Sếp phó KinderWorld: Quyết liệt kiểu nữ tính
Một sếp nữ dịu dàng, chưa bao giờ biết cáu giận mà mọi việc vẫn cứ êm xuôi.
Hơn 10 năm gắn bó với Tập đoàn giáo dục quốc tế KinderWorld, trong mắt nhân viên, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Thanh Xuân luôn là thần tượng, với hình ảnh một sếp nữ dịu dàng, chưa bao giờ biết cáu giận mà mọi việc vẫn cứ êm xuôi.
Không đập bàn, quát tháo như đàn ông
Chia sẻ về bí quyết điều hành, chị Xuân cho biết, nguyên tắc bất di bất dịch của chị là xử lý mọi việc với sự chân thành và trung thực. Có lẽ vì thế, chị cũng thường xuyên nhận được sự chân thành và thẳng thắn từ những người xung quanh. “Nhiều nhân viên hỏi sao lúc nào em cũng thấy chị nhẹ nhàng, tôi trả lời rằng đó là tính cách của tôi và do ảnh hưởng của môi trường sư phạm mà tôi đã được học. Sự thật, trong công việc tôi cũng quyết liệt lắm đấy vì có vậy mới quản lý được. Nhưng đấy là sự quyết liệt kiểu nữ tính chứ không thể đập bàn, đập ghế, quát tháo ầm ĩ như đàn ông”, chị chia sẻ.
Nhớ lại quãng thời gian còn làm trợ lý giám đốc Trung tâm Triển lãm Hội chợ Quốc tế TP.HCM (HIECC), chị bảo phải cảm ơn công việc này vì đã giúp chị có được những bài học quý giá. Do sếp là người nước ngoài rất khó tính, chị đã khóc không dưới 10 lần trong 4 năm làm việc khi phải đương đầu với những áp lực vượt quá lứa tuổi chị lúc đó. Nhưng nhờ vậy, chị đã học được rất nhiều từ công việc của một người quản lý, bao gồm quản trị nhân sự, cách kinh doanh, chiến lược quảng cáo, tiếp thị, quản trị tài chính, kế toán.
Đó cũng là hành trang giúp chị tự tin đảm nhận vai trò Phó Tổng Giám đốc KinderWorld cách đây 12 năm. Đồng thời, nó cũng là kim chỉ nam mà chị áp dụng cho việc điều hành tập đoàn và quản lý hơn 800 nhân viên tại Việt Nam trên toàn hệ thống bao gồm: Trường Mẫu giáo Quốc tế KinderWorld (KIK); Trường Quốc tế Singapore (SIS) và Trung tâm Đào tạo Quốc tế Pegasus với 13 trường tại TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Bình Dương và Vũng Tàu.
Trong thời gian học Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội, chị giành học bổng đi học chuyển tiếp ở Nga rồi lại trở về Việt Nam học thêm bằng cử nhân tiếng Anh. Năm 1994, chị chuyển vào TP.HCM sinh sống, bắt đầu lập nghiệp từ vị trí thư ký văn phòng cho một công ty bất động sản của Singapore ,vừa tiếp tục học và lấy văn bằng 3 chuyên ngành Thương mại và các chứng chỉ khác về tài chính kế toán. Tháng 11.2012, chị còn lấy thêm bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh tại Đại học Quốc tế RMIT Việt Nam.
Theo chị việc học không bao giờ là đủ, chị dự tính 2 năm nữa sẽ tiếp tục học để lấy bằng tiến sĩ. Hằng ngày, nếu có thời gian chị lại đọc sách để nạp thêm kiến thức và kỹ năng sống. Chị tâm sự: “Tính mình vốn đa cảm nên thích đọc tiểu thuyết từ khi còn là sinh viên nhưng từ ngày làm quản lý, danh mục sách yêu thích còn có thêm sách về quản trị kinh doanh, kỹ năng giải quyết công việc. Đọc sách là một hình thức tích lũy và nghiền ngẫm kiến thức hiệu quả nên tôi khuyên nhân viên của mình năng đọc sách”.
10-15 năm mới thu hồi vốn
Với vị trí Phó Tổng Giám đốc, thời gian gần đây, chị cùng với các thành viên trong Ban Giám đốc tập trung vào chiến lược phát triển cho KinderWorld tại Việt Nam.
Chị cho biết trong thời gian tới Tập đoàn sẽ đầu tư hệ thống đào tạo của KinderWorld tại Myanmar, Campuchia và một số nước khác ở châu Á. Còn tại Việt Nam, KinderWorld đang triển khai mô hình khu phức hợp giáo dục đào tạo, bao gồm: Hệ thống trường liên thông từ mẫu giáo đến hết cấp 3; Trường cao đẳng chuyên ngành quản lý du lịch, khách sạn, kinh doanh, thương mại; Khu phức hợp thương mại - giáo dục; Khu ký túc xá cho học sinh, sinh viên; Khu nhà ở cho dân cư. Hiện nay, KinderWorld đang xây dựng giai đoạn 1 dự án như thế tại Đà Nẵng với vốn đầu tư giai đoạn đầu là 10 triệu USD”.
Chị cho biết thêm, với chiến lược đầu tư dài hơi, KinderWorld xây dựng mô hình trường quốc tế tại các địa phương đang phát triển như Bình Dương, Vũng Tàu, Đà Nẵng, Nha Trang. Theo chị Xuân, nhu cầu về giáo dục đào tại các tỉnh rất lớn và mục tiêu chính của Tập đoàn là đặt nền móng tại thị trường mới, đón đầu nhu cầu học tập của học sinh địa phương trong tương lai.
“Đầu tư vào giáo dục không dễ như người ngoài nhìn vào mà đòi hỏi phải có sự kiên trì và cam kết theo đuổi lâu dài bằng một chiến lược bài bản chứ không thể nay mở trường, mai đóng cửa. Cần xác định từ 10-15 năm mới thu hồi vốn”, chị Xuân chia sẻ.
Dưới góc độ nhà đầu tư về giáo dục, chị đề xuất, khi cấp giấy phép thành lập các trường dân lập quốc tế tại Việt Nam, Nhà nước nên có những biện pháp chế tài đi kèm như đề ra những điều kiện tiêu chuẩn cho mô hình đào tạo, tránh trường hợp rất nhiều trường được lập ra mang mác quốc tế nhưng chất lượng lại không tương xứng, khiến cho khái niệm trường quốc tế trở nên méo mó trong mắt phụ huynh.