MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

“Nhanh chân” hơn IPP, VUAir Cargo có gì?

12-09-2022 - 09:11 AM | Doanh nghiệp

“Nhanh chân” hơn IPP, VUAir Cargo có gì?

Trong khi "vua hàng hiệu" IPP chật vật chờ cấp phép thì hãng hàng không "trẻ" Vietravel Airlines "nhanh chân" thành lập hãng hàng không hàng hoá chuyên dụng đầu tiên.

Việt Nam có 6 hãng hàng không nhưng chưa có hãng bay nào chuyên vận tải hàng hoá bằng máy bay chuyên dụng. Hai năm nay, quá trình xin cấp phép bay của IPP Air Cargo - thành viên Tập đoàn Liên Thái Bình Dương - IPPG của ông "vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn vẫn gặp nhiều trắc trở và đang chờ ý kiến vì thị trường hàng không thời điểm ấy bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch Covid-19.

“Nhanh chân” hơn IPP, VUAir Cargo có gì? - Ảnh 1.

Trước Vietravel Airlines, Việt Nam chưa có hãng hàng không chuyên cho hàng hoá bằng máy bay chuyên dụng.

Theo đó, hồ sơ lập hãng vận chuyển hàng hóa hiện cần có ý kiến đóng góp của 6 Bộ trước khi Thủ tướng nêu ý kiến và giao lại cho Bộ GTVT và Cục Hàng không xem xét.

Nếu được thông qua, sau khi Cục Hàng không cấp phép bay, hãng cần có thêm chứng nhận nhà khai thác tàu bay (AOC - Aircraft Operator Certificate) và các thủ tục liên quan đến cấp phép bến bãi. Hãng bay có thể mất 30 – 45 ngày để hoàn thiện các thủ tục cuối cùng trước khi cất cánh.

Theo kế hoạch, mạng đường bay nội địa IPP Air Cargo sẽ bắt đầu từ trung tâm sản xuất như Cần Thơ, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Tây Nguyên, Hải Phòng, Quảng Ninh... với trung tâm trung chuyển hàng hóa Hà Nội, TP HCM để kết nối quốc tế khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam Á, Nam Á, Châu Âu.

Ông Jonathan Hạnh Nguyễn cho hay Văn phòng Chính phủ đã đề nghị 6 Bộ cho ý kiến về việc cấp phép bay cho IPP Air Cargo. Ông dự kiến tiến trình cấp phép sẽ có tiến triển rõ nét hơn vào cuối tháng 8, nếu 6 Bộ đồng ý thông qua. Tuy nhiên, đã bước sang tháng 9 mà quá trình này vẫn chưa được hoàn thành.

Dù chưa được cấp phép, IPP thông tin cho biết công ty đã được 2 nhà sản xuất linh kiện điện tử lớn thế giới có nhà máy sản xuất tại phía bắc ký hợp tác bao tiêu vận chuyển. Trong đó, mỗi hãng đăng ký sử dụng hai máy bay chở hàng của IPP Air Cargo. Nếu được cấp phép bay vào tháng 11, hãng bay này sẽ cất cánh lần đầu tiên tại sân bay Cát Bi (Hải Phòng).

Trong một diễn biến liên quan, vừa qua, Bộ KH&ĐT có văn bản gửi Văn phòng Chính phủ liên quan đến đề xuất cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không IPP Air Cargo. Cơ quan này đề nghị rà soát, kiểm tra về tư cách pháp lý của nhà đầu tư, cụ thể là tình trạng quốc tịch của các cổ đông. Theo báo cáo mới đây của Bộ GTVT, các cổ đông của IPP Air Cargo đều là cá nhân có quốc tịch Việt Nam nên công ty này là doanh nghiệp 100% vốn Việt Nam, không có vốn đầu tư nước ngoài.

Trong khi IPP chờ cấp phép thì một hãng hàng không “trẻ” vừa công bố hợp tác mở Hãng hàng không chuyên cho hàng hoá đầu tiên – Vietravel Airlines Cargo (VUAir Cargo). Được biết, VUAir Cargo là kết quả hợp tác của Hãng hàng không Vietravel (Vietravel Airlines) vừa chính thức ký kết hợp tác với Công ty Asean Cargo Gateway (ACG).

Phải nói thêm rằng, không phải ngẫu nhiên mà hai doanh nghiệp tưởng chừng như đối thủ này lại “bắt tay” phát triển. Theo các chuyên gia, yêu cầu tối thiểu về số lượng máy bay là 30 chiếc để một hãng hàng không đạt được tỷ lệ hoà vốn thì Vietravel Airlines hiện chỉ sở hữu 5 máy bay. Cùng với gánh nặng chi phí cho đội ngũ nhân sự cần duy trì cho hoạt động bay, Vietravel Airlines lại ra đời giữa đại dịch nên doanh nghiệp này chứng kiến sự thua lỗ của mảng vận tải hành khách.

Trong khi đó, ACG lại là doanh nghiệp duy trì hàng trăm chuyến bay freighter giữa đại dịch. Được biết ACG cũng là thành quả của mô hình liên kết hợp tác giữa các ông lớn trong lĩnh vực logistics. Có lẽ bởi điều này mà VUAir Cargo tự tin với những thế mạnh về mạng lưới - công nghệ - sự kết nối giữa chủ hàng trong nước và quốc tế với một mô hình kinh doanh khác biệt sẽ giúp phát huy hiệu quả và tận dụng những thế mạnh từ hai bên.

“Nhanh chân” hơn IPP, VUAir Cargo có gì? - Ảnh 2.

VUAir Cargo dự kiến sử dụng tàu bay chuyên dụng B737-800BCF.

Mặc dù không nói rõ về con số tỷ trọng hàng hoá cụ thể, nhưng Tổng giám đốc Vietravel Airlines Vũ Đức Biên cũng cho biết hãng tự tin cùng đối tác của mình “giành” lại thị phần hàng hoá hàng không đang nằm trong tay các hãng hàng không nước ngoài. Đặc biệt, VUAir Cargo cũng không ngần ngại cho biết tham vọng tăng trưởng gấp đôi số tàu bay chuyên dụng mỗi năm.

Trên thực tế, nhu cầu vận chuyển hàng hóa ở thị trường Việt Nam, được đánh giá là đang rất “nóng”. Năm 2021, sản lượng hàng hóa vận chuyển đạt 1,3 triệu tấn và dự kiến đạt hơn 1,52 triệu tấn vào năm 2022, tăng khoảng 83 lần so với năm 1991 và 21,2% so với năm 2019.

Thời gian qua, do số lượng các chuyến bay chuyên chở khách kết hợp hàng hoá giảm mạnh trong khi nhu cầu vận chuyển tăng cao nên giá cước vận chuyển hàng hóa quốc tế đã tăng vọt 3-4 lần, thậm chí từng thời điểm, từng thị trường, giá cước tăng 5-6 lần so với thời điểm trước dịch Covid-19.

Với hàng không, thị trường vận chuyển hàng hóa quốc tế của Việt Nam đang có 29 hãng hàng không nước ngoài đến từ 16 quốc gia tham gia khai thác. Trong khi, thị phần hàng hóa quốc tế của các hãng hàng không Việt Nam giai đoạn 2020 – 2021 chỉ vào khoảng 11%. Việc xuất hiện hãng hàng không chuyên chở hàng sẽ góp phần thúc đẩy vận chuyển hàng hóa của các hãng hàng không Việt Nam tăng trưởng 10-15%/năm.

Theo Thy Hằng

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên