Chính quyền Obama đang xem xét việc trả tự do cho một gián điệp Israel, một trong những điệp viên nguy hiểm nhất trong lịch sử nước Mỹ, trong một nỗ lực nhằm cứu vãn các cuộc đàm phán trong tiến trình hòa bình Trung Đông mà Mỹ làm trung gian giữa Israel và Palestine.
Jonathan Pollard, 59 tuổi, đang thụ án có thời hạn ở một nhà tù ở Bắc Carolina sau khi nhận tội làm gián điệp cho Israel từ tháng 6/1984 cho đến khi bị bắt hồi tháng 10/1985.
Cựu sĩ quan tình báo Hải quân Mỹ này, đã sử dụng quyền truy cập Thông tin Nhạy cảm và Tuyệt mật Hàng đầu để thâm nhập hệ thống thông tin quốc phòng Mỹ, cung cấp cho Israel hàng ngàn trang tài liệu tình báo Mỹ về quân sự và kỹ thuật thu được ở Liên Xô, các quốc gia Ả rập và Pakistan.
Cấp trên huấn luyện Pollard, siêu gián điệp Israel Rafi Eitan, đã nói với tờ Yediot Aharonot hồi năm 2006 rằng Pollard đã cung cấp "thông tin với chất lượng rất tốt, độ chính xác rất cao, và cực kỳ quan trọng cho an ninh của đất nước", và "mong muốn và khát khao của tôi là có thêm nhiều, thật nhiều hơn nữa những nguồn dữ liệu như vậy".
Mặc dù vậy, trả lời FP, một quan chức Mỹ lại cho hay, các tài liệu mà Pollard ăn cắp được - một chồng tài liệu cao 10 feet rộng 6 feet - phần lớn không liên quan đến Israel.
"Phần lớn những thứ mà ông ta lấy được, trái với những điều ông ta muốn bạn tin, chẳng hề liên quan gì đến các quốc gia Ả rập hay tình hình an ninh của Israel, nhưng đó là tất cả các phương pháp thu thập mà Mỹ tiến hành, bao gồm cả những phương pháp đặc biệt nhất chống lại Liên Xô", theo lời Đô đốc Thomas Brooks, một cựu giám đốc tình báo Hải quân đơn vị Pollard đã làm việc năm 1980.
Cuộc thương lượng Pollard, được đăng trên tờ The Jerusalem Post của Palestine, sẽ rộng đường cho các cuộc đàm phán vào hạn chót ngày 29/4 tới và nội trong năm 2015 phải đảm bảo việc trả tự do cho hàng trăm tù nhân Palestine, một số người từng bị kết án với cáo buộc khủng bố trước Hiệp định Oslo năm 1993.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry tại một cuộc họp báo ở Paris hôm 30/3/2014.
"Người dân Israel sẽ nói với ngoại trưởng John Kerry rằng: 'Các ông đang yêu cầu chúng tôi phóng thích đám tù nhân là những kẻ mà bàn tay chúng đã sát hại 50 người Israel. Vậy thì ông phải chắc chắn trả tự do cho một người, người đó có ý nghĩa vô cùng lớn với người dân Israel", Daniel C. Kurtzer, cựu đại sứ Mỹ ở Israel (2001-2005), nói với The New York Times .
Tuy nhiên, các chuyên gia và cựu quan chức chính phủ lại đang chỉ trích động thái tiềm tàng này.
"Nếu không thể đạt được thương lượng hòa bình [Israel-Palestine] mà không phóng thích Pollard, đó thực sự là một thảm họa", ông Aaron David Miller, cựu quan chức đàm phán Trung Đông, hiện là phó chủ tịch Trung tâm Quốc tế Woodrow Wilson, nói với tờ The Daily Beast.
"Tôi nghĩ rằng nó cho thấy sự tuyệt vọng thực sự", ông Miller cho biết trên tạp chí Times. "Trong một thời đại đầy rẫy chuyện rò rỉ thông tin, gián điệp và những kẻ như Snowden, ý tưởng cho việc chính quyền trao đổi Jonathan Pollard trở nên hoàn toàn vô nghĩa".
Những vấn đề nổi cộm chưa thể giải quyết trong đàm phán hòa bình Trung Đông bao gồm việc xây dựng khu định cư Do Thái ở Israel, phân chia đất đai, số phận của Jesusalem (được xem là thủ đô của cả hai quốc gia), quân đội của Israel tập trung ở Jordan Valley, và Israel yêu cầu Palestine phải công nhận Israel làm một nhà nước Do Thái.
Nhà báo Jeffrey Goldberg của tờ Bloomberg nhận xét, chưa có gì rõ ràng cho thấy nếu phóng thích điệp viên nổi tiếng nhất của Israel thì sẽ giải quyết được bất cứ vấn đề nào.
"Liên minh cánh tả của thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những thành viên thuộc chính đảng Likud sẽ nhiệt liệt đón chào Pollard tại sân bay quốc tế Ben-Gurion, nhưng họ sẽ không trao đất lấy ông ta đâu, 1 inch cũng không", Goldberg khẳng định.
Goldberg cho rằng cuộc thương lượng Pollard là một tín hiệu cho thấy các cuộc đàm phán hòa bình gần như đang sụp đổ. Còn những người khác thì xem nó như một nỗ lực nhằm rộng đường cho tiến trình hòa bình Trung Đông mà chính quyền Obama đổ nhiều công sức bấy lâu nay.
Cuộc xung đột giữa người Israel và người Palestine được coi là dai dẳng nhất và dễ bùng phát nhất thế giới. Căn nguyên của cuộc xung đột bắt nguồn từ sự tranh chấp dải đất nằm giữa Bờ đông Địa Trung Hải và sông Jordan. Đối với người Palestine, trong suốt hơn 100 năm qua, họ đã phải gánh chịu hành động đánh chiếm thuộc địa, trục xuất và chiếm đóng quân sự, đồng thời cũng gian nan trong công cuộc kháng chiến giành quyền tự quyết và đồng tồn với chính nhà nước phải chịu trách nhiệm cho những đau thương mất mát của họ - Israel. Đối với người Israel, sự trở lại miền đất của tổ tiên sau nhiều thế kỷ phiêu bạt và bị ngược đãi trên khắp thế giới không mang lại hoà bình, an ninh. Người Israel cũng đã phải đối mặt với vô số cuộc khủng hoảng, xung đột khi các nước lân bang muốn xoá bỏ mảnh đất của họ trên bản đồ thế giới. |
Kiến Anh