MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những doanh nhân Việt ghi danh trên "bảng vàng" thế giới

27-01-2013 - 08:44 AM |

Họ là những người có khả năng lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc, được ghi danh vào những bảng vàng của thế giới.

Mới đây, Tạp chí Quản trị Doanh nghiệp châu Á (có trụ sở tại Hong Kong) bình chọn bà Mai Kiều Liên, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) là một trong những CEO (Tổng giám đốc) xuất sắc của Châu Á trong lĩnh vực Quan hệ với nhà đầu tư.

Giải thưởng này nằm trong khuôn khổ cuộc bình chọn "Những cá nhân/công ty xuất sắc nhất Châu Á 2012" của tạp chí trên, với quá trình khảo sát kéo dài 7 tháng vào năm ngoái. Kết quả được lập ra dựa trên sự đánh giá của bạn đọc và phỏng vấn các nhà đầu tư liên quan.

Trong phần nói về bà Mai Kiều Liên, tạp chí viết: "Giải thưởng này được trao cho bà để công nhận những sự cam kết lâu dài cho sự phát triển của quản trị doanh nghiệp trong các lĩnh vực quan hệ với nhà đầu tư, hoạt động trách nhiệm cộng đồng, đạo đức kinh doanh, trách nhiệm với môi trường và kết quả tài chính của doanh nghiệp trong khu vực".

Đây cũng là lần thứ hai bà Mai Kiều Liên được Tạp chí Quản trị doanh nghiệp Châu Á vinh danh. Vào tháng 5/2012, bà đã được tạp chí này bình chọn và trao giải thưởng nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc nhất khu vực Châu Á trong lĩnh vực Quản trị doanh nghiệp.

Hồi tháng 2 năm ngoái, bà Mai Kiều Liên cũng được tạp chí Forbes vinh danh trong hàng ngũ 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất khu vực Châu Á.

Tiêu chí "quyền lực" của Forbes trong danh sách này là sự tổng hợp của nhiều yếu tố như ý tưởng, năng lực, khả năng lãnh đạo. Ngoài ra, các nữ doanh nhân này đều đang điều hành các doanh nghiệp làm ăn có lãi, với doanh thu hàng năm tối thiểu là 100 triệu USD.

Công ty Vinamilk của bà Liên trong năm 2012 đã đạt doanh thu hơn 27.300 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 2.900 ty đồng. Năm 2012 cũng là năm sản lượng tiêu thụ của Vinamilk đạt được cao nhất từ trước tới nay, với trên 4 sản phẩm.

Hiện Vinamilk có một nhà máy sản xuất sữa ở New Zealand và 11 nhà máy sản xuất trong nước. Mục tiêu của hãng là lọt vào danh sách 50 công ty sản xuất sữa lớn nhất thế giới năm 2017.

Không chỉ có nhà lãnh đạo gạo cội như bà Mai Kiều Liên được vinh danh trên bảng xếp hạng của thế giới, một nữ doanh nhân trẻ Việt Nam cũng được trao danh hiệu "Nhà lãnh đạo Châu Á - Thái Bình Dương xuất sắc nhất của năm".

 Lê Thị Thùy Trang - "Nhà lãnh đạo Châu Á - Thái Bình Dương xuất sắc nhất của năm". 

Giải được trao tại hội nghị của Golden Key International Honour Society Châu Á - Thái Bình Dương diễn ra ở Melbourne (Australia) đầu tháng 2/2012. Golden Key là một trong những tổ chức xã hội danh dự quốc tế lớn với 400 hiệp hội có mặt tại 8 quốc gia trên thế giới.

Một thành viên ban chủ huy hiệp hội Golden Key khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cho biết, Lê Thị Thùy Trang là một nhà lãnh đạo chuyên nghiệp, gương sáng cho giới trẻ toàn thế giới.

Tại Việt Nam, Lê Thị Thùy Trang (25 tuổi) đã xây dựng thành công Hiệp hội Golden Key. Trong năm 2011, hiệp hội này đã tổ chức thành công nhiều chương trình giáo dục, cộng đồng, sự kiện và dành được giải thưởng Hiệp hội tiêu chuẩn vàng.

Trang sinh ra và lớn lên tại Huế, tốt nghiệp loại giỏi khoa truyền thông và hoàn thành chương trình thạc sĩ quản trị kinh doanh. Năm 2006, cô được bầu chọn là hoa khôi người đẹp kinh đô Huế và người đẹp trí tuệ các vùng kinh đô Việt Nam. Từ năm 2009 đến nay, Trang đảm nhận vị trí giám đốc truyền thông cho một công ty tại Việt Nam.

Không chỉ có nữ doanh nhân, nam doanh nhân Việt cũng đánh được tiếng vang trên thế giới. 

Tháng 9/2011, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức là người Việt Nam duy nhất được Wall Street Journal bầu chọn vào danh sách những doanh nhân có ảnh hưởng nhất tại khu vực Đông Nam Á.

 Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức.

Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai đứng thứ 29 trong danh sách 29 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á và được Wall Street Journal coi là có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế - đặc biệt là kinh tế tư nhân Việt Nam.

Nắm giữ đa số cổ phần của một trong những doanh nghiệp phát triển bất động sản lớn nhất nước, Bầu Đức cũng tham gia sâu vào các lĩnh vực như sản xuất cao su, đồ nội thất và thủy điện tại Việt Nam và các quốc gia lân cận. Ông cũng là người Việt Nam đầu tiên kể từ năm 1975 sở hữu máy bay riêng.

Ông Đoàn Nguyên Đức sinh năm 1963 tại Bình Định trong một gia đình 9 anh chị em. Tuổi thơ nghèo khó đã thôi thúc khát vọng làm giàu trong ông. Từ 2 bàn tay trắng, Bầu Đức đã xây dựng nên một trong những tập đoàn tư nhân đa ngành có quy mô lớn nhất Việt Nam.

Bản thân ông Đức cũng là một trong những doanh nhân giàu có nhất Việt Nam và luôn có ước mơ trở thành một tỷ phú thế giới. 

Những doanh nhân này không chỉ mang lại tiếng tăm cho doanh nghiệp của họ mà còn làm rạng danh nền doanh nghiệp Việt Nam, góp phần đưa những thương hiệu Việt Nam quảng bá trên toàn thế giới. Những việc làm của họ được cộng đồng doanh nhân Việt Nam ghi nhận, được xã hội công nhận và được thế giới biết đến. Không thể không khẳng định rằng, họ là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp tài ba.

Theo Diên Lệ
Kiến thức

tanhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên