Thành Khiêm – “Vua” bán gạo lẻ
Sau hơn 20 năm dấn thân vào nghề chế biến, kinh doanh gạo, Thành Khiêm đã trở thành nhà cung cấp gạo lẻ lớn nhất Kiên Giang và có tiếng ở miền Tây Nam bộ.
Mơ ước có được những hạt gạo ngon, chất lượng đồng nhất, có nhãn hiệu hẳn hoi để cung cấp đến bữa ăn hàng ngày cho người tiêu dùng là ấp ủ lâu nay của Thành Khiêm, một nông dân ở ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Hoà, huyện Châu Thành, tỉnh Kiên Giang. Và sau hơn 20 năm dấn thân vào nghề chế biến, kinh doanh gạo, Thành Khiêm đã trở thành nhà cung cấp gạo lẻ lớn nhất Kiên Giang và có tiếng ở miền Tây Nam bộ.
Khởi nghiệp từ hai tấn gạo
Ngồi trong cửa hàng gạo nhìn ra chợ Rạch Sỏi (TP Rạch Giá), Thành Khiêm nhớ lại: “Năm lên lớp 7, sau giờ tan học, tôi thường cùng mẹ đến nhà máy xay xát mua gạo để bán lại cho thương lái, nhìn những hạt gạo trắng ngần, ấm nóng và nức mùi hương gạo mới, tôi thấy mê”. Vậy là tình yêu đối với hạt gạo và nghề hàng xáo đã nhen nhóm trong Thành Khiêm bắt đầu từ đó. Đời sống chật vật nên sau mỗi buổi đến lớp, Thành Khiêm theo mẹ làm nghề hàng xáo, đến cuối cấp 3, anh phải ngưng chuyện học hành và đi làm công cho một cửa hàng gạo ở TP Rạch Giá. Với 4 triệu đồng tiền công dành dụm được trong bốn năm ròng cùng với 3 triệu đồng mượn được từ người bạn, năm 1989, Thành Khiêm thuê một căn nhà lá ven bờ sông Rạch Sỏi để mở cửa hàng gạo.
“Nhìn người ta mua bán mỗi lần đôi ba trăm tấn, còn mình vốn liếng chỉ mua vỏn vẹn hai tấn gạo, vậy thì mua bán sao đây”, Thành Khiêm tự hỏi. Và anh đến những nhà máy xay xát thật xa để mua được gạo với giá rẻ, khi đem về, Khiêm không bán ngay mà sàn đãi thật sạch thóc, loại bỏ tấm, chỉ để lại hạt gạo nguyên, vậy là khách hàng chuộng ngay và bán được giá, nhờ vậy mà đồng vốn được quay nhanh. “Ngặt nỗi, nhiều cửa hàng gạo lớn cứ liên tục hạ giá làm tôi điêu đứng nhiều phen, nên tôi chọn loại gạo ngon, đến từng nhà khách hàng nấu giùm để cho ra cho nồi cơm ngon hơn, nhằm thuyết phục khách hàng bằng chính hạt gạo ngon của mình, đồng thời, tìm ra được “gu” ăn gạo của từng gia đình”, Thành Khiêm kể.
Nhìn Thành Khiêm chở từng bao gạo trên chiếc xe đạp cà tàng, bạn bè ai cũng cười vì làm ăn kiểu “lượm bạc cắc”, nhưng Khiêm không hề nản chí, ngược lại, niềm đam mê kinh doanh gạo lẻ luôn cuốn hút anh vào công việc từ sáng đến tối. Nhờ vậy, khách hàng đến với gạo Thành Khiêm ngày một nhiều hơn. Năm 2005, Thành Khiêm đăng ký nhãn hiệu và mở cửa hàng gạo đầu tiên tại chợ Rạch Sỏi, rồi cửa hàng gạo thứ hai, thứ ba… cứ tiếp nối nhau mọc lên tại các góc chợ ở TP Rạch Giá.
Điểm nổi bật ở mỗi cửa hàng gạo của Thành Khiêm là được trang hoàng cửa kính, gạo được đóng gói, bài trí bắt mắt, khách hàng đến mua dù là ký gạo rẻ hay đắt tiền, cũng đều được nhân viên niềm nở tiếp đón, tư vấn cặn kẽ về đặc tính của từng loại gạo và cách nấu nồi cơm ngon nhất. Nhân viên của Thành Khiêm còn chở từng ký gạo giao đến tận nhà khách hàng. Không chỉ với hệ thống 14 cửa hàng tại các địa bàn trọng điểm, Thành Khiêm còn có hơn 50 đại lý trải khắp địa bàn tỉnh Kiên Giang, lượng gạo bán ra đạt hơn 10.000 tấn/năm và là nhà cung cấp gạo lẻ lớn nhất ở miền Tây Nam bộ.
Đáp ứng đúng nhu cầu
Những giống lúa đặc sản, ngon cơm Thành Khiêm phải đặt mua ở Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp… thậm chí, đến tận nước bạn Campuchia mua. “Khó nhất là phải tính được thời gian lưu kho đến lúc chế biến, tiêu thụ, để hạt gạo khi nấu vẫn còn giữ được mùi thơm, hạt cơm xốp và mềm”, Thành Khiêm chia sẻ.
Để làm được điều này, Thành Khiêm đã đầu tư xây dựng hệ thống kho có sức chứa hàng chục ngàn tấn nằm cạnh các vùng lúa trọng điểm và chợ đầu mối mua bán lúa gạo ở miền Tây Nam bộ. Tại đây, Thành Khiêm còn thuê những nhà máy chế biến gạo hiện đại để xay xát, lau bóng nhằm cho ra hạt gạo có chất lượng cao. “Ở nông thôn, thường sử dụng hạt gạo được xay chà bằng những nhà máy có công suất nhỏ, với công nghệ lạc hậu, nên khó cho hạt gạo nguyên, trắng, đẹp; trong khi gạo Thành Khiêm được tuyển lựa và chế biến công phu, vì vậy, mà gạo Thành Khiêm thâm nhập ở vùng nông thôn dễ dàng”, Thành Khiêm cho biết.
Nhiều vùng trước đây là vựa lúa của tỉnh Kiên Giang, nay cuối vụ thu hoạch, nông dân không còn trữ lúa để xay chà, mà quay sang mua gạo của Thành Khiêm. Ông Ngô Như Hải, nông dân xã Tây Yên, huyện An Biên, cho biết: “Hạt gạo nguyên, đẹp, chất lượng ổn định, giá mềm chính là điều làm người dân nơi đây chọn gạo Thành Khiêm thay vì phải trữ lúa xay ăn như trước”.
Do bắt đúng nhu cầu thị trường, nên cửa hàng gạo Thành Khiêm mở ra đến đâu, khách hàng ủng hộ đến đó. Thành Khiêm kể, ngày khai trương cửa hàng gạo tại Phú Quốc, có người tuyên bố: “Ba tháng nữa, hãy nhìn Thành Khiêm cuốn bảng hiệu đem về đất liền”, nay sau gần hai năm đi vào hoạt động, chẳng những doanh số bán ra tại cửa hàng này luôn tăng, mà mới đây, cửa hàng gạo thứ hai tại Phú Quốc cũng vừa được khai trương, đều đặn mỗi tuần hai chuyến, gạo Thành Khiêm cứ theo tàu để đến với người tiêu dùng ở huyện đảo Phú Quốc.
Thành Khiêm cho rằng, hạt lúa từ đồng ruộng đến khi trở thành hạt gạo trong bữa ăn của mỗi gia đình phải trải qua nhiều công đoạn, với nhiều chi phí phát sinh, việc giao nhận tận nhà và thu hồi nợ lẻ mẻ ở từng khách hàng vừa khó, vừa tốn công, nên ít doanh nghiệp tham gia. Đây cũng là khoảng trống mênh mông trên thị trường, nhưng để khai thác khoảng trống này, phải có kế hoạch thu mua nguyên liệu, bảo quản, chế biến, cung ứng đúng thời gian, hiểu được tâm lý của từng khách hàng. “Từng loại gạo với các đặc tính xốp, mềm, dẻo, thơm…đều được Thành Khiêm đối chiếu với “gu” của từng nhóm khách hàng để lên kế hoạch cung ứng phù hợp, vì vậy mà chất lượng nồi cơm của khách hàng không thay đổi”, Thành Khiêm cho biết.
Do chất lượng không thay đổi và giá cả phù hợp, gạo của Thành Khiêm vẫn là ưu tiên lựa chọn của người tiêu dùng ở Kiên Giang, đặc biệt là ở TP Rạch Giá, gạo Thành Khiêm chiếm hơn 70% thị phần ở các quán ăn, nhà hàng, các đội tàu đánh bắt xa bờ và các bếp ăn tập thể. Thành Khiêm nói: “Kinh doanh phải có trước, có sau với khách hàng”. Tuy Thành Khiêm không giải thích “trước và sau”, nhưng chúng tôi hiểu trong triết lý kinh doanh của anh, chính là ân nghĩa, là tầm nhìn dài hơi cho hạt gạo miền Tây Nam bộ.
Hướng đến chuyên nghiệp
Tuy bận rộn với công việc từ 6 giờ sáng đến tận nửa đêm, nhưng điều làm Thành Khiêm cảm thấy hạnh phúc là, người thân của mình có công ăn việc làm ổn định và họ luôn sẵn sàng gánh vác, chia sẻ công việc. Thành Khiêm cho biết hiện tại, cả thảy tám anh em trong gia đình đều là những cộng sự tâm huyết, được Khiêm bố trí mỗi người mỗi việc từ quản lý sổ sách, tiếp xúc khách hàng, đến vận chuyển, thu mua… nhờ vậy, đã giúp mọi công việc làm ăn mua bán của Thành Khiêm đạt được hiệu quả.
Ngoài ra, điều mà Thành Khiêm cảm thấy hạnh phúc nữa là đội ngũ 50 nhân viên xông xáo đều được huấn luyện kỹ năng bán hàng chuyên nghiệp, họ là những người hàng xóm, những người xuất thân từ những gia đình có hoàn cảnh kém may mắn được Thành Khiêm bố trí việc làm phù hợp. Theo Thành Khiêm, chính đội ngũ bán hàng chuyên nghiệp, họ thuộc lòng từng số nhà trong từng khu phố, hiểu được tâm lý của từng khách hàng, đã giúp cho gạo Thành Khiêm đến được với bữa ăn của người tiêu dùng ngày một nhiều hơn.
Chính những cộng sự đắc lực này đã giúp cho Thành Khiêm có niền tin vững chắc vào khả năng cung ứng gạo lẻ chuyên nghiệp và thị trường đang ngày một mở rộng, đó còn là tài sản quý mà Thành Khiêm đã chắt chiu, gầy dựng trong gần 20 năm qua. Thành Khiêm đang bắt tay với hợp tác xã 41, xã Phi Thông, TP Rạch Giá bằng cách cung ứng giống lúa, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật cho nông dân canh tác 100ha mỗi mùa; và Thành Khiêm sẽ thu mua toàn bộ sản phẩm được canh tác theo đúng quy trình với giá cao hơn giá bên ngoài thị trường, Theo Thành Khiêm, đó là sự chuẩn bị cho một hướng đi bền vững của nghề cung ứng gạo lẻ chuyên nghiệp, mà thị trường nội địa vẫn còn khoảng trống phía trước.
Theo Hiếu Thảo
Sài Gòn Tiếp thị