MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông chủ AlphaBooks: "Phần nào đó, tôi tự nhận mình từng là học sinh cá biệt"

03-01-2013 - 10:35 AM |

"Nhưng bây giờ, nghĩ lại tôi thấy mình không hề cá biệt, và cũng chẳng phải thiên tài gì..."

Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty cổ phần AlphaBooks chia sẻ một số quan điểm thú vị về việc đọc sách và thành công trong sự nghiệp.

* Một vị giáo sư người Australia nói rằng: Đừng tin vào mấy cái sách dạy làm giàu, nếu chỉ đọc mấy cuốn sách dạy làm giàu mà giàu có được thì thế giới này đã ối người giàu. Nói như vị giáo sư này thì sách làm giàu do Alpha xuất bản ế mất. Quan điểm của anh về vấn đề này?

- Vâng, ông giáo sư ấy nói đúng một nửa. Đúng là nếu chỉ đọc sách thuần túy thì chắc là không thể giúp con người ta giàu lên được, nhưng các cuốn sách, cũng như lời khuyên của những người đi trước, là thứ chỉ đường, chỉ lối và nói cho người ta cần làm gì, cần đi đâu và có những cách thức nào để làm giàu, phải thay đổi bản thân ra sao. Nếu chỉ đọc sách mà không làm gì, hiển nhiên người ta không thể giàu được, nhưng sách vở giúp cho người ta tiết kiệm thời gian, công sức…, là cách nhanh và rẻ nhất để được nói chuyện với những người hiểu biết, thành công…

Tôi không thể gặp và nói chuyện với Steve Jobs hay Bill Gates, nhưng có thể đọc những gì họ viết, hay sách viết về họ. Mở rộng ra, tôi luôn tin vào giá trị từ những cuốn sách mang lại cho con người, đó là chân lý không thể bàn cãi, dù nhiều lĩnh vực nếu chỉ đọc sách thì không thể thành công, nhưng sách chắc chắn mang lại tri thức cho con người, giúp họ trưởng thành và hiểu biết hơn, để sống tốt hơn.

* Có một chương trình truyền hình là “Làm giàu không khó” nhưng tôi thấy làm giàu khó lắm, từng là thành viên Ban cố vấn chương trình này, anh có thể chỉ ra cho độc giả thấy làm giàu không khó ở chỗ nào được không?

- Làm giàu quả thực rất khó, ngay cả với tôi và nhiều doanh nhân khác. Rõ ràng kiếm tiền và kiếm nhiều tiền là cả một vấn đề nan giải, một bài toán của cả cuộc đời. Tuy nhiên, sau nhiều năm, tôi nhận thấy rằng, chung quy làm giàu, kiếm tiền không khó ở chỗ nó có nguyên tắc rõ ràng, có thể định nghĩa thành công thức được. Đó chính là thái độ của con người, nếu anh có thái độ đúng, anh sẽ có suy nghĩ, hành động đúng, từ suy nghĩ đúng, anh sẽ có kế hoạch, có tri thức và hiểu biết.

Có thái độ đúng và hiểu biết, anh sẽ có sự chân thành, sẽ có sự nhiệt huyết… và cứ như thế, anh sẽ thành công, anh sẽ tìm ra con đường cho mình, sẽ tìm ra những người đi cùng mình, sẽ tìm ra sản phẩm anh muốn làm, sẽ tìm ra được khách hàng mua hàng của anh. Và cuối cùng, anh sẽ giàu có, và kiếm được tiền. Vì thế, tôi nghĩ nếu hiểu và làm được như thế, thì làm giàu quả thực không khó… (Cười)

* Dân Bách khoa rẽ ngang sang lĩnh vực xuất bản, nay lại thêm nghề diễn thuyết nữa, anh gặp phải những khó khăn và thuận lợi gì?

- Tôi không nghĩ quá khứ, nền tảng học vấn và chuyên ngành học gây khó khăn, trở ngại gì. Muốn làm xuất bản, bạn phải hiểu biết về sách vở, về tri thức, và để được thế, bạn có thể xuất phát từ bất cứ ngành nào, bất cứ lĩnh vực nào miễn là kiên trì, yêu thích nó… Việc diễn thuyết, nói chuyện, giảng bài của tôi cũng thuận lợi hơn vì thông qua sách, tôi có điều kiện thu nhận được kiến thức. Tôi cũng tìm kiếm những câu chuyện, những bài học mà tôi học được, đọc được từ sách và từ cuộc sống, từ việc điều hành kinh doanh.

Người ta nói, đọc một cuốn sách cũng giống như được nói chuyện với tác giả, với nhân vật…, và tôi đôi khi nói đùa rằng, mình thật may mắn khi được nói chuyện với hầu hết các vĩ nhân trên thế giới, được nói chuyện với các doanh nhân nổi tiếng nhất trên thế giới, và nhờ thế, tôi lại được gặp, trò chuyện, tiếp xúc với những người nổi tiếng hiện nay, trong chính trị, kinh doanh và cả nghệ thuật. Đó là những trải nghiệm thú vị và sự may mắn lớn.

Tôi không hình dung rõ là học từ trường Bách khoa thì có những khó khăn trở ngại gì, nhưng có một nhận xét thú vị, là về các cuốn sách tôi viết về hiến pháp, tôi cảm thấy may mắn vì tôi không học trong ngành luật, nên tôi không bị sự nhàm chán của ngành, của trường, của khoa… giết chết sự ham hiểu biết và say mê của tôi đối với hiến pháp. Nếu tôi học luật, chắc tôi chẳng dám nghiên cứu về luật nữa. (Cười)

* Ở Việt Nam, học sinh cá biệt thường được hiểu theo nghĩa tiêu cực, còn ở nước ngoài, tôi thấy nhiều trường khuyến khích học sinh sáng tạo và khác biệt. Khi còn đi học, anh có phải một học sinh cá biệt không? Anh nghĩ gì về những người cá biệt và các thiên tài?

- Phần nào đó, tôi tự nhận mình là học sinh cá biệt. Tôi bị kỷ luật nhiều lần khi học cấp 3, là một học sinh học lực trung bình, hạnh kiểm khá, và cũng không chăm chỉ gì, thi đại học suýt trượt vì điểm khá thấp. Vào đại học, tôi cũng bị thi lại nhiều môn, cũng suýt bị lưu ban, thậm chí phải rời trường…

Nhưng bây giờ, nghĩ lại tôi thấy mình không hề cá biệt, và cũng chẳng phải thiên tài gì. Những điều tôi nghĩ khi đó, những điều tôi làm khi đó khác mọi người, khác lối nghĩ thông thường lúc đấy chứ bây giờ đó lại những điều hoàn toàn bình thường, hoàn toàn dễ hiểu. Ví dụ năm 1988, khi mới 16 tuổi, tôi viết trên báo rằng, thanh niên phải đi kiếm tiền, vậy mà cũng là sự kiện, tôi bị bạn bè gọi là điên, lập dị vì khi đó, hầu hết bạn bè và cả xã hội đều quen với suy nghĩ học sinh phải đi học, và học giỏi, không ai nói đến việc phải kiếm tiền. Nhưng suy nghĩ đó ngày hôm nay đã trở nên hết sức bình thường …

Những ngày học đại học, tôi cũng không học hành gì vì tôi thấy nhiều điều phải học không giúp tôi nhiều trong cuộc sống sau này. Vì thế, tôi không thấy động lực phải học những môn đó, và bây giờ, nhiều lần tôi cũng thấy may mắn vì không phí thời gian vào những việc không cần thiết đó. Tôi vẫn học, vẫn đọc sách, vẫn tìm kiếm tri thức, và cơ hội, và rèn luyện kỹ năng cho mình… Nhưng tôi chỉ học những gì tôi nghĩ rằng cần thiết với tôi trong cuộc đời. Đến tận bây giờ tôi vẫn có những suy nghĩ đó và làm như thế.

Tôi không dám lạm bàn về cá biệt và thiên tài. Họ chắc cũng giống nhau, suy nghĩ và hành động khác biệt với người khác, nhưng cá biệt (theo nghĩa xấu) là những người có suy nghĩ, hành động phục vụ lợi ích, mưu đồ cá nhân, hoặc tầm thường, hoặc vô nghĩa…; còn thiên tài lại hướng suy nghĩ và hành động của họ đến xã hội, đến đại chúng và mang lại giá trị hữu ích, giúp thế giới trở nên tốt đẹp hơn.

Theo Tạp chí Gia đình và Trẻ em

tanhoa

Trở lên trên