MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Vụ thừa kế nghìn tỷ: Hơn một năm giằng co giữa những người ở lại

06-06-2012 - 18:38 PM |

Chị Huệ L. được phía Samcombank trao trả một phần khối tài sản 1.000 tỷ đồng gồm gần 20 sổ tiết kiệm đứng tên bà Thạch Kim P. trị giá hàng trăm tỷ đồng.

Quá trình trao nhận này diễn tiến theo đúng trình tự quy định của pháp luật về di sản thừa kế… Em trai bà Thạch Kim P. thì không chấp thuận việc thanh lý hợp đồng thuê két sắt với lý do chưa đến thời hạn xả tang người chị quá cố của mình (tháng 10/2012).

Hơn 1 năm trước, bà Thạch Kim P., 65 tuổi, chủ cơ sở sản xuất bún gạo ở phường Hiệp Phú, quận Tân Phú, TP HCM qua đời. Do tài sản để lại quá lớn với vô số tiền vàng, đôla, nhà đất… nên người thân trong gia đình bà P. phải mời Thừa phát lại quận Bình Thạnh đến lập vi bằng tài sản. Sau 1 tuần tiến hành kiểm kê, Thừa phát lại Bình Thạnh "đúc kết" bà P. để lại khối tài sản ước lượng 1.000 tỷ đồng. Do bà P. không để di chúc nên giữa con gái của bà là cô Thạch Hà Huệ L. và phía anh chị em của bà P. đã có những mâu thuẫn khó có thể hàn gắn liên quan đến số tài sản 1.000 tỷ đồng.

Khi qua đời, bà Thạch Kim P. ở tuổi 65. Nhận được tin mẹ mất, cô Thạch Hà Huệ L., 22 tuổi, đã nhanh chóng rời nước Đức - nơi cô đang du học được 2 năm, về Việt Nam chịu tang mẹ. Bà P. vốn không có chồng con. Hơn 20 năm trước, với khát khao làm mẹ, bà P. đã đến Bệnh viện Hùng Vương nhận một trẻ sơ sinh làm con cũng như tiến hành các thủ tục hợp pháp để pháp luật công nhận đứa trẻ là con của mình. Cô bé ấy chính là cô Thạch Hà Huệ L..

Ông K. ở sát nhà bà Thạch Kim P. cho biết, ngay khi Huệ L. về nước, giữa cô với các em của bà P. mà trên danh nghĩa là cậu, dì của Huệ L. đã nảy sinh mâu thuẫn, bất đồng liên quan đến tài sản mà bà P. để lại. Cô Huệ L. cho rằng mình là con của bà P., được pháp luật công nhận nên về mặt pháp lý, cô thuộc hàng thừa kế thứ nhất, thế nên được quyền hưởng toàn bộ tài sản của mẹ.

Phía các chị em của bà P. do ông Thạch Vũ P. đại diện cho rằng, liên quan đến số tài sản 1.000 tỷ đồng có nhiều công sức đóng góp, hùn hạp tiền bạc của các anh chị em ông ở Việt Nam và ở Đức nên không thể giao hết cho cô Huệ L..

Vì không tìm được tiếng nói chung trong việc giải quyết tranh chấp nên cả 2 bên đi đến quyết định mời Thừa phát lại quận Bình Thạnh đến lập vi bằng tài sản, rồi gửi tất cả vào ngân hàng nhờ Tòa án phân xử.

Chuyện tranh chấp giữa cô Huệ L. và đại diện anh chị em của mẹ cô là ông Thạch Vũ P. không được mấy dư luận quan tâm bằng việc bà P. chỉ là chủ cơ sở sản xuất bún gạo nhưng làm sao có đến tài sản lên đến cả ngàn tỷ đồng. Nhiều người biết chuyện cho rằng thông tin "bà chủ lò bún có ngàn tỷ" là chuyện không có thật. Rằng đó chỉ là sản phẩm của những kẻ rỗi hơi theo kiểu "một đồn mười, mười đồn trăm"… mà thôi!

Trong những vụ việc khác, tin đồn thường nhảm nhí, vô căn cứ nhưng liên quan đến vụ bà chủ lò bún mất đi để lại tài sản 1.000 tỷ đồng, điều ấy… có thật. Tài sản 1.000 tỷ của bà P. được pháp luật ghi nhận hẳn hoi. Điều ấy thể hiện rõ qua vi bằng xác lập, ghi nhận tài sản của bà P. của Thừa phát lại quận Bình Thạnh.

Tổng cộng số tiền mặt mà bà P. để lại khoảng 1 triệu USD và 100 cây vàng. Ngoài ra còn vô số giấy tờ nhà đất đứng tên bà P., đa phần là những lô đất có diện tích trên 3.000m2 nằm trên những con đường lớn ở quận Tân Phú. Mỗi lô theo những người làm công cho bà P. "ước tính hơn 2.000 cây vàng"…

Sau quá trình kiểm kê lập vi bằng tài sản, để tránh những rắc rối phát sinh, giữa cô Thạch Hà Huệ L. và ông Thạch Vũ P. đã thống nhất trích một phần tiền vàng để giải quyết các vấn đề chi phí luật sư, chi phí lập vi bằng, chi phí làm tang ma, xây mộ cho bà P.. Phần còn lại gửi hết vào két sắt của Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank).

"Trước mắt thanh toán toàn bộ các chi phí phát sinh để mua đất và xây mộ phần, tổ chức đám tang, cúng giỗ cho bà Thạch Kim P. bao gồm tiền đất 275.000.000 đồng và chi phí xây mộ là 113.000 USD" (trích điều 3 thống nhất thỏa thuận giữa cô Thạch Hà Huệ L. và đại diện chị em bà P.).

Không dừng lại ở đó, 2 bên cũng thống nhất lập khoản quỹ tạm chi trích từ di sản số tiền là 300 triệu đồng để quản lý khối di sản của bà P., quỹ nào giao cho cô Thạch Hà Huệ L. quản lý và chi tiêu hợp lý. "Mọi nhu cầu sử dụng số tiền tại tài khoản gửi giữ này đều phải nhận được sự đồng ý bằng văn bản của bà Thạch Hà Huệ L. hoặc người đại diện hợp pháp do bà Thạch Hà Huệ L. ủy quyền theo quy định của pháp luật và ông Thạch Vũ P.".

Nói một cách đầy đủ, để ràng buộc lẫn nhau và tránh những rắc rối phát sinh trong quá trình tranh chấp, giữa cô Thạch Hà Huệ L. và ông Thạch Vũ P. đã đồng ý thống nhất 8 vấn đề. Được biết, ban đầu, giữa các bên đã thống nhất thuê két sắt tại Ngân hàng Sacombank trong thời hạn 30 ngày (30/5/2011) với thỏa thuận sau 30 ngày, phía ông P. nếu không xuất trình được tài liệu hợp pháp chứng minh tài sản thuộc về mình thì phải trao trả cho chị Huệ L.. Nhưng đã hơn 1 năm trôi qua, chuyện vẫn trong thế giằng co.

Và sau những sóng gió ấy, chiều 4/6, chúng tôi nhận được tin chị Huệ L. đã thanh lý hợp đồng thuê két sắt tại Ngân hàng Samcombank vì thời gian gửi đã hết hạn. Chị Huệ L. cũng được phía ngân hàng trao trả một phần khối tài sản 1.000 tỷ đồng gồm gần 20 sổ tiết kiệm đứng tên bà Thạch Kim P. trị giá hàng trăm tỷ đồng. Quá trình trao nhận này diễn tiến theo đúng trình tự quy định của pháp luật về di sản thừa kế… Một số người quen của ông P. cho biết, ông P. không chấp thuận việc thanh lý hợp đồng với lý do chưa đến thời hạn xả tang người chị quá cố của mình (tháng 10/2012).

Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi vụ việc và sớm trở lại khi có thông tin mới nhất liên quan đến vụ tranh chấp khối tài sản 1.000 tỷ đồng khá hy hữu này!

Theo CAND

tanhoa

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên