MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Tổng giám đốc FPT Telecom: 'Thị trường di động Việt Nam như một chiếc máy xay'

06-06-2013 - 11:45 AM |

Từ lâu, FPT Telecom luôn đóng góp một phần quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn FPT. Với hai mảng chính là viễn thông và online, năm 2012 FPT Telecom đóng góp xấp xỉ 40% LNTT của tập đoàn mẹ. 

Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Khoa, Tổng giám đốc FPT Telecom và ông Nguyễn Thanh Bình, Giám đốc tài chính của công ty về tình hình kinh doanh cũng như những dự định của FPT Telecom trong tương lai.

Thưa ông, FPT Telecom luôn đóng góp một phần quan trọng vào doanh thu và lợi nhuận của tập đoàn mẹ FPT. Tuy nhiên theo như báo cáo tài chính hợp nhất Q1 của FPT Telecom thì cả doanh thu và lợi nhuận đều sụt giảm, điều này do đâu?

Ông Nguyễn Thanh Bình: Số liệu hợp nhất của FPT Telecom gồm 2 mảng chính là viễn thông (cho thuê kênh, ADSL, FTTH) và nội dung số (doanh dịch vụ trực tuyến như game online, nhạc số, báo điện tử, cổng thanh toán). 

Sự sụt giảm của Q1/2013 so với cùng kỳ là do mảng nội dung số có sự sụt giảm, còn mảng viễn thông vẫn tăng trưởng tốt. Theo kết quả mới nhất thì 4 tháng đầu năm riêng mảng viễn thông tăng trưởng khoảng 17% về doanh thu và 14% về lợi nhuận.

Có phải kết thúc quý 1/2013, mảng game online của công ty vẫn chưa phục hồi?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Trước đây, khi game online mới ra đời thì chỉ có 4-5 nhà phát hành game lớn là FPT, VTC và VNG cùng một số nhà phát hành nhỏ khác. Trong khoảng hai năm trở lại đây, việc phát hành game online không được nhà nước khuyến khích, hạn chế cấp phép, điều này đã làm cho các nhà phát hành game có quy mô, uy tín đẩy không đưa được game mới ra thị trường. Trong khi đó, có hơn 100 nhà phát hành game nhỏ đã ra đời thời gian này. Chính điều này đã  làm thị trường bị pha loãng,

Thực tế, năm vừa rồi doanh thu và lợi nhuận của  của các nhà phát hành game lớn trong nước hầu như cũng không cao. FPT cũng không phải ngoại lệ.

Ông Nguyễn Thanh Bình: Ở mảng nội dung số trong năm 2012, FPT Online có phát triển thêm dịch vụ thanh toán, thẻ viễn thông, kios… Các dịch vụ mới phát triển này margin không cao và nhất là đang trong giai đoạn đầu tư, thử nghiệm. Trong năm 2013, với những khó khăn chung của nền kinh tế, FPT Online sau khi căn nhắc đã quyết định dừng đầu tư, thử nghiệm 2 dịch vụ là thẻ viễn thông và kios. Ngoài ra, tình hình khó khăn chung cũng có ảnh hưởng đến mảng quảng cáo trực tuyến, tuy nhiên, hiện chúng tôi vẫn dẫn đầu thị trường trong mảng này.

Vậy công ty có định tiếp tục đầu tư cho những game mới trong thời gian tới?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Chúng tôi vẫn đang tập trung vào mảng này để tìm kiếm những sản phẩm mới. Tuy nhiên nhìn chung bức tranh của thị trường game vẫn chưa thực sự sáng sủa.

Thị trường trước chỉ có 4-5 người mua giờ đã có gần 200 người mua. Điều đó đã khiến giá game tăng mạnh. Một game lớn trước có 400-500.000 USD, giờ có thể lên tới vài triệu USD.

Ngoài ra, có thể FPT sẽ đầu tư ra mắt game mới vào mùa hè này.


Xin hỏi đôi chút về động lực tăng trưởng của FPT Telecom. Không biết ngoài các mảng truyền thống hiện nay, công ty có dự định đầu tư ở  những mảng mới không?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Hiện tại, các dịch vụ về viễn thông, thương mại đều liên quan đến license (giấy phép). Để xin được giấy phép mới không dễ mà cần trải qua một quá trình dài.

Vì vậy đối với FPT Telecom, trước mắt công ty sẽ gia tăng dịch vụ về băng rộng ADSL, IPTV, cổng FPT Play HD, qua đó biến TV thông thường của người dân thành Smart TV. Hiện tại, để người dân có thể sở hữu một chiếc smart TV không phải dễ vì giá thành vẫn còn cao. FPT triển khai dịch vụ FPT Play HD, những tiện ích, giải trí mới cho khách hàng.

Liệu những dịch vụ kể trên có thể đóng góp ngay vào doanh thu và lợi nhuận cho công ty được không?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Hiện tại thì chưa. Chúng tôi cần thời gian tích lũy. Quan điểm ở đây là thời gian tích lũy càng dài thì doanh thu càng bền vững. 

Nói đơn giản là FPT sẽ đi song song cả 2 chân. Một chân là cơ sở hạ tầng mở rộng băng thông và một chân là tăng tốc độ kết nối cho khách hàng. Trước đây, dịch vụ băng rộng chỉ khoảng 2 -3 megabit/s. Hiện tại, đã tăng lên từ 8 – 10 megabit/s. Đây cũng là cơ sở để khách hàng sử dụng nhiều dịch vụ hơn.

Vậy còn thị trường di động thì sao? Một số nhà phát hành mới hiện đang rất thành công về game trên điện thoại di động, không biết FPT có ý định tham gia vào thị trường này?

Ông Nguyễn Văn Khoa: FPT chắc chắn sẽ tham gia vào lĩnh vực mobile nhưng sẽ đa dạng hơn, nhiều chiều hướng khác nữa như những ứng dụng mua bán, hệ thống quảng cáo adnetwork…. Game mobile chỉ là một thành phần trong chiến lược đó.

Thế còn những Dịch vụ OTT đang rất “hot” hiện nay như zalo của VNG, kakao talk của Hàn Quốc,... FPT có ý định gia nhập không?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Theo tôi thị trường di động có rất nhiều ngách chứ không chỉ có riêng OTT. Chẳng hạn như đi từ hướng các ứng dụng về du lịch, giải trí, engine về search trên mobile.

FPT cũng vẫn sẽ phát triển game và các dịch vụ OTT, tuy nhiên sẽ không tham gia ngay mà mở rộng ra hơn, hoặc đi theo một hướng khác. Nhiều công ty hiện nay có xu hướng đầu tư ào ạt, quảng cáo rầm rộ sản phẩm của mình. Doanh thu có thể đến rất nhanh nhưng cũng mất rất nhanh, vì người dùng “ào ạt” đến rồi cũng “ào ạt” đi.

Viễn thông luôn đóng góp một phần quan trọng vào lợi nhuận của tập đoàn FPT

Vậy còn thị trường viễn thông di động? Không biết sau thương vụ không thành công của EVN Telecom, FPT có tiếp tục theo đuổi lĩnh vực này không?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Đó là ước mơ. Nếu có cơ hội thì chúng tôi vẫn sẽ tham gia vào thị trường di động. Nói thật, thị trường di động của Việt Nam hiện đang ở thế kiềng 3 chân, rất là khó rồi. Nhiều người nói vui là thị trường di động Việt Nam hiện tại giống như một chiếc “máy xay” vậy, anh nào “nhảy” vào là chết.

Do đó, trong tương lai, FPT có thể sẽ tham gia vào mảng viễn thông nhưng không nhất thiết phải là của Việt Nam, mà có thể là ở một nước khác.

Ý ông là đâu tư ra nước ngoài? Không biết tình hình đầu tư ra nước ngoài của tập đoàn hiện ra sao?

Ông Nguyễn Văn Khoa: Hiện FPT Telecom đã đầu tư sang Campuchia. Ngày 13/5 vừa qua là tròn chúng tôi 1 năm hoạt động ở thị trường này. Campuchia cũng là thị trường rất cạnh tranh. Nếu ở VN cung cấp dịch vụ kết nối internet lớn chỉ có FPT, Viettel, VNPT. Trong khi ở Campuchia có tới 100 ISP và 20 ISP đang hoạt động.

Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn phát triển tốt và đã có mặt tại 3 trên tổng số 5 thành phố lớn nhất nước này. Sau một năm hoạt động, FPT Telecom cũng vươn lên vị trí thứ 2 về phát triển thuê bao tại thị trường Campuchia.

Bên cạnh Campuchia, FPT Telecom sẽ tiếp tục mở rộng thị trường Đông Dương trong năm nay hoặc năm sau. Thị trường Myanmar hiện cũng đang có nhiều cơ hội.

Xin hỏi ông Khoa một câu cuối: FPT Telecom và FPT Online đã và đang là nguồn đóng lớn nhất vào lợi nhuận của FPT (~40% tổng lợi nhuận trước thuế). Vậy ông có thấy áp lực khi phải duy trì mức lợi nhuận cao này?

Tất nhiên là rất áp lực. Tuy nhiên đây vừa là áp lực, vừa là động lực để FPT Telecom phát triển, chúng tôi luôn nhận được sự hậu thuẫn của Tập đoàn để phát huy tốt nhất các thế mạnh của mình, của đội ngũ trẻ, nhiệt tình và luôn yêu thích sự đổi mới.

Hơn nữa, tôi cũng không hy vọng mình duy trì được mãi mãi. Sóng sau xô sóng trước là chuyện bình thường. 

Xin cảm ơn ông!

Trang Lam

dungtq

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên