Nhân viên Vietnam Airlines nhảy 'Bống bống bang bang': Sắp bị Vietjet qua mặt, "lão làng" đang quay sang học tập chính người "đàn em"?
Phải đến khi sắp bị Vietjet Air vượt mặt, Vietnam Airlines mới có những động thái thay đổi hình ảnh của mình với định hướng trẻ trung, năng động. Tuy nhiên, liệu điều đó có giúp Vietnam Airlines giữ chân được khách hàng?
- 22-03-2017Chi phí nuốt hết lợi nhuận, Vietnam Airlines lỗ 444 tỷ đồng trong quý 4/2016
- 19-03-2017Một doanh nghiệp thu về hơn 400 tỷ từ bán gần 7 triệu suất ăn cho Vietnam Airlines, Vietjet...
Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines vừa gây sốt trên mạng xã hội khi tung một đoạn clip quảng bá hình ảnh với tên gọi "Bay lên Việt Nam".
Đoạn clip này là hình ảnh những phi công, tiếp viên và nhân viên kĩ thuật trẻ trung của Vietnam Airlines hát & nhảy trên nền nhạc "Bống bống bang bang", một ca khúc nổi tiếng trong năm 2016. Thông điệp của Vietnam Airlines qua đoạn clip này là nhiệt huyết, đổi mới, sáng tạo.
Clip: Tiếp viên, phi công Vietnam Airlines nhảy sôi động trong clip "Bay lên Việt Nam". Nguồn: Youtube
Ca khúc này của Vietnam Airlines khiến nhiều người thích thú, bởi bấy lâu nay, người ta vẫn gắn cho Vietnam Airlines cái mác "doanh nghiệp Nhà nước", đồng nghĩa với một hình ảnh đứng đắn, già dặn và có phần cứng nhắc, trong khi sự trẻ trung, năng động được liên tưởng tới "hãng hàng không bikini" Vietjet Air.
Liệu có phải Vietnam Airlines đang học tập chính người "đàn em" Vietjet?
Sự trẻ trung có thể sao chép được?
Hồi tháng 10/2015, Vietjet Air khi đó chính thức mở nhiều đường bay đến Hàn Quốc, bao gồm TPHCM - Seoul, Hà Nội - Seoul và Hà Nội - Busan. Vietjet đã chào mừng sự kiện này bằng cách tung một đoạn clip mà trong đó tiếp viên của mình múa hát sôi động theo các ca khúc nổi tiếng của K-Pop.
Vietjet Air khi mở đường bay tới Hàn Quốc
Nếu xem 2 đoạn clip của Vietjet và Vietnam Airlines nói trên, sẽ dễ dàng để nhận ra nhiều nét tương đồng giữa 2 sản phẩm, mà nổi bật nhất chính là phần mở màn. Vietjet Air bắt đầu đoạn clip bằng câu nói: "Xin mời những hành khách cuối cùng trên chuyến bay của Vietjet Air đi Hàn Quốc vui lòng nhanh chóng đến cửa để khởi hành". Còn trong clip mới nhất của mình, Vietnam Airlines nói: "Hãng hàng không quốc gia Việt Nam xin mời những hành khách trên chuyến bay mang tên Sải Cánh Vươn Cao tới cửa số 1 để khởi hành".
Thực ra, đây không phải là lần đầu tiên Vietnam Airlines tổ chức múa hát. Cách đây gần 1 năm, Vietnam Airlines đã trình diễn màn Flashmob trên nền ca khúc "Một nhà", với lời bài hát được viết lại, mang ý nghĩa gắn kết Vietnam Airlines với Jetstar Pacific.
Flashmob của Vietnam Airlines
Thế nhưng, nhảy flashmob cũng là điều Vietjet đã làm từ trước đó. Tháng 12/2014, trước sự chứng kiến của nữ CEO Nguyễn Thị Phương Thảo, dàn tiếp viên của Vietjet đã nhảy flashmob chào mừng chiếc máy báy A320 đầu tiên trong đơn hàng mua 100 chiếc máy báy giữa Vietjet và Airbus.
Flashmob của Vietjet mừng máy bay A320
Có thể nói, sự xuất hiện của Vietjet Air đã hiện thực hóa giấc mơ bay cho rất nhiều người Việt, đặc biệt là tầng lớp bình dân, vốn ít - thậm chí chưa từng đi máy bay trước đó.
Hình ảnh của Vietjet gắn liền với sự tươi trẻ, năng động & mới mẻ với rất nhiều chiêu marketing tốn giấy mực của báo giới. Giờ đây, ngay cả các hãng thông tấn nước ngoài cũng gọi Vietjet Air với cái tên "Bikini airlines" như một biểu tượng mới nổi của hàng không giá rẻ ở Việt Nam.
Nhưng thương hiệu lãnh đạo là "hàng độc quyền"
Một điều đặc biệt ở Vietjet Air mà gần như chắc chắn một công ty nhà nước như Vietnam Airlines còn thiếu, đó là thương hiệu nhà lãnh đạo.
Khoảng hơn 2 năm trở lại đây, sự xuất hiện của nữ Tổng giám đốc VJA Nguyễn Thị Phương Thảo trên hàng loạt phương tiện thông tin đại chúng càng giúp tên tuổi của Vietjet Air được nhiều người quan tâm hơn. Bà Thảo gắn liền với hình ảnh một nữ doanh nhân tài giỏi, quyền lực, giàu có và giàu lòng nhân ái.
Không chỉ làm hàng không, bà Thảo còn là một doanh nhân đa tài khi hoạt động trong nhiều lĩnh vực như tài chính, ngân hàng hay bất động sản. Vợ chồng bà Thảo nổi tiếng trong giới du học sinh Đông Âu những năm 1980, và nhanh chóng nhận thấy cơ hội kinh doanh ở Việt Nam khi đất nước mở cửa hội nhập.
Mới đây, nữ lãnh đạo Vietjet Air còn được tạp chí uy tín thế giới Forbes vinh danh là nữ tỷ phú đô la đầu tiên của Đông Nam Á và là tỷ phú thứ 2 của Việt Nam, sau sự kiện niêm yết sàn chứng khoán của cổ phiếu VJC.
Giá rẻ vs Truyền thống
Trước năm 2011, với đa số người Việt khi đó, trải nghiệm bay trên những đám mây, vượt qua 2.000 km nối hai đầu đất nước chỉ trong 2 tiếng là một giấc mơ. Riêng mức giá vé "trên trời" đã là lý do để họ ngậm ngùi lựa chọn thay thế bằng ôtô hay tàu hỏa.
Nhưng, mọi chuyện đã khác từ 5 năm trở lại đây, khi giá vé của tất cả các hãng bay nội địa trong nhiều thời điểm giảm xuống mức 6-7 con số. Hàng loạt mức giá danh nghĩa cũng được các hãng hàng không liên tục chào bán, từ 10.000 đồng, 3.000 đồng, 1 đồng rồi 0 đồng cho chuyến bay trong nước, dưới 10 USD cho chuyến bay quốc tế.
Không suất ăn miễn phí, không phương tiện giải trí, không hành lý nặng nề, thậm chí không có cả một cuốn tạp chí chuyên biệt, ghế ngồi chật hơn & máy bay nhỏ hơn, mô hình giá rẻ đã giúp Vietjet Air hoạt động rất hiệu quả. Điểm cốt lõi là tối thiểu hóa mọi chi phí, bằng mọi cách.
Kết quả là, giá vé giảm, nhiều người bay hơn và tỷ suất lợi nhuận của công ty cũng tốt hơn.
Theo báo cáo mới được công bố, tỷ suất lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietjet Air là 9,5% trong khi con số này ở Vietnam Airlines chỉ 2,2%. Vietnam Airlines đạt lợi nhuận thấp do chi phí bán hàng và chi phí quản lý quá tốn kém. Với chi phí lớn, trong quý 4 năm 2016, Vietnam Airlines đã bất ngờ báo lỗ hàng trăm tỷ đồng.
Nguồn: Báo cáo tài chính công ty mẹ VNA và VJA
Chính sách giá hợp lí cộng với cách thức marketing thông minh đã giúp Vietjet Air nhanh chóng có được nhiều khách hàng mới, hãng đã tăng tốc rất nhanh sau hơn 5 năm cất cánh trên bầu trời - với mức tăng trưởng thần tốc lên đến 150%/năm, kể từ khi có chuyến bay thương mại đầu tiên vào năm 2011.
Kết
Sự tăng tốc của Vietjet Air ngoài đến từ việc mở rộng thị trường hàng không, rõ ràng một phần không nhỏ là do sự dịch chuyển khách hàng từ Vietnam Airlines.
Tính đến cuối năm 2016, Vietjet Air sở hữu 41% thị phần bay nội địa trong khi Vietnam Airlines là 42%. Sang năm 2017, theo số liệu của Cục hàng không Việt Nam, dịp Tết nguyên đán vừa qua Vietjet Air đã chiếm khoảng 42% thị phần trong khi Vietnam Airlines tụt xuống 35%.
Không những đánh mất thị phần bay nội địa, Vietnam Airlines còn sa sút ở cả thị trường quốc tế. Thống kê trong dịp Tết vừa qua, Vietjet tăng trưởng tới 225% so với cùng kỳ, trong khi Vietnam Airlines thụt lùi, giảm 8,3%.
Khoảng cách thị phần nội địa của 2 hãng hàng không Vietnam Airlines và Vietjet Air rút ngắn rất nhanh.
Những nỗ lực bước đầu của việc thay đổi hình ảnh trong mắt công chúng của Vietnam Airlines đang cho thấy sự nhìn nhận nghiêm túc và đổi mới về tư duy của toàn công ty cũng như lãnh đạo Vietnam Airlines.
Tuy nhiên, việc giành lại thị phần từ tay Vietjet sẽ là bài toán không hề đơn giản và không chỉ nhờ việc "nhảy múa". Số đông khách hàng có lẽ sẽ không chỉ vì một clip "vui vui" mà thay đổi lựa chọn bay của mình. Giá cả và chất lượng dịch vụ đi kèm, mới là cái họ quan tâm.
Trí thức trẻ