MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Sếp cũ' Intel VN bỏ việc lương 150 triệu về làm cơ quan Nhà nước lương 5 triệu

30-12-2013 - 10:58 AM |

Ông Thanh từng bỏ công việc theo đúng chuyên môn đã từng theo học 8 năm tại trường học để làm công việc mà mình chỉ học ở bên ngoài khoảng 3 tháng.

Sáng 28/12/2013, hàng trăm sinh viên từ nhiều trường đại học, cao đẳng đã tham gia Ngày hội hướng nghiệp do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với Tổ chức Lao động thế giới (ILO) tổ chức tại Trường Cao đẳng Nghề Cơ Điện Hà Nội nhằm giúp giới trẻ có thêm những góc nhìn khác bên cạnh những góc nhìn truyền thống từ gia đình, bạn bè,.. để lựa chọn chính xác hơn định hướng nghề nghiệp cho mình.

Tại đây, câu chuyện “người thật việc thật” của ông Nguyễn Lâm Thanh, Phó Chủ tịch Hiệp hội Internet đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của các bạn trẻ.

“Tốt nghiệp Đại học về CNTT 18 năm trước đây, lấy bằng tiến sĩ về trí tuệ nhân tạo từ 10 năm trước, từng 5 năm làm kỹ sư lập trình ở Công ty FPT, sau đó làm giám đốc Kinh doanh cho Intel, năm 2009, tôi đã từ bỏ công việc có mức lương 150 triệu đồng/tháng về làm tại một cơ quan Nhà nước với mức lương 5 triệu đồng/tháng. 

Tôi cũng là người đã bỏ công việc theo đúng chuyên môn đã từng theo học 8 năm tại trường học để làm công việc mà mình chỉ học ở bên ngoài khoảng 3 tháng. Và giờ đây, dù không được đào tạo chính quy về truyền hình nhưng tôi đã được giao làm giám đốc của 2 kênh truyền hình”, ông Nguyễn Lâm Thanh kể.

Thông qua câu chuyện của mình, ông Thanh muốn nhắn gửi tới các bạn trẻ thông điệp không nhất thiết cứ phải qua đào tạo đại học mới có thể đạt được thành công trong sự nghiệp. Chỉ cần quyết tâm và đam mê với công việc thì sẽ có thành công trong tương lai.

FPT Telecom.jpg
Ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT tư vấn hướng nghiệp cho sinh viên. Ảnh: X.B

Cũng theo ông Nguyễn Lâm Thanh, giới trẻ ngày nay có điều kiện thuận lợi hơn rất nhiều so với trước đây. Trong thời đại thông tin Internet, chỉ cần khoảng 15 – 20 phút dùng điện thoại di động để lướt web cũng có thể có được lượng thông tin bằng trước kia phải đọc báo giấy cả ngày. 

Tuy nhiên, thuận lợi cũng song hành cùng thách thức. Toàn cầu hóa và Internet làm cho ranh giới về mặt bằng lao động, yêu cầu và sự di chuyển công việc trên thế giới trở nên đồng đều hơn. Nếu thanh niên Việt Nam không có những kỹ năng cơ bản về xử lý tình huống, ngoại ngữ,… thì sẽ rất khó tìm kiếm việc làm.

Trao đổi thêm về 1 số ý kiến tư vấn định hướng nghề nghiệp dành cho sinh viên CNTT-TT trong bối cảnh số lượng tuyển sinh đầu vào của ngành CNTT-TT những năm gần đây có xu hướng giảm dần, ông Nguyễn Lâm Thanh chia sẻ: “Ngành nào cũng có lúc “hot” rồi “nguội” xuống, nhưng đã được gọi là ngành thì trong xã hội luôn có nhu cầu về nhân lực. Đánh giá mặt bằng chung hiện nay, những người làm trong ngành CNTT vẫn đang có thu nhập ở mức cao hơn so với rất nhiều ngành khác. 

Nhu cầu sử dụng lao động CNTT-TT vẫn đang tăng. Nhưng sự phát triển của lĩnh vực CNTT-TT Việt Nam đã qua giai đoạn hoang dã ban đầu, chuyển sang giai đoạn mới, nơi chỉ có những người thực sự đam mê, có trình độ thì mới có cuộc sống tốt. Những người chỉ có đam mê nhưng không có khả năng thì cũng rất dễ bị đào thải”.

Bên cạnh câu chuyện của ông Nguyễn Lâm Thanh, các sinh viên tham gia Ngày hội hướng nghiệp hôm nay còn được nghe những lời khuyên hữu ích từ ông Hoàng Trung Kiên, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Viễn thông FPT (FPT Telecom), ông Đỗ Văn Dũng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Liên minh Giáo dục Masterlife, ông Nguyễn Vũ Trung Kiên, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất Ý tưởng Idea Prodution, ông Ngô Bá Lục, Thư ký tòa soạn Báo điện tử VnMedia; trong đó, nhiều người không tốt nghiệp đại học chính quy.

Theo Xuân Bách

kyanh

ICTnews

Trở lên trên