MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những người trẻ kiếm hàng trăm triệu/tháng khiến ai nấy đều bái phục

10-09-2013 - 08:22 AM |

Nội dung nổi bật: Họ là:

Bùi Thị Phương: bỏ ngang ĐH Ngoại thương Hà Nội để đi theo con đường kinh doanh. Hiện tại, cô sở hữu 4 trung tâm Anh ngữ, 1 nhà hàng Pizza và quán ăn sinh viên với mức thu nhập "khủng" - hơn 200 triệu đồng/tháng.

Đinh Nhật Nam và Nguyễn Hải Ninh: Nam, từng theo học điện tử viễn thông, rồi bỏ ngang để học về quản trị kinh doanh. Ninh, tốt nghiệp ngành hóa thực phẩm ĐH Bách Khoa. Cả hai đang sở hữu hệ thống cà phê Urban Station với 4 cơ sở quanh Sài Gòn, 70 nhân viên và lợi nhuận mỗi người gần trăm triệu một tháng. 

Nguyễn Thùy Linh Cát: kinh doanh khi là sinh viên ĐH năm thứ 2. Cô hiện đã sở hữu 7 cửa hàng thời trang và  27 đại lý mang thương hiệu Catsashop trên cả nước, thu nhập của Linh Cát là hơn 100 triệu/tháng.



Bỏ đại học, thu nhập hơn 200 triệu đồng/tháng

Cô gái cá tính và táo bạo ấy là Bùi Thị Phương. Trong khi nhiều người tỏ ra vui mừng và an phận với việc hằng ngày cắp sách lên giảng đường thì Phương lại bỏ ngang ĐH Ngoại thương Hà Nội khi chỉ còn ít thời gian nữa là tốt nghiệp, để đi theo con đường kinh doanh không bằng cấp.
 
Suy nghĩ của Phương đã khiến không ít người phải sửng sốt, tuy nhiên, cô đã chứng minh quyết định của mình là đúng. Hiện tại, Phương sở hữu 4 trung tâm Anh ngữ, 1 nhà hàng Pizza và quán ăn sinh viên với mức thu nhập "khủng" - hơn 200 triệu đồng/tháng.

Những người trẻ kiếm hàng trăm triệu/tháng khiến ai nấy đều bái phục 1
Cá tính và táo bạo, Bùi Thị Phương thành công trên con đường kinh doanh không bằng cấp.

Phương cho biết, Trung tâm ngoại ngữ của cô thành lập vào năm 2012 và hiện tại có 4 cơ sở ở Hà Nội. Trong 2 tháng tới sẽ xây dựng thêm tại Sài Gòn. Mục tiêu của Phương là xây dựng trung tâm ở 63 tỉnh thành trong cả nước trong vòng 3-5 năm tới.

Để tạo điểm khác biệt cho trung tâm của mình, Phương chú trọng  xây dựng văn hóa thân thiện, các học viên đi học phải vui, học được nhiều thứ, để xả stress chứ không  phải học theo kiểu gồng mình. Hiện tại mình cũng tổ chức những lớp học ngữ pháp miễn phí và lớp học miễn phí cho sinh viên nghèo. Cô gái thuộc thế hệ 8X đời cuối này còn có đam mê làm từ thiện và mong muốn trở thành một tỷ phú như Bill Gates.

Mở chuỗi quán cà phê, thu nhập gần 100 triệu đồng/tháng

Từ một quán cà phê nhỏ ven đường, sau hơn một năm Đinh Nhật Nam và Nguyễn Hải Ninh đã phát triển thành hệ thống Urban Station, mang lại thu nhập "trong mơ". Để có thành công như vậy là thành quả sau hai năm miệt mài nếm trải thất bại, thành công của hai chàng trai 8X kiên trì và táo bạo.

Từng theo học điện tử viễn thông, rồi bỏ ngang để học về quản trị kinh doanh, đam mê mở quán cà phê được ấp ủ trong Nam từ những ngày đi làm thêm thời sinh viên. Đam mê được chia sẻ khi gặp Ninh, một chàng trai tốt nghiệp ngành hóa thực phẩm (ĐH Bách Khoa).
 
Sẵn đam mê và cũng muốn xây dựng một thương hiệu cà phê, Ninh quyết định bỏ công việc đầy hứa hẹn tại một công ty đa quốc gia để cùng Nam bắt đầu công việc kinh doanh.

Những người trẻ kiếm hàng trăm triệu/tháng khiến ai nấy đều bái phục 2
Chân dung hai ông chủ trẻ của chuỗi quán cà phê Urban Station với mức thu nhập của mỗi người lên đến gần 100 triệu đồng/tháng.

Mỗi người có 50 triệu đồng, là số tiền dành dụm từ công việc làm thêm trong suốt 4 năm thời đại học. Nhận thấy số vốn như vậy là quá ít, Nam và Ninh kêu thêm bạn bè hùn vốn để đủ 250 triệu đồng mở quán. Tháng 4/2011, Urban Station chính thức ra đời. 

Là những người trẻ, đầy đam mê và cũng ấp ủ bao ước mơ, mong muốn, với hình thức kinh doanh này, hai bạn đã nếm được cảm giác vỡ mộng chỉ sau 6 tháng vì thua lỗ nhiều. Tuy nhiên, họ nhanh chóng nhận ra hình thức này mới nhưng không hợp với cách uống cà phê của nhiều người vì họ vẫn thích có quán có thể ngồi lại để trò chuyện với bạn bè.

Dốc hết những đồng vốn còn lại, quán được hai bạn sửa lại, không còn thuần túy là cà phê mang đi nữa. Bàn ghế nhiều hơn, quán mở rộng ra, có chỗ để xe để níu chân khách. Sự thay đổi giúp quán từ lỗ trung bình 10 triệu đồng/tháng dần hòa vốn rồi sinh lời. Với số tiền đầu tư dần tăng lên 350 triệu đồng, hai bạn quyết tâm mở thêm chi nhánh thứ hai. Dần dần, các chàng trai trẻ đã thành công với thương hiệu Urban Station

Hiện nay, Urban Station đang dần khẳng định vị thế thương hiệu của mình qua việc để lại những ấn tượng tốt đẹp với các bạn trẻ. Tới thời điểm này, Nam và Ninh đã sở hữu bốn “Trạm thành thị” quanh Sài Gòn với 70 nhân viên cùng lợi nhuận mỗi người gần trăm triệu một tháng. 

Cô chủ 9X kiếm 100 triệu đồng hàng tháng

Cô gái tài năng này là Nguyễn Thùy Linh Cát, 23 tuổi, hiện đang là sinh viên ĐH Hutech. Tập kinh doanh từ thời sinh viên, với số vốn ít ỏi, thời gian đầu Linh Cát chọn bán áo sơ mi nam qua mạng. Sau ba năm, cô đã là giám đốc công ty thời trang Catsashop. Thương hiệu cô xây dựng có mặt trên nhiều tỉnh thành cả nước. Học đến năm thứ 2, Linh Cát bắt đầu kinh doanh. 

Một người bạn kinh doanh giày online thành công là khởi nguồn cho ý tưởng bán buôn của Linh Cát. Vốn thích thời trang, cô nhận thấy thời trang nam giá bán ở các cửa hàng rất cao không thích hợp với túi tiền của giới sinh viên nên đã chọn kinh doanh đồ nam. Linh Cát tự tìm tòi tự sản xuất để có được chiếc áo giá thành rẻ nhưng vẫn chất lượng.

Những người trẻ kiếm hàng trăm triệu/tháng khiến ai nấy đều bái phục 3
Nguyễn Thùy Linh Cát, cô chủ 9X của thương hiệu thời trang nam Catsashop.

Với số vốn 20 triệu đồng tích cóp từ làm thêm, cô chủ nhỏ đi mua vải, tìm xưởng may để gia công áo. Những mẫu mã áo sơ mi nam được tung lên mạng thu hút nhiều người hỏi mua. Thời gian đầu, để đủ tiền kinh doanh cô vẫn tiếp tục làm thêm ngoài, bán cả đồ nữ để đủ vốn lấy hàng.

Việc buôn bán bước đầu hiệu quả do đúng xu hướng, đối tượng khách hàng. Chính điều đó đã thúc đẩy Linh Cát đứng ra mở cửa hàng cuối năm 2010. Đến đầu năm 2012, khi đang sở hữu 3 cửa hàng thời trang, Linh Cát quyết định mở công ty thời trang Cát Sa. 

Cô chủ Catsashop bộc bạch có nhiều thời điểm cô cảm thấy quá mệt mỏi, nhiều việc phải gánh vác. Có những lô hàng bị lỗi, lô vải nhập về bị rút không thể bán vì sợ mất uy tín nên đành chịu lỗ. Việc kinh doanh ở tuổi đời trẻ nên có lúc bị đối tác chèn ép trên thương trường, phải đối mặt xử lý nhiều vấn đề cũng khiến Linh Cát thấy chán nản nhưng rồi đam mê lại trỗi dậy cùng với ý chí và trách nhiệm, cô lại trở về với guồng quay công việc.

Hiện tại, Linh Cát đang sở hữu 7 cửa hàng thời trang và  27 đại lý mang thương hiệu Catsashop trên cả nước. Cô có thu nhập hơn 100 triệu hàng tháng. Kế hoạch sắp tới của cô là mang sản phẩm qua bán ở Mỹ và Úc. Việc xây dựng Catsashop trở thành một thương hiệu thời trang nam lớn cho đối tượng trẻ và chất lượng tốt, giá cả hợp lý là mục tiêu của cô.

duchai

Trí thức trẻ/Afamily

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên