Mỗi người một số phận, mỗi người chọn một cách đi và lĩnh vực kinh doanh riêng, nhưng họ cùng có điểm chung là khát vọng cống hiến, là nghị lực, sự phấn đấu phi thường và tình yêu quê hương. Họ nằm trong số không ít những người thuộc thế hệ trưởng thành và làm nên sự nghiệp sau chiến tranh, đóng góp không nhỏ cho đất nước Việt Nam và vùng đất Nam bộ quê hương.